Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Cô Tô, bước chuyển mình mạnh mẽ


Cô Tô được biết đến là huyện khó khăn bậc nhất của Quảng Ninh, với vị trí nằm xa đất liền, điều kiện thiếu đủ mọi bề kể cả những thứ thiết yếu nhất như điện, nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Hôm nay đây, Cô Tô đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới của cả vùng biển đảo nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Người dân huyện đảo Cô Tô hân hoan mừng Lễ khởi công đưa lưới điện quốc gia ra đảo. Ảnh: Đỗ Phương
Người dân huyện đảo Cô Tô hân hoan mừng Lễ khởi công đưa lưới điện quốc gia ra đảo. Ảnh: Đỗ Phương

Nỗ lực giải quyết khó khăn

Năm 2012 được đánh dấu là năm có nhiều đổi mới nhất của huyện Cô Tô. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, Cô Tô đã giải quyết được 3 vấn đề khó khăn nhất đang tồn tại trên đảo, đó là điện lưới, nước ngọt và giao thông.

Đối với điện, ngay từ đầu năm 2012, huyện Cô Tô đã trang bị, nâng cấp hệ thống máy phát, tăng giờ phát điện từ 12 giờ lên 23 giờ mỗi ngày. Đặc biệt, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Cô Tô đã được đón niềm vui lớn khi Dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo đã chính thức khởi công. Không thể nói hết những giá trị to lớn của dự án này đem lại cho sự phát triển của huyện đảo và đời sống của nhân dân, nhưng chỉ tính riêng giá trị đầu tư, mỗi người dân Cô Tô sẽ được thụ hưởng 200 triệu đồng từ dự án.

Cô Tô đã qua cơn khát nước ngọt khi trong năm 2012, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Cô Tô đã quyết tâm rút ngắn thời gian thi công hồ chứa nước Trường Xuân có dung tích chứa 170.000m3 từ 2 năm xuống 1 năm. Cùng với việc nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước trên đảo Thanh Lân là Chiến Thắng 2 thì đến đầu năm 2013 đã cơ bản giải quyết được vấn đề nước ngọt phục vụ sinh hoạt người dân.

Cùng với điện và nước ngọt, vấn đề kết nối giao thông giữa đảo với đất liền cũng được huyện Cô Tô tập trung giải quyết. Trong năm 2012, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, trang bị thêm tàu cao tốc hoạt động tuyến Vân Đồn – Cô Tô; UBND huyện cũng vừa hạ thuỷ, chuẩn bị đưa vào khai thác tàu công tác kết hợp chở khách trị giá 33 tỷ đồng, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo chỉ còn 60 đến 70 phút. Những đầu tư đó cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch, nhất là trong dịp lễ tết và mùa du lịch hè.

Thành tựu sau một năm nhìn lại

Đầu năm 2012, khi huyện Cô Tô công bố mục tiêu sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2013, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ. Sự hoài nghi đó là có cơ sở vì Cô Tô là huyện đảo còn khá nhiều khó khăn, nhân dân lại quen với việc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ… Nhưng đến cuối năm 2012, các xã của Cô Tô đều đã hoàn thành 11/19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí còn lại đều đạt từ 50% đến 80% và cơ bản đều có thể hoàn thành vào cuối năm 2013. Lao động nông nghiệp ở Cô Tô đang chuyển dịch mạnh mẽ sang làm du lịch, dịch vụ. Nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ mới có hiệu quả đã xuất hiện ở Cô Tô. Tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm giảm 10 lần, từ trên 13% cuối năm 2009 xuống còn 1,32% vào cuối năm 2012. Diện mạo nông thôn ở Cô Tô đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ hệ thống trường, trạm, nhà văn hoá, nhà ở của nhân dân.

Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất là hệ thống giao thông trên các đảo. Đường thôn, ngõ xóm đều đã được nhựa hoá, bê tông hoá với sự vào cuộc tích cực của nhân dân. Nhiều người hỏi rằng, với cơ chế này, Cô Tô lấy đâu ra tiền để đầu tư hệ thống hạ tầng này? Điều đó cũng dễ lý giải, ngoài sự đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và trung ương, thì nguồn huy động xã hội hoá cho sự phát triển của Cô Tô cũng rất lớn. Có những công trình trị giá đến 5 tỷ đồng (Trạm y tế xã Đồng Tiến) mà 100% nguồn vốn xây dựng là qua vận động xã hội hoá. Chỉ trong một cuộc họp báo, Cô Tô cũng tiếp nhận được 1,1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp ủng hộ cho công tác lập quy hoạch của huyện.

Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất của Cô Tô trong năm 2012 có lẽ là hoạt động du lịch. Năm 2012, Cô Tô đón một lượng khách du lịch kỷ lục, 35.000 lượt khách, tăng gấp 4 lần năm 2011 và 10 lần so với năm 2010. Con số doanh thu từ du lịch khoảng 40 tỷ đồng là rất ấn tượng đối với một đảo nhỏ xa xôi có chưa đầy 6.000 người. Cuối năm 2012 là khoảng thời gian các hộ dân Cô Tô xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ nhiều nhất từ trước đến nay, điều đó minh chứng cho một hướng phát triển hoàn toàn đúng đắn của huyện đảo. Giờ đây, cái tên Cô Tô không còn xa lạ đối với khách du lịch như trước đây nữa, nhất là đối với các bạn trẻ. Khách du lịch đến Cô Tô không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, vẹn nguyên của thiên nhiên vùng biển đảo này mà còn rất ấn tượng với sự thân thiện của người dân, sự quản lý hoạt động du lịch tuy rất mới mẻ nhưng bài bản của chính quyền huyện đảo.

Phong trào xây dựng xã hội học tập cũng là một trong những thành công trong năm qua của huyện. Trước đây nói đến Cô Tô là nói đến sự khó khăn của việc học tập bởi hệ thống trường lớp thiếu thốn, đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động, địa bàn huyện xa đất liền… Nhưng giờ đây, ai đến với Cô Tô cũng đều ngỡ ngàng trước sự khang trang, đồng bộ của hệ thống trường lớp, từ hệ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT. Năm 2012 là năm ghi nhận nhiều niềm vui nhất của giáo dục Cô Tô với số lượng học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng cao nhất từ trước đến nay, năm đầu tiên có giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh. Cùng với đó, nhiều lớp học như: Lý luận chính trị – hành chính, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, đào tạo nghề nông thôn… được tổ chức ngay trên địa bàn huyện đảo vào các buổi tối đã thu hút hằng trăm người tham gia. Thứ bảy, chủ nhật hằng tuần có khoảng 50 cán bộ các phòng, ban, các xã, thị trấn của huyện vào đất liền để học đại học, học văn bằng 2 đại học, học thạc sĩ, đang tạo ra phong trào thi đua học tập sôi nổi trên địa bàn huyện đảo.

Năm 2012 đã khép lại, bước sang năm 2013 là năm có ý nghĩa bản lề trong việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp ở các địa phương. Đồng thời cũng là năm cột mốc đánh dấu thời kỳ trước và sau khi có điện lưới quốc gia, năm mở ra một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ của Cô Tô. Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện để đón dòng điện lưới quốc gia phục vụ cho sự phát triển và nâng cao đời sống nhân dân, cùng với việc hoàn thành các quy hoạch chiến lược phục vụ cho sự phát triển lâu dài cho huyện đảo, Cô Tô xác định mục tiêu quan trọng cho đích đến, sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. Đó là: Hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, về đích trước tiến độ chung của tỉnh Quảng Ninh 2 năm và của cả nước là 7 năm. Phấn đấu 100% trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia về giáo dục và huyện cơ bản không còn hộ nghèo (còn dưới 10 hộ nghèo).

Đó vừa là mục tiêu, vừa là thách thức đối với huyện đảo Cô Tô. Nhưng Cô Tô tin tưởng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, của các bộ, ngành Trung ương, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo sẽ quyết tâm thi đua, xây dựng huyện Cô Tô tiếp tục có bước phát triển đột phá trong thời gian tới, trở thành một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

10 sự kiện tiêu biểu của huyện đảo Cô Tô năm 2012

1. Khởi công dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, dự án trị giá 1.107 tỷ đồng, thực hiện trong 1 năm, dự kiến 10-10-2013 sẽ hoàn thành.

2. Hoàn thành việc xây dựng hồ chứa nước Trường Xuân với dung tích 170.000m3, thực hiện trong 1 năm, rút ngắn 50% thời gian thi công. Đến nay, 100% khu dân cư ở huyện đảo Cô Tô đã có đủ điều kiện để sử dụng nước sạch.

3. Hạ thuỷ tàu cao tốc Cô Tô trị giá 33 tỷ đồng, chuẩn bị đưa vào hoạt động, rút ngắn thời gian đi từ Vân Đồn đến đảo Cô Tô còn khoảng 60 đến 70 phút.

4. Khách du lịch đến Cô Tô đạt con số 35.000 lượt, tăng gấp 4 lần năm 2011 và 10 lần so với năm 2010.

5. Cô Tô hoàn thành 11/19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí còn lại đều đã đạt từ 50% đến 80%, để cuối năm 2013 Cô Tô sẽ về đích trước tiến độ chung của cả nước 7 năm.

6. Khánh thành Trường Trung học phổ thông Cô Tô và nhiều hạng mục công trình khác phục vụ giáo dục – đào tạo, chuẩn bị cho việc hoàn thành mục tiêu 100% trường học của huyện đạt chuẩn quốc gia trong năm 2013.

7. Năm Cô Tô có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học cao nhất từ trước đến nay với trên 30 em, cao gấp 2 đến 3 lần các năm trước.

8. Nhiều học sinh Cô Tô đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh, trong đó lần đầu có giải Nhất (môn Lịch sử, học sinh lớp 9).

9. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh nhất từ trước đến nay, còn 1,32% với 21 hộ (trong 3 năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 10 lần từ trên 13% xuống 1,32%).

10. Các tin bài, phóng sự trên báo chí, truyền hình, trên mạng internet về Cô Tô xuất hiện nhiều nhất từ trước đến nay.

Nguyễn Đức Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét