Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Cảnh sát giữa biển khơi


Lính cảnh sát biển bây giờ (nhất là ở các đơn vị trinh sát, pháp luật, đặc nhiệm phòng chống ma túy) ngoài số chuyển từ Hải quân, Biên phòng và tuyển từ ngành ngoài vào thì phần lớn đều từng được đào tạo ở Học viện An ninh và Học viện Cảnh sát. Cảnh sát biển thành lập từ năm 1998, nhưng tới năm 2007, khoa Cảnh sát biển của Học viện Hải quân mới tuyển sinh khóa đầu tiên, trong khi đây là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, vì vậy phải là những người nắm chắc pháp luật mới làm được.

Chỉ lên tấm bản đồ lớn treo trong phòng làm việc, thiếu tá Lượng (Cụm trưởng Cụm trinh sát 1, Cục Cảnh sát biển) cho biết, đơn vị đảm nhiệm quản lý địa bàn trải dài suốt 15 tỉnh, thành giáp biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Cù Lao Xanh (Bình Định). Nhiệm vụ của cụm là phát hiện đấu tranh chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; phối hợp với công an, bộ đội Biên phòng, Hải quan và các lực lượng khác chống các loại tội phạm trên biển…

Năm 2007 – 2013, các trinh sát đã thu thập hàng nghìn tin tức quan trọng liên quan đến vi phạm an ninh chính trị, an ninh chủ quyền, buôn lậu, gian lận thương mại… đặc biệt là trong công tác chống buôn lậu.

Thiếu tá Lượng bảo rằng, chống buôn lậu trên đất liền đã khó khăn phức tạp, nhưng chống buôn lậu trên biển còn gay go, phức tạp, nguy hiểm gấp nhiều lần. Cả vùng biển rộng lớn, khó nhất là phải xác định được đâu là người buôn lậu, gian lận thương mại trong hàng trăm tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Vì thế để bắt được một vụ buôn lậu cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức, nhiều khi xác định rõ đó là tàu buôn lậu, nhưng để đủ căn cứ bắt giữ, trinh sát cũng phải đeo bám, lênh đênh trên biển hàng tuần.

Chuyên án “gian nan” là vụ bắt giữ hai chiếc tàu chở than và quặng sắt xuất lậu sang Trung Quốc. Cuối tháng 2/2012, khi các trinh sát của phòng trinh sát Vùng Cảnh sát biển 1 đang bám theo một chiếc tàu chở lậu 2.000 tấn than ở Quảng Ninh thì nhận được tin có một tàu rời bến ở cảng Phú Thái (Hải Dương) chở 1.500 tấn quặng có dấu hiệu gian lận thương mại. Sau khi xác minh, các trinh sát biết chắc chắn số quặng này là quặng lậu.

Xác minh tiếp thì phát hiện cả hai chiếc tàu này đều của một chủ, xuất phát cùng thời điểm và đi ngược chiều nhau. Hai mũi trinh sát được lệnh bám sát. Cả hai chiếc tàu chở hàng lại cứ nhẩn nha trên biển, 6 ngày liền cả hai tàu chỉ loanh quanh trong vịnh. Chiều 2/3, mưa nặng hạt, sương mù giăng dày đặc tới mức chỉ cách vài chục mét đã không nhìn thấy gì, bất ngờ hai chiếc tàu cùng chạy thẳng ra cửa biển Cát Bà rồi neo lại. 6 ngày vật vã giữa trời mưa rét trên con tàu cá thuê để đeo bám, không thể nấu nướng gì được, các chiến sĩ trong tổ trinh sát chỉ ăn mì tôm, lương khô, uống nước lọc thay cơm. Đã thế, nghi can lại liên tục thay đổi hành trình, liên tục di chuyển vị trí. Quyết không để mất mục tiêu, cả tổ trinh sát chia ca bám mục tiêu 24/24.

4h ngày 3/3/2012, trời vẫn mưa và sương mù mịt, chiếc tàu chở than đã lặng lẽ nhổ neo ra biển. Hơn một tiếng sau, chiếc tàu chở quặng cũng nhổ neo di chuyển. Khi cả hai chiếc tàu ra đến khu vực biển Long Châu, lực lượng đón lõng trên tàu CSB 2004 nhanh chóng cơ động phối hợp với tổ trinh sát kiểm tra cả 2 tàu trên. Người trên 2 chiếc tàu đều không xuất trình được giấy tờ.

Nhưng đúng lúc tổ công tác đang đấu tranh với chủ tàu chở quặng thì trên chiếc tàu chở than, biết tàu của cảnh sát biển không kéo được chiếc tàu than mấy ngàn tấn, lập tức thuyền trưởng tàu chở than tắt máy thả trôi tàu. Trước tình thế ngoài sự hoạch định này, các chiến sĩ vừa thuyết phục, vừa phải tăng cường thêm lực lượng ra sẵn sàng trấn áp nếu có hành vi manh động. Cuối cùng, biết không thể chầy bửa được nữa, thuyền trưởng cho nổ máy về vị trí cảng của đơn vị.

Lần khác, vào cuối tháng 12/2011, nguồn tin trinh sát xác định có một chiếc tàu chở hơn 2.000 tấn than đang xuống hàng ở cảng Phú Thái (Hải Dương) để xuất lậu sang Trung Quốc, lực lượng của phòng trinh sát Vùng Cảnh sát biển 1 xuống tàu đi làm nhiệm vụ. Xuống hàng xong, chủ tàu để tàu nằm tại cảng và gần trưa hôm sau mới rời cảng đi về hướng Hải Phòng ra cửa biển Cát Bà. 4h chiều 31/12, khi đến cửa Nam Triệu thì chiếc tàu dừng lại, thả neo.

Nhưng chỉ một tiếng sau, chiếc tàu nhổ neo thẳng tiến ra biển. 22h, khi chiếc tàu than ra tới khu vực biển gần quần đảo Long Châu (Hải Phòng), cách nơi xuống hàng hơn 40km, xác định nghi can chở hàng đi tiêu thụ nên lập tức báo về chỉ huy vùng cho lực lượng công khai lên kiểm tra. Và phải mất ba giờ đấu tranh, nghi can mới chịu ký vào biên bản vi phạm. Lúc đó đồng hồ đã chỉ sang 1h sáng Tết dương lịch 2012.

Trung tá Phạm Đức Thành, Phó trưởng Phòng pháp luật, Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, đấu tranh với tội phạm trên biển ngày càng khó khăn. Đặc thù của tội phạm buôn lậu trên biển là càng sóng to, gió lớn, đêm tối, chúng càng hoạt động mạnh, trong khi đó tàu của cảnh sát biển chỉ chịu được sóng cấp 6. Ngay cả khi bị bắt, nghi can buôn lậu cũng tìm mọi cách chống đối mà cách phổ biến nhất là phá hỏng máy tàu hoặc bốc hàng thả xuống biển phi tang, rồi còn cả những trò đổ dầu nhớt ra boong, dùng chó tấn công. Vì vậy không có kinh nghiệm thì không thể tiếp cận được với tàu buôn lậu.

Còn trung tá Cao Xuân Tùng, Phó cụm trưởng Cụm đặc nhiệm phòng chống ma túy số 1, bảo rằng đánh án ma túy ở đất liền đã kỳ công nhưng trên biển còn gian nan hơn nhiều. Bởi để có tang chứng, vật chứng khi bắt giữ các nghi can buôn bán, vận chuyển ma túy trên biển là không hề dễ. Ma túy thường được chúng giấu rất kỹ trong những container của các lô hàng có trọng tải hàng vạn tấn, thậm chí còn trang bị các loại vỏ bọc đặc biệt chống soi chiếu ma túy… Tuy nhiên, tất cả những thủ đoạn ấy không thể qua mắt được lực lượng phòng chống ma túy trên biển.

Vệ sĩ giữa biển khơi

Chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 đưa ngư dân được cứu nạn lên bờ.Chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 đưa ngư dân được cứu nạn lên bờ.

13h30 ngày 17/6/2012, Vùng Cảnh sát biển 2 nhận được tin báo 7h sáng, tàu cá QNa 91594 cùng 12 ngư dân bị hỏng máy ở khu vực cách đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa, khoảng 40 hải lý về hướng đông. Tàu CSB 9002 cùng 25 cán bộ chiến sĩ của Vùng Cảnh sát biển 2 lên đường cứu nạn.

Vượt 320 hải lý, tàu CSB 9002 đã tìm thấy tàu cá QNa 91594. Lúc này tàu bị nạn đã trôi dạt thêm 50 hải lý và các ngư dân bắt đầu kiệt sức vì phải vật lộn với biển động nhiều ngày. Các ngư dân được tiếp tế lương thực, nước ngọt, hai người bị thương được các bác sĩ quân y sơ cứu, băng bó vết thương. 10h ngày 22/6, tàu CSB 9002 đã đưa tàu cá QNa 91594 cùng 12 ngư dân cập quân cảng an toàn sau 6 ngày cứu nạn.

Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân an toàn trên biển là nhiệm vụ thường xuyên của cảnh sát biển. Năm 2009, thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng Phòng pháp luật, cùng hai người khác phát hiện một tàu cá Trung Quốc vào khai thác trái phép hải sản. Khi anh Huy cùng hai đồng nghiệp từ tàu cảnh sát biển định sang tàu họ làm việc thì họ dùng tàu đâm thẳng vào. Hậu quả là một người bị dập nát một chân phải cắt bỏ; anh Huy bị dập cả hai chân nhưng may mắn cứu được, bây giờ mỗi khi trái gió trở trời lại bị đau nhức.

“Trách nhiệm của chúng tôi là bảo vệ những hoạt động kinh tế trên vùng biển của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế mà chúng ta có theo luật pháp Việt Nam và quốc tế. Cùng với chống tội phạm trên biển, cảnh sát biển đã và đang phối hợp với các lực lượng khác bảo đảm một môi trường tốt nhất cho ngư dân hoạt động. Không chỉ với ngư dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm vùng biển an toàn cho tàu bè nước ngoài đi lại trên vùng biển quốc tế”, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – Cục trưởng Cục Cảnh sát biển – khẳng định.

Theo An ninh thế giới



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét