Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Cái Chiên nỗ lực bảo vệ môi trường


Cái Chiên là xã đảo duy nhất của huyện Hải Hà. Xã có diện tích 2.500ha, nhưng chỉ có 108ha đất nông nghiệp, còn đa phần là đồi núi và bãi biển. Cái Chiên có 154 hộ dân, cuộc sống của bà con trên đảo chủ yếu là tự cung tự cấp.

Đến với Cái Chiên bây giờ ai cũng tự nhận thấy màu xanh tươi của các khu rừng, gần như suốt cả ngày không ngớt tiếng chim. Đồng chí Phạm Thái Phi, Bí thư Đảng uỷ xã dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo rồi giới thiệu: "Để có được những âm thanh thiên nhiên vui vẻ như thế này, là sự nỗ lực của người dân cả xã chúng tôi. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã tích cực vận động bà con thực hiện tốt công tác môi trường, như trồng thông, keo và bảo vệ rừng nguyên sinh. Các hộ dân không vì lý do nghèo mà khai thác cát, sỏi bừa bãi". Cái Chiên hiện có khoảng 500ha rừng nguyên sinh (trong rừng vẫn tồn tại nhiều loài cây, thú quý) và bãi biển dài khoảng 2km cát trắng mịn. Bà con coi đây là "của chìm" cha ông để lại nên ra sức gìn giữ.

Rừng thông chắn cát do người dân Cái Chiên trồng bên bãi biển năm 1998, giờ đã là lá chắn vững chắc bảo vệ môi trường.
Rừng thông chắn cát do người dân Cái Chiên trồng bên bãi biển năm 1998, giờ đã là lá chắn vững chắc bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Chuyền, Trưởng thôn Đầu Rồng, là thôn có nhiều rừng cho chúng tôi biết, việc quản lý bảo vệ các khu rừng nguyên sinh đã được xã chia đều trách nhiệm cho các thôn. Bà con đã lập ra đội tự quản bảo vệ rừng, các thành viên trong đội tự quản lấy tinh thần tự nguyện là chính. Ngoài việc thường xuyên theo dõi ngăn chặn các hiện tượng gây cháy hay chặt phá rừng, chúng tôi còn vận động bà con hàng năm trồng gần trăm ha rừng. Năm 1998, nhân dân đã hưởng ứng cuộc phát động của xã trồng 2ha phi lao chắn cát ở khu vực bãi biển. Không những thế, bà con còn tự nguyện đóng góp hàng trăm công lao động 2 lần/năm làm vệ sinh môi trường khu vực rừng phi lao, giữ màu xanh cho tiềm năng du lịch của Cái Chiên trong tương lai.

Năm 2011, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Cái Chiên được làm một con đường bê tông dài 5km xuyên suốt đảo. Rồi nhiều công trình khác được thực hiện ở Cái Chiên như công trình hồ cấp nước Vạn Cả (thôn Vạn Cả), có dung lượng nước khoảng 36.000m3, và hồ Khe Đình (thôn Đầu Rồng) chứa khoảng 18.000m3 nước đang được hoàn thành. Những công trình này đã đảm bảo nguồn nước sinh hoạt lẫn nguồn nước tưới cho các cánh đồng của xã. Bà con hăng hái hiến đất xây dựng nông thôn mới để làm đường từ khu dân cư đến các hồ đập.

Trong khi nhiều xã trong tỉnh, dịch bệnh ở tôm hoành hành mà nguyên nhân được cho là do môi trường nuôi thả bị ô nhiễm, thì ở Cái Chiên, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lại đem lại thắng lợi về kinh tế cho 6 hộ thực hiện từ tháng 8 năm 2012. Họ được nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng tiền giống và thức ăn. Sau 4 tháng nuôi thả, bà con nông dân đã thu hoạch được 17 tấn tôm, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/hộ/vụ.

Anh Ngô Văn Yên, thôn Đầu Rồng còn là người đã mạnh dạn đưa mô hình nuôi tôm hùm là hướng làm ăn rất mới vào Cái Chiên. Anh Yên cho biết: "Tôm hùm là loài không dễ nuôi, nếu gặp môi trường nước không tốt là tôm chết, người nuôi tôm có thể mất trắng. Tôm giống không dễ mua, tôi phải lặn lội vào trong Nha Trang (Khánh Hoà) mới mua được và thông qua người quen học hỏi được chút kinh nghiệm và tôi còn tham khảo cả trên Internet". Từ 300 con tôm hùm mà anh Yên thả thử nghiệm từ tháng 6-2011, đến cuối năm 2012 được thu hoạch với số lượng tôm sống khoảng 70% và đạt trọng lượng từ 0,6-0,8kg/con, giá xuất tại đầm hiện tại đã là 2 triệu đồng/kg. Nếu công việc "thuận buồm xuôi gió" thì người nuôi cũng kiếm được vài trăm triệu đồng/năm.

Ông Phạm Thái Phi, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết thêm: "Chúng tôi coi việc bảo vệ tốt môi trường là nhiệm vụ quan trọng của xã. Môi trường tốt sẽ giúp cho xã phát triển tốt hơn các mô hình kinh tế, cũng như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi họ đưa du lịch vào đây".

Công Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét