Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Cảnh giác với “xả hàng”


Áp Tết, hầu hết các cửa hàng nhỏ lẻ, siêu thị, thậm chí các quầy bán lưu động đều tung ra các "chiêu" khuyến mại "mùi mẫn". Thực tế, đây chỉ là cách kích cầu, thu hồi vốn của người kinh doanh, chứ không phải do thiện chí hướng đến khách hàng. Không ít người ham rẻ đã ngậm ngùi trong tiếc nuối vì mua phải hàng kém chất lượng.

Dạo qua bất cứ con phố nào ở TP Hạ Long trong thời gian này, đều có thể dễ dàng tìm thấy các biển quảng cáo, băng-rôn ghi: "Hàng giảm giá", "Mùa xả hàng cuối năm", "Hàng siêu rẻ", "Giảm giá cực rẻ", "Giảm giá 30% – 50%"… Trong đó, nhiều mặt hàng ghi giảm đến 80%. Tuy thế, cửa hàng vẫn ế ẩm, vắng khách. Hình như trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dẫu là hàng khuyến mại, giảm giá thì việc người dân "nâng lên đặt xuống" khi mua là điều dễ hiểu.

Theo quan sát của phóng viên, có hàng trăm mặt hàng góp mặt vào guồng quay "xả hàng", từ những thứ nhỏ bé nhất như cái bàn chải đánh răng, đến những thứ giá trị cả đống tiền như thời trang, tivi, tủ lạnh, máy giặt… cũng được giới kinh doanh tính toán "trút đi" cho… nhẹ nợ. Mặt hàng được khuyến mại nhiều nhất trong dịp áp Tết là các mặt hàng điện máy, quần áo, mỹ phẩm, kính mắt… mà trong đó có không ít sản phẩm thuộc loại lỗi mốt, hết hạn sử dụng, trộn lẫn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng tồn kho. Một số địa điểm bán quần áo, chăn ga, gối đệm lưu động, hàng hoá được chở đi bán vỉa hè, nơi này bị đuổi thì đến nơi khác cũng hết sức nhộn nhạo, khó kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm.

Nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Hạ Long thực hiện giảm giá, thanh lý hàng với những lời chào mời hấp dẫn.
Nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Hạ Long thực hiện giảm giá, thanh lý hàng với những lời chào mời hấp dẫn.

Một số khách hàng nhẹ dạ, thích hình thức mua sắm tiện lợi (đa phần là người thu nhập thấp, sinh viên) đã tin vào những lời chào mời hấp dẫn và không ít lần "ăn trái đắng". Nguyễn Bích Ngọc (sinh viên Trường CĐ VHNTDL Hạ Long), sau khi đi mua quần áo giảm giá tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, chia sẻ: "Đa số người ta nâng giá sản phẩm lên cao trước khi có chương trình "xả hàng" rồi giảm xuống, nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Có lần tôi đã mua một chiếc áo khoác ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, mang về mặc mấy lần chỉ đường may đã bung, xem thật kỹ, hoá ra là hàng Trung Quốc giá rẻ chứ không phải hàng Việt Nam như quảng cáo".

Cũng mang tâm lý bức xúc như Ngọc, chị Vân (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) kể: "Xem thông tin quảng cáo khuyến mại trên mạng, tôi đến phố Lê Thánh Tông mua cho con trai đang học cấp 3 một chiếc áo khoác tại một cửa hàng thời trang "hàng hiệu" với giá tuy đã giảm nhưng vẫn lên đến cả triệu đồng. Đến khi mang về nhà, cậu con trai hạnh phúc mặc áo mới đi chơi, thấy bạn mình có một cái áo giống y hệt được mẹ mua cho ở chợ Hạ Long I với giá 600 ngàn đồng…".

Tại các chợ trung tâm ở TP Hạ Long, thời gian gần đây, những thông tin về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn có vẻ im ắng. Một phần vì các lực lượng chức năng rất nỗ lực kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường; một phần vì những mặt hàng được làm giả khá tinh vi, lại tập trung vào các mặt hàng nhiều kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng như: Đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, thực phẩm, hàng may mặc… Theo tìm hiểu của phóng viên, tại chợ Hạ Long I, có đến gần 80% số hàng vải, may mặc là nhập từ Trung Quốc. Ở chợ Hạ Long II, hàng hoá được nhập từ Trung Quốc chiếm số lượng rất lớn và đa số không có hoá đơn, chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Những chương trình khuyến mại, "xả hàng" hiện trên địa bàn thành phố cũng không ít nơi phạm luật. Nhà nước có quy định: "Một chương trình khuyến mại không vượt quá 45 ngày, mức giảm giá không vượt qua 50%". Thế nhưng vẫn có những nơi căng biển giảm từ 70 – 90%. Như một cửa hàng ở phố Lê Thánh Tông, bán "hàng thanh lý" suốt 4 tháng (từ tháng 10-2012 đến tháng 2-2013); hàng cũ đựng trong một thùng các tông đặt trước cửa hàng vừa vơi đi, cửa hàng lại tiếp tục nhập thêm hàng mới về… thanh lý (?!)

Ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, lúc này là thời điểm nóng về tập kết và tiêu thụ hàng lậu, các lực lượng chức năng dẫu "gồng mình" cũng rất khó kiểm soát hết. Cho nên người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ trong việc lựa chọn mua hàng khuyến mại, để không bị mắc lừa. Cũng theo ông, lực lượng chống buôn lậu quá mỏng, dù cần mẫn kiểm tra lần lượt, thì với số lượng tiểu thương, doanh nghiệp như hiện nay, không biết "quay Đông hay quay Tây". Một số người thiếu lương tâm, bất chấp tất cả lao vào kinh doanh bất hợp pháp. Hệ quả là hàng hoá bán lẻ không có hoá đơn tràn lan, một bộ phận người kinh doanh tha hồ khuấy động thị trường bằng nhiều hình thức vi phạm.

Song Hà



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét