Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Ấm tình những cảnh đời cô đơn


Khi khắp phố phường rộn ràng bản nhạc Happy new year bất hủ phát ra từ những cửa hàng trên phố; khi từng tốp người xếp hàng, mua vội tấm vé về quê ăn Tết… cũng là lúc mùa xuân đang về. Đâu đó, người ta dễ dàng gặp cảnh người người tay bắt mặt mừng đón người xa quê trở về hay hình ảnh bữa cơm đoàn viên, sum vầy của các gia đình. Thế nhưng, trong không khí đón xuân mới này, vẫn còn đó những người không có gia đình để đoàn tụ và còn những người khác có nhà lại không thể trở về… Họ là những người già đang sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Bà Lành,
Bà Lành, "đôi mắt" của ông Phấn.

Nơi tình yêu bắt đầu…

Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vào một sáng cuối năm trong cái tiết trời giá lạnh khiến mọi người không khỏi co ro, run rẩy. Thế nhưng, cái không khí nô nức, náo nhiệt mà tôi cảm nhận được ngay từ khi bước qua cánh cổng của Trung tâm đã khiến lòng tôi như ấm lại. Tiếng người trò chuyện rôm rả hoà lẫn tiếng gọi nhau í ới đã khiến cho không gian nơi đây trở nên sôi động. Hỏi ra mới biết hôm nay đúng vào dịp Trung tâm tổ chức trang trí nhà cửa và gói bánh chưng đón Tết. Những cụ còn khoẻ mạnh thì chẻ lạt, đãi đỗ, vo gạo, lau lá bánh, còn những cụ khác thì ngồi gần xung quanh để thi thoảng góp chuyện cho vui. Tuy nhiên, đặc biệt gây chú ý nhất với tôi có lẽ là hai ông bà đang lau lá bánh ở cách đấy không xa. Ông thì cao tới 1 mét 70, còn bà chỉ cao 80 phân. Không những thế, ông lại bị mù nên bà cứ như "cái bóng" bên cạnh… Nhưng họ lại rất dí dủm với nhau. Đó là ông Phấn và bà Lành, "đôi đũa lệch" – như cách mà các bà, các cụ ở đây vẫn thường gọi đùa. Nhắc đến họ, chị Hà, cán bộ quản lý của Trung tâm, người đi cùng tôi, kể: "Ông Phấn với bà Lành hay lắm chị à. Từ ngày hai ông bà "kết" nhau, họ rất thích được ngồi ăn riêng với nhau; ông bón thức ăn cho bà, bà bón thức ăn cho ông… Trông như "đôi uyên ương" ấy! Vậy nên Trung tâm đã sắm luôn cho hai ông bà bộ bàn ghế đặt riêng ra một góc. Cứ thế, hôm nào bà cũng dắt ông ngồi vào ghế, rồi lau bát đũa, gắp thức ăn cho ông xong xuôi mới "trèo" lên ghế mình ngồi…".

Khi được hỏi về "mối tình" của mình, bà Lành cởi mở lắm. "Không hiểu trời xui, đất khiến thế nào mà tôi vào Trung tâm buổi sáng thì cái ông này vào buổi chiều. Ông ấy có đứa cháu dâu làm cán bộ ở đây, thấy ông ấy già cả lại mù loà nên mới có lời nhờ tôi giúp đỡ ông ấy. Ấy thế mà thoắt cái tôi cũng đã "giúp đỡ" ông ấy được gần chục năm rồi đấy…". Ông Phấn ngồi bên cạnh nghe thấy thế, cũng góp vui: "Ở đây ngót nghét gần chục năm rồi nhưng vui lắm cô ạ. Không những có cái ăn, cái mặc mà còn có cả người chăm sóc. Bà ấy không có gia đình, người thân chứ tôi thì còn có cháu, chắt nên thỉnh thoảng vẫn được về nhà. Thế nhưng, đi đâu cũng không bằng ở đây". Nghe kể, có dạo Trung tâm phải sửa chữa khu nhà ở của các cụ nên cho ông Phấn về nhà với gia đình hơn ba tháng. Thế nhưng, lúc trở lại Trung tâm ông gầy rộc hẳn đi. Xót cụ gầy, cán bộ Trung tâm hỏi thăm đứa cháu trai thì anh này bảo: "Về nhà được mấy hôm thì cứ thấy cụ buồn buồn, ăn chả thấy ngon, ngủ cũng không yên. Gặng hỏi thì cụ bảo: "Nhớ Trung tâm! Chắc là cụ nhớ bà Lành đấy mà!".

Nếu như ông Phấn và bà Lành là cặp đôi "đũa lệch" thì ông Bát và bà Đức lại là cặp đẹp đôi nhất Trung tâm. Ngày trước, ông Đỗ Văn Bát là nhân viên của Liên đoàn địa chất 9 ở Cẩm Phả. Nghe nói ông vốn rất "kỵ" đàn bà, nên đến già vẫn không chịu lập gia đình. Sau khi nghỉ hưu, ông mới vào Trung tâm để an dưỡng tuổi già. Chị Hà bảo: "-Hồi mới vào đây, trừ khi phải tiếp xúc với cán bộ nữ ra thì không bao giờ ông nói chuyện hay tiếp xúc với một người phụ nữ nào. Mặc dù sống và gặp gỡ thường xuyên với nhiều người nhưng ông lại rất trầm lặng, khép kín…".

Và thật bất ngờ, ở cái tuổi tám mươi, ông Bát lại tìm thấy… "mối tình đầu" với bà Đức. Từ ngày "làm bạn" với bà Đức, ông thay đổi hẳn. Tính tình cởi mở, hoà đồng và nhiệt tình với mọi người mà da dẻ cũng hồng hào hơn, chẳng khác gì một người "hồi xuân". Ngày mới biết nhau, vì hơn ông Bát 3 tuổi nên bà Đức với ông Bát xưng nhau là chị – em. Dần dà, từ chị – em, ông bà gọi nhau là bạn với tớ, rồi chuyển sang thành ông – tôi và bà – tôi… như một đôi tri kỷ. Mặc dù ở hai dãy nhà khác nhau nhưng hai ông bà lúc nào cũng cạnh nhau như hình với bóng. Lúc thì cùng nhau dọn dẹp vệ sinh khuôn viên Trung tâm, lúc lại trò chuyện cùng nhau bên tách trà vừa mới pha…

Tết sớm…

Năm hết, Tết đến bao giờ cũng là lúc những người xa nhà, xa quê muốn được trở về đoàn tụ với người thân, gia đình. Tuy nhiên, đối với hơn 70 người già không nơi nương tựa này thì từ lâu, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã là đại gia đình, là mái nhà chung của họ rồi. Có người mới chỉ ăn một vài cái Tết ở đây, cũng có những người đã nửa đời đón xuân ở Trung tâm nhưng họ đều có chung những cảm xúc đặc biệt về không khí Tết trong "ngôi nhà chung" này. Là người đã sống ở Trung tâm hơn mấy chục năm nay nhưng chưa có năm nào ông Ngô Văn Điếm, quê ở Đông Triều về quê ăn Tết với gia đình. Ông Điếm tâm sự: "Những ngày mới vào Trung tâm, cứ lúc nào rảnh rỗi là tôi lại nghĩ đón Tết ở đây chắc buồn và chán lắm. Thế nhưng đến khi vào đây tôi mới biết là vui và náo nhiệt như thế nào. Không những có cành đào, cành quất, bánh chưng, bánh tét như ở nhà mà chúng tôi còn được tham gia những trò chơi ngày bé. Bây giờ già rồi mà còn được chơi đập niêu, bịt mắt bắt dê… thì chắc chỉ ở đây mới có!". Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp gần Tết là Trung tâm lại lo sắm sửa mọi thứ cho các cụ đón năm mới. Bởi vậy, không khí Tết bao giờ cũng đến sớm, bắt đầu từ những ngày chuẩn bị đón Tết và kéo dài cho đến tận những ngày đầu năm mới. Đêm giao thừa, tất cả mọi người sẽ tập trung ở hội trường để cùng nhau trò chuyện, chia tay năm cũ và đón chào năm mới. Tuy nhiên, công đoạn gói bánh chưng vẫn là thời điểm rộn ràng, náo nhiệt khiến các cụ háo hức nhất. Vừa ngồi rửa lá bánh, bà Năng (quê ở Đông Triều) vừa nói: "Hồi còn nhỏ, cứ thấy mẹ mua lá dong về thì biết là sắp đến Tết rồi. Trẻ con bọn tôi thời ấy thích nhất là được ngồi nghịch trong lúc bố mẹ gói bánh chưng. Thời bây giờ, phong tục gói bánh, nấu bánh cũng bị nhiều nhà bỏ đi rồi. Thế nhưng, "nhà" chúng tôi thì chả năm nào thiếu. Cứ chiều hôm trước thông báo ngày mai gói bánh chưng thì cả đêm ấy không ngủ được vì chỉ mong trời nhanh sáng. Ai cũng vui…". Ngồi nói chuyện lâu với các cụ, tôi mới để ý thấy có điều hơi lạ là mấy cụ bà ở đây ai cũng có kiểu tóc xoăn ngắn, gọn gàng khá giống nhau. Khi tôi hỏi thì một cụ bảo: "Năm nay các cán bộ quan tâm lắm. Những ai có nhu cầu đều được Trung tâm cho 200.000 đồng để đi làm tóc đấy. Chúng tôi già cả rồi nên chỉ làm kiểu xoăn xoăn thế này là hợp thôi. Làm tóc mới cũng thấy tâm trạng hưng phấn, háo hức đón Tết hẳn cô ạ". Nhìn bà cụ đưa bàn tay gầy, nổi đầy gân xanh lên vuốt vuốt mái tóc mới làm lại, rồi cười móm mém đầy sung sướng, bỗng nhiên tôi cảm thấy thật xúc động…

Chia tay những cụ ông, cụ bà của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh khi trời đã về chiều, từng cơn gió tạt qua càng làm cho thời tiết lạnh giá hơn. Thế nhưng, ấn tượng về những người tôi đã gặp ở Trung tâm khiến lòng mình ấm lại…

Ngô Dịu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét