Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ Quảng Ninh trên cả 3 phương diện: Nguồn lực tài chính, nhân lực và cơ chế chính sách”


Theo Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính, Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng tự nhiên, xã hội và con người có thể mang đến những cơ hội "độc nhất vô nhị" để phát triển kinh tế bền vững. Để hiện thực hoá điều đó cần tích cực chuyển đổi phương thức phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", cơ cấu lại nền kinh tế… Theo đó, một trong những giải pháp mà Quảng Ninh đã thực hiện đó là đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ (KH-CN). Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN về hướng đi của Quảng Ninh trong lĩnh vực này.

Phóng viên Báo Quảng Ninh phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.
Phóng viên Báo Quảng Ninh phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ.

- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động KH-CN của Quảng Ninh trong năm qua?

+ Có thể nói, năm 2012, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cả nước về hai vấn đề lớn mà chúng tôi rất có ấn tượng. Đó là, Quảng Ninh đã dành nguồn lực đầu tư rất lớn cho KH-CN. Cụ thể là Quảng Ninh đã dành 4-5% kinh phí chi thường xuyên (tương đương với 380 tỷ đồng) từ ngân sách tỉnh đầu tư cho KH-CN. Ấn tượng thứ hai là Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ KH-CN triển khai hàng loạt các dự án rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, từ tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến sở hữu trí tuệ; các chương trình ứng dụng tiến bộ KH-CN cho khu vực miền núi, các dự án của chương trình quốc gia. Đây có thể coi là sự chuẩn bị để năm 2013 này, Quảng Ninh sẵn sàng bước vào giai đoạn có thể gặt hái được kết quả từ hoạt động KH-CN

- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về hiệu quả chương trình phối hợp giữa Bộ KH-CN và tỉnh Quảng Ninh trong năm 2012?

+ Tôi có thể khẳng định, chương trình phối hợp này chắc chắn có tác động rất lớn, không chỉ đối với Quảng Ninh hay riêng với Bộ KH-CN mà nó đã chứng tỏ các cơ chế, chính sách về KH-CN đã bắt đầu phát huy tác dụng ở một địa phương nếu như lãnh đạo địa phương đó thực sự quan tâm và dành cho KH-CN sự quan tâm đó.

Có thể nói, chương trình phối hợp này đã ràng buộc trách nhiệm của Bộ KH-CN với địa phương đối với sự nghiệp phát triển KH-CN. Chúng tôi luôn coi Quảng Ninh là mô hình mẫu cho việc phát triển KH-CN – một địa bàn vẫn được xác định là rất quan trọng trong cả nước hiện nay. Chúng tôi sẽ áp dụng các cơ chế mới, chính sách mới theo Nghị quyết T.Ư 6, Luật KH-CN để thực hiện ở Quảng Ninh và khi thực hiện thành công từ đó có thể nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.

Lĩnh vực KHCN năm 2012 của Quảng Ninh khá sôi động với rất nhiều dự án, hoạt động được triển khai. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu tham quan gian hàng tại Sàn giao dịch công nghệ tỉnh, được khai trương tháng 8 năm 2012.
Lĩnh vực KHCN năm 2012 của Quảng Ninh khá sôi động với rất nhiều dự án, hoạt động được triển khai. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu tham quan gian hàng tại Sàn giao dịch công nghệ tỉnh, được khai trương tháng 8 năm 2012.

- Quảng Ninh hiện nay đang đề ra rất nhiều mục tiêu phát triển như: Chuyển đổi mô hình phát triển từ "nâu" sang "xanh"… Và để phù hợp với đặc trưng của Quảng Ninh, theo Bộ trưởng, năm 2013 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh nên tập trung vào vấn đề gì trong lĩnh vực KH-CN?

+ Nghị quyết của Đảng đã chỉ rất rõ: Ở địa phương chúng ta tập trung ứng dụng và làm chủ công nghệ kể cả công nghệ nội sinh và công nghệ nhập khẩu.

Chúng tôi rất đồng tình với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là nên chuyển từ tăng trưởng "nâu" sang tăng trưởng "xanh", có nghĩa là tăng trưởng nhưng phải ổn định và phải đảm bảo được vấn đề môi trường.

Quảng Ninh là địa bàn công nghiệp hoá, hiện đại hoá rất nhanh nên vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng. Vì vậy, hướng hợp tác KH-CN nên chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, tập trung vào nâng cao chất lượng của những sản phẩm mang tính đặc thù, thế mạnh của Quảng Ninh.

- Bộ KH-CN đã xác định, lấy Quảng Ninh là đơn vị trọng điểm để chỉ đạo, đưa Quảng Ninh trở thành một mô hình tiên tiến về KH-CN. Vậy Bộ KH-CN sẽ hỗ trợ Quảng Ninh như thế nào để đạt được mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?

+ Chắc chắn là chúng tôi sẽ hỗ trợ Quảng Ninh trên cả 3 phương diện: Nguồn lực đầu tư, nhân lực và cơ chế chính sách.

Cụ thể là đối với nguồn lực đầu tư, chúng tôi sẽ dành phần lớn kinh phí đầu tư phát triển của Bộ KH-CN thông qua Bộ Kế hoạch – Đầu tư để phát triển các dự án của Quảng Ninh. Về nhân lực, chúng tôi sẽ hỗ trợ Quảng Ninh đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, đủ năng lực để tiếp thu và làm chủ công nghệ. Riêng về cơ chế chính sách, tất nhiên, chúng tôi sẽ phải làm chính sách chung cho cả nước, nhưng những chính sách ấy là đúc rút từ kinh nghiệm của Quảng Ninh. Và chúng tôi sẽ đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách rất phù hợp đối với các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc trao đổi. Kính chúc Bộ trưởng và gia đình một năm mới sức khoẻ, an khang, thịnh vượng!

Cẩm Nang (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét