Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Quảng Ninh: 2 học sinh bị đâm ghê sợ - Tin tức 24h


Source Article from http://us.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/quang-ninh-2-hoc-sinh-bi-dam-ghe-so-c51a522597.html



Quảng Ninh: 2 học sinh bị đâm ghê sợ - Tin tức 24h


Source Article from http://us.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/quang-ninh-2-hoc-sinh-bi-dam-ghe-so-c51a522597.html



Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại bến đò lên chùa Lôi Âm


Ngày 21-2, đoàn công tác liên ngành do Ban ATGT tỉnh tổ chức đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT tại bến đò chùa Lôi Âm (TP Hạ Long).

1
Lực lượng liên ngành kiểm tra tại bến đò lên chùa Lôi Âm.

Theo báo cáo của lãnh đạo phường Đại Yên, hiện tại bến đò có 5 đò máy hoạt động có sức chở từ 25 đến 35 khách/đò. Do vào dịp lễ hội, lượng khách có nhu cầu đi đông khiến nhiều chuyến đó chở quá số người quy định gây mất ATGT.

Đoàn công tác đã yêu cầu chủ đò không chở quá số người quy định, hành khách đi đò phải được mặc áo phao. Cùng với đó duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, tổ chức lực lượng kiểm tra, trang bị biển hướng dẫn, hàng rào chắn, đèn chiếu sáng đúng với quy định ATGT đường thuỷ nội địa.

1
Ban ATGT tỉnh tặng 50 áo phao cho UBND phường Đại Yên.

Tại buổi kiểm tra, Ban ATGT tỉnh đã trao tặng 50 áo phao cho UBND phường Đại Yên để trang bị thêm cho các đò chở khách.

Đỗ Phương



Hạ Long phát động Tết trồng cây


Trong những năm qua, TP Hạ Long đã tích cực triển khai hiệu quả công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Năm 2012, Thành phố Hạ Long đã trồng mới được 20 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên hơn 24%. Đồng thời thành phố cũng từng bước triển khai quy hoạch hệ thống cây xanh tại các công viên, tuyến đường đô thị, các điểm tham quan, du lịch.

Tại lễ phát động trồng cây, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo người dân TP Hạ Long đã ủng hộ và tham gia trồng gần 200 cây xanh gồm nhiều loại cây như: cây sao đen, lộc vừng, long não, sấu… có đường kính từ 15 cm trở lên tại mặt bằng công viên Trung tâm Cột đồng hồ – Lán bè với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Đây là bước khởi đầu để thực hiện mục tiêu trồng 1.000 cây phủ xanh cho công viên, đồng thời góp phần phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt công cộng của nhân dân trong toàn tỉnh.



Học sinh đến trường sau Tết: Nghịch lý miền xuôi


Theo quy định ngày 20-2, toàn bộ học sinh trong toàn tỉnh phải đến trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 (cụ thể là học sinh bậc THPT phải đến trường từ ngày 18-2 và bậc mầm non, tiểu học đến trường ngày 20-2). Tuy nhiên, trong khi học sinh ở các địa phương miền xuôi của tỉnh hào hứng đến trường sau kỳ nghỉ dài thì thầy cô ở các huyện miền núi, vùng cao lại vất vả với việc vận động học sinh trở lại trường…

Học sinh miền xuôi hào hứng đến trường

Ngày 20-2, ngày đầu tiên đến trường của các em học sinh tiểu học, mầm non sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2013, chúng tôi đã đi khảo sát ở một số trường trên địa bàn TP Hạ Long. Mặc dù buổi sáng sớm trời mưa lạnh nhưng cổng các trường đều đông nghịt bởi phụ huynh đưa con đi học – như hình ảnh thường thấy vào những ngày trong năm. Tại Trường Mầm non Hạ Long, chúng tôi quan sát thấy có vài ba em bé còn mếu máo khi rời tay mẹ nhưng cũng nhanh chóng nín khóc để chơi cùng bạn, cùng cô. Còn ở các trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Tiểu học Hạ Long… đều có thể thấy hình ảnh các cô bé, cậu bé tay bắt mặt mừng, tíu tít trò chuyện với nhau trước giờ vào lớp. Hỏi chuyện em Phạm Anh Tú, học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Hạ Long, chúng tôi được trả lời: "Cháu thích trở lại trường lắm vì nghỉ Tết nhiều rồi. Đến trường cháu được gặp các bạn rất vui, được học các môn học. Và cháu thích nhất là tiếp tục được thi giải toán qua mạng…". Học sinh mầm non, tiểu học đã thế, học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố còn đông đủ, hào hứng hơn trong ngày 20-2 bởi các em đã khai xuân được 2 ngày, nền nếp học tập đã trở lại như cũ và dư vị Tết cũng gần như không còn. Em Vũ Thị Hồng, học sinh lớp 7 của Trường THCS Kim Đồng cho biết: "Nghỉ Tết cũng vui nhưng đi học còn vui hơn vì chúng cháu được gặp bạn bè. Bây giờ thì chúng cháu trở lại học như bình thường rồi. Qua Tết là chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ mà bây giờ không có dạy thêm, học thêm nên chúng cháu phải tập trung học luôn…".

Vào ngày đầu khai xuân, Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên vắng tới gần 100 học sinh. (Giờ học của các cháu lớp 5 tuổi).Ảnh: LAN ANH
Vào ngày đầu khai xuân, Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên vắng tới gần 100 học sinh. (Giờ học của các cháu lớp 5 tuổi).Ảnh: LAN ANH

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Bích Hạnh, Phó Phòng GDĐT TP Hạ Long nói: "Đến ngày 21-2 học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đã trở lại học bình thường, đảm bảo đủ về sĩ số. Chỉ có riêng bậc học mầm non vẫn còn một số trẻ chưa đến trường do trời mưa lạnh, một số gia đình vẫn để con ở nhà. Tuy nhiên, số học sinh mầm non nghỉ học cũng không đáng kế". Đồng chí Võ Tiến Quang, Trưởng Phòng GDĐT TP Uông Bí cũng cho biết: "Theo báo cáo nhanh đầu năm của các trường, tất cả học sinh trên địa bàn thành phố đã đến lớp học bình thường, không có ảnh hưởng gì của Tết. Một số trường có một vài trường hợp học sinh nghỉ ốm. Bậc học mầm non cũng có một số trường hợp học sinh chưa đi học nhưng không nhiều, riêng học sinh lớp 5 tuổi hai ngày nay (20 và 21-2) đều đảm bảo xấp xỉ 100% sĩ số".

Và nỗi lo của giáo viên miền núi

Trái ngược với các trường ở khu vực đô thị, đồng bằng của tỉnh, cán bộ, giáo viên của các trường miền núi lại vất vả với việc vận động học sinh đến trường sau Tết. Chúng tôi có mặt tại Trường THCS Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu đúng ngày khai xuân nhưng trường vẫn còn 20/224 học sinh chưa đến lớp (cụ thể: Khối 9 vắng 8 học sinh, khối 7 vắng 3 em, khối 6 và khối 8 vắng tổng cộng 6 em). Theo cô giáo Phạm Thị Hằng, Hiệu phó Trường THCS Đồng Tâm thì những em hiện vẫn đang nghỉ học chủ yếu ở những thôn xa trung tâm xã Đồng Tâm như thôn Ngàn Vàng, Ngàn Phe, Sam Quang, Phiêng Sáp. Cô Hằng nói thêm: "Thật ra số lượng học sinh nghỉ năm nay đã hạn chế hơn hẳn so với những năm trước. Nguyên nhân học sinh nghỉ học sau Tết thì nhiều lắm. Có thể là đi làm rẫy phụ bố mẹ, có em thì nghỉ học ở nhà vì ham chơi. Thường thường thì cứ qua Rằm tháng Giêng thì các em mới đi học đầy đủ".

Giờ học tại một lớp thuộc Trường THCS Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu.
Giờ học tại một lớp thuộc Trường THCS Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu.

Tại Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên), vào ngày đầu tiên tới trường sau khi Tết Nguyên đán kết thúc, số lượng trẻ nghỉ học cũng lên tới gần 100 học sinh (chỉ có 259 học sinh đi học trên tổng số 358 học sinh toàn trường). Cô Hoàng Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết: "Đây là đặc thù chung của các trường mầm non. Trường chúng tôi tuy nằm ở trung tâm thị trấn nhưng cũng còn một số hộ gia đình ở xa như xã Phong Dụ, xã Đại Dực. Hơn nữa, nhiều gia đình học sinh làm buôn bán thì vẫn muốn cho con mình nghỉ ở nhà thêm…"

Còn tại Trường PTCS Bán trú Nam Sơn, Ba Chẽ, tình hình còn "bi đát" hơn bởi đến ngày 21-2 nhà trường vẫn còn 71/218 học sinh vắng mặt. Liên hệ công tác vào ngày này, chúng tôi không thể gặp lãnh đạo nhà trường bởi ngoài bố trí giáo viên dạy các lớp, hầu hết cán bộ, giáo viên của trường phải toả đi các thôn, bản để vận động học sinh đi học trở lại.

Đồng chí Phan Thị Huệ, Phó Phòng GDĐT huyện Ba Chẽ cho biết: "Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn một số trường vắng đến 20% học sinh. Chúng tôi đang đi kiểm tra các trường, đến hết 22-2 mới có con số chính xác nhưng nhìn chung tình hình học sinh chưa đến trường sau Tết vẫn còn nhiều, đặc biệt là các em ở các thôn vùng sâu, vùng xa. Sau Tết lại mưa, rét nên nhiều em cũng ngại đi học. Nhận thức của các bậc phụ huynh về việc học của con còn chưa cao nên chúng tôi rất vất vả trong dịp này". Không chỉ riêng Ba Chẽ mà nhiều địa phương miền núi, vùng khó khăn của tỉnh vẫn còn nhiều học sinh chưa đến trường sau Tết. Tính đến ngày 21-2, huyện Bình Liêu còn vắng 47 học sinh, huyện Đầm Hà vắng 69 học sinh, còn huyện Hải Hà vắng tới 250 học sinh.   

Được biết, để chủ động ổn định tình hình học sinh đến trường sau Tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi đã và đang triển khai tích cực nhiều giải pháp, trong đó phát huy tối đa sự phối hợp của ngành giáo dục với chính quyền địa phương. Ngay từ trước Tết, Sở GDĐT đã ra văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc dạy và học theo quy định sau Tết Nguyên đán, không để các hoạt động vui xuân, đón Tết kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Mặt khác, ngay tại mỗi cơ sở giáo dục thì đều có những cách làm sáng tạo, những biện pháp riêng phù hợp với điều kiện từng vùng miền để tiếp tục nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh trong việc ra lớp đúng quy định. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, trình trạng này vẫn chưa chuyển biến so với những năm trước.

Bảo Bình – Lan Anh



Bổ sung quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.

Tại quy định hiện đang được áp dụng tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn trong một năm không quá 5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ này được tăng lên thành không quá 10% tại Nghị định mới.

Bổ sung đối tượng công chức

Nghị định mới cũng bổ sung đối tượng áp dụng trong Bảng 2 "Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước" ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Cụ thể, đối với công chức loại A3, Nhóm 1 (A3.1), bên cạnh 8 đối tượng gồm: Chuyên viên cao cấp; Thanh tra viên cao cấp; Kiểm soát viên cao cấp thuế; Kiểm toán viên cao cấp; Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng; Kiểm tra viên cao cấp hải quan; Thẩm kế viên cao cấp; Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Nghị định mới bổ sung thêm 5 đối tượng là: Thống kê viên cao cấp; Kiểm soát viên cao cấp chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Chấp hành viên cao cấp (thi hành án dân sự); Thẩm tra viên cao cấp (thi hành án dân sự); Kiểm tra viên cao cấp thuế.

Nhóm 1, công chức loại A2 (A2.1) bổ sung thêm 6 đối tượng gồm: Thông kê viên chính; Kiểm soát viên chính chất lượng sản phẩm hàng hóa; Chấp hành viên trung cấp (thi hành án dân sự); Thẩm tra viên chính (thi hành án dân sự); Kiểm tra viên chính thuế; Kiểm lâm viên chính.

Công chức loại A1 được bổ sung thêm 8 đối tượng là: Thống kê viên; Kiểm soát viên chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Kỹ thuật viên bảo quản; Chấp hành viên sơ cấp (thi hành án dân sự); Thẩm tra viên (thi hành án dân sự); Thư ký thi hành án (dân sự); Kiểm tra viên thuế; Kiểm lâm viên.

7 đối tượng được bổ sung vào bảng công chức loại B gồm: Thống kê viên trung cấp; Kiểm soát viên trung cấp chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thư ký trung cấp thi hành án (dân sự); Kiểm tra viên trung cấp thuế; Kiểm lâm viên trung cấp; Kỹ thuật viên bảo quản trung cấp; Thủ kho bảo quản.

Ngoài ra, Nhân viên bảo vệ kho dự trữ cũng được bổ sung vào ngạch công chức loại C.

Sửa "Ngạch viên chức" thành "Chức danh nghề nghiệp viên chức"

Quy định mới cũng sửa đổi tên gọi "Ngạch viên chức" bằng "Chức danh nghề nghiệp viên chức".

Đồng thời, bổ sung đối tượng áp dụng trong Bảng 3 "Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước" ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Cụ thể, 3 chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ sung vào Nhóm viên chức loại A3 (A3.1) là: Điều tra viên cao cấp tài nguyên môi trường; Dự báo viên cao cấp khí tượng thủy văn; Kiểm soát viên cao cấp khí tượng thủy văn.

Nhóm 1, viên chức loại A2 (A2.1) được bổ sung 14 chức danh nghề nghiệp viên chức bao gồm: Công tác xã hội viên chính; Trợ giúp viên pháp lý chính; Hộ sinh chính; Kỹ thuật viên chính y; Y tế công cộng chính; Điều dưỡng chính; Dân số viên chính; Kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động; Trắc địa bản đồ viên chính; Địa chính viên chính; Điều tra viên chính tài nguyên môi trường; Quan trắc viên chính tài nguyên môi trường; Dự báo viên chính khí tượng thủy văn; Kiểm soát viên chính khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, viên chức loại A1 cũng được bổ sung thêm 17  chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên tiểu học cao cấp, giáo viên mầm non cao cấp, giáo viên trung học cơ sở chính… Viên chức loại Ao bổ sung 11 đối tượng, viên chức loại B bổ sung 12 đối tượng, viên chức nhóm 1, loại C (C1) được bổ sung 6 đối tượng.

Bổ sung bảng nâng lương đối với sỹ quan cấp tướng

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng bổ sung bảng nâng lương đối với sỹ quan cấp tướng thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân tại Bảng 6 "Bảng nâng lương cấp bậc quân hàm sỹ quan quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan công an nhân dân" ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

Thời hạn nâng lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tướng, Trung tướng, Thượng tướng và Đại tướng là 4 năm.

Quy định mới có hiệu lực từ ngày 10/4/2013.

Theo chinhphu.vn



Vì sao dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế?


Thông tin hạn chế học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế mới được biết đến đang khiến dư luận xôn xao,  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã trao đổi về vấn đề này.

Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định 73/2012/NĐ-CP nêu rõ đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức Quốc tế và tổ chức, cá nhân người nước ngoài – gọi là Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo các hình thức: Liên kết đào tạo; Thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý.

Nghị định 73/2012/NĐ-CP cũng nêu rõ các loại hình cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập và qui định các đối tượng người học, gồm: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Ba loại hình cơ sở giáo dục này dành cho mọi đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam và không hạn chế số lượng người Việt Nam học tập.

Điều 21 của Nghị định cũng quy định, nhà ĐTNN được thành lập các cơ sở giáo dục Mầm non thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài và dành cho trẻ em là người nước ngoài.

Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp bằng của nước ngoài, chủ yếu dành cho học sinh là người nước ngoài và cho phép các cơ sở giáo dục này được tiếp nhận một tỷ lệ học sinh Việt Nam có nhu cầu học tập, cụ thể: Ở các trường Tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; ở các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường.

Nghị định còn qui định học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

Mong trẻ lớn lên thông thạo tiếng Việt

- Tại sao lại quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài và hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam vào học ở các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn ĐTNN, thưa thứ trưởng?

- Tại Nghị định 73 quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài. Ở đây chúng ta hiểu chương trình của nước ngoài là toàn bộ chương trình giáo dục được nhập của nước ngoài và được dạy bằng tiếng nước ngoài.

Trong quá trình xây dựng Nghị định chúng tôi quan tâm đến đối tượng các em dưới 5 tuổi, ở độ tuổi này các em cần phải học nói thạo tiếng Việt để giao tiếp với cộng đồng cùng lứa tuổi là người Việt Nam, để xây dựng cái gốc văn hoá Việt và để sau này các em có khả năng học bằng tiếng Việt một số môn học quy định bắt buộc theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Các môn học bắt buộc này sẽ được quy định cụ thể tại Thông tư hướng dẫn Nghị định 73.

Các em học trong các trường có vốn ĐTNN sẽ không được hưởng ưu đãi này và do trường có vốn ĐTNN được thành lập với mục đích giảng dạy cho học sinh là người nước ngoài chứ không phải là học sinh Việt Nam, nên việc giúp cho các em học sinh Việt Nam học tại trường này hình thành kiến thức và hiểu biết được truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ khó khăn.

Nhưng thực tế cũng có một số gia đình có điều kiện về kinh tế mong muốn cho con em mình được học tập tại các trường có vốn ĐTNN, dạy bằng chương trình nước ngoài để các em có khả năng đi du học hoặc học tập trình độ cao hơn tại nước ngoài. Thể theo nguyện vọng chính đáng này, Nghị định 73 cho phép trường có vốn ĐTNN được tiếp nhận một số học sinh Việt Nam có điều kiện được học tập tại trường.

Theo kinh nghiệm Quốc tế, những trường đầu tư nước ngoài hoạt động có chất lượng thì tỉ lệ học sinh bản địa theo học thường từ 10 đến 20% là hợp lý. Hơn nữa, mục tiêu của các trường được thành lập là dành cho con em của họ được học tập thuận lợi tại Việt Nam và không phải vì mục tiêu kinh doanh giáo dục, nên các nhà ĐTNN cũng như là các phụ huynh mong muốn nếu tiếp nhận học sinh là công dân Việt Nam thì nên theo tỷ lệ như vậy.

Sẽ có hướng dẫn cụ thể

- Đối với các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN, dành cho người nước ngoài đã tiếp nhận học sinh Việt Nam cao hơn tỷ lệ quy định thì thực hiện Nghị định 73 như thế nào?

- Nghị định số 73 không quy định hồi tố hoặc xem xét lại các trường đã thành lập và hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết khi thành lập.

Những em học sinh Việt Nam đã được tiếp nhận vẫn tiếp tục học tập bình thường tại trường, nhưng nhà trường cần phải có kế hoạch, lộ trình để tuân thủ các quy định của Nghị định số 73 về tỷ lệ tiếp nhận học sinh Việt Nam. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn về việc này.

- Các trường quốc tế có 100% vốn đầu tư trong nước có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 73 hay không?

- Không. Các trường Quốc tế trước đây được cho phép thí điểm thì cần phải tổng kết, đánh giá thí điểm và đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 73 và sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và các bậc phụ huynh quan tâm góp ý.

“Trong Luật giáo dục 2005 và Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục 2009 đã nêu rõ: Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 35 của Hiến pháp 1992 cũng qui định: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí. Cho nên trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư cho giáo dục và đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và miễn học phí cho mọi đối tượng cấp Giáo dục tiểu học.”

Theo Vietnamnet