Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Công nhân “bám trụ” chờ thưởng Tết


Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, cũng là dịp để người lao động sống xa quê về sum họp với gia đình sau những ngày tháng vất vả mưu sinh. Tuy nhiên, tiền thưởng – "tấm vé" về quê ăn Tết dường như đang là nỗi băn khoăn lớn của hàng vạn công nhân lao động xa quê đang làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều người dù khát khao về quê đoàn tụ gia đình nhưng phải đắn đo…

Chúng tôi tìm đến khu trọ của các công nhân ở khu công nghiệp Cái Lân, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long vào lúc xế chiều. Trong căn phòng nhỏ rộng chưa đầy 15m2, mái lợp tôn, trần nhựa, chỉ vừa đủ để đặt chiếc giường rộng 1,2m và một cái bàn nhỏ, hai người phụ nữ đang hì hụi xếp quần áo vào va li. Nhìn các chị sắp đồ, chúng tôi hỏi: "Các chị chuẩn bị về quê ăn Tết đấy à?". Một chị nhanh nhảu đáp: "Đã có thưởng Tết đâu mà về hả cô? Chúng tôi cứ sắp sẵn đồ để đấy đã, chờ có tiền thưởng mới về". Được biết, hai chị là công nhân Công ty Vina New Tarps (chuyên sản xuất phông bạt). Dù mới ngoài hai mươi tuổi nhưng dường như cuộc sống vất vả, nhiều lo toan khiến các chị già hơn so với tuổi của mình. Chị Ninh Thị Tính, quê ở Lạng Sơn chia sẻ: "Tôi làm ở Công ty này cũng được gần một năm rồi, thu nhập bình quân mỗi tháng cũng được tầm 3 triệu đồng. Tuy nhiên, cuộc sống cũng không mấy dư dả bởi một phần thu nhập tôi gửi về cho gia đình ở quê, số còn lại chắt chiu dành dụm để chi trả mọi chi phí ăn ở sinh hoạt hàng ngày. Giá điện, nước, giá thực phẩm thì ngày càng tăng lên khiến đồng lương dù đã tăng cũng trở nên eo hẹp. Tôi cũng mong ngóng được về Tết cùng gia đình vì từ lúc xuống đây làm tôi chưa lần nào về thăm nhà. Nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được tiền thưởng nên tôi cũng chưa biết bao giờ mới có tiền để mua sắm quà Tết cho mọi người ở quê". Còn chị Nguyễn Thị Huệ, quê ở huyện Đông Triều, cho biết: "Chỉ vài ngày nữa là nghỉ Tết rồi nhưng chúng tôi "mù mờ" chuyện thưởng Tết. Ngoài thông báo 26 Tết sẽ có thưởng, Công ty cũng không nói là sẽ thưởng bao nhiêu nên công nhân chúng tôi rất sốt ruột, cảm thấy không yên tâm khi nghĩ đến Tết…".

Một khu nhà trọ của công nhân khu công nghiệp Cái Lân ở khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long trong những ngày giáp Tết.
Một khu nhà trọ của công nhân khu công nghiệp Cái Lân ở khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long trong những ngày giáp Tết.

Nhiều công nhân ở các công ty khác như: Công ty Chế phẩm nhựa Minh Tường, Công ty Sản xuất nến cao cấp AiDi Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Vạn Lực Việt Nam… tại khu công nghiệp Cái Lân cũng chưa biết sẽ được thưởng bao nhiêu tiền Tết. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết đến ngày 26, 27 tháng chạp công nhân mới được nghỉ Tết và nhận được tiền thưởng. Chính vì vậy, một số công nhân tuy đã hết việc nhưng vẫn cố gắng "bám trụ" đến ngày cuối cùng để chờ tiền thưởng Tết. Nhiều người còn mong muốn làm tăng ca để có thêm thu nhập dịp Tết. Bên cạnh đó, nhiều công nhân mặc dù nhận được lương thưởng nhưng cũng đắn đo khi sắm đồ về Tết. Chị Lê Thị Vân, làm ở bộ phần thành hình của Công ty Giày da Vĩnh Long, Cẩm Phả giãi bày: "Năm nay Công ty tôi thưởng tết cho công nhân bằng với một tháng lương hay còn gọi là lương tháng thứ 13. Với công nhân như tôi, sau khi nhận lương đều phải trang trải rất nhiều khoản chi phí nên lương tháng 13 là của để dành cho những ngày Tết về đoàn tụ cùng gia đình".

Thấp thỏm chờ thưởng Tết nhưng nhiều công nhân xa nhà cũng không dám về quê trong dịp Tết. Bởi lẽ, lương công nhân mới đã ít, cuộc sống lại đắt đỏ, họ phải tiết kiệm lắm mới đủ ăn. Đã thế, sau ngày 25 tết công nhân mới được nghỉ, vé xe lúc đó ít nhất cũng tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước. Bởi vậy, nhiều người đã chọn giải pháp chờ qua Tết có điều kiện sẽ về cho đỡ tốn kém. Theo chị Phan Thị Hải, quê ở Hà Tĩnh, công nhân của Công ty TNHH Điện tử Vạn Lực Việt Nam (KCN Cái Lân) ngậm ngùi kể: "Giá vé xe về Hà Tĩnh bình thường là 400.000 đồng/lượt, đến Tết chắc cũng phải tăng lên 500.000-600.000 đồng/lượt là ít. Tính ra, cả đi cả về mất hơn triệu đồng tiền xe, bằng cả tháng lương nên tôi chẳng dám về, đành ở lại đón Tết nơi đất khách". Hay gia đình chị Nguyễn Thị Giang, quê ở Nghệ An làm công nhân ở Công ty Sản xuất nến cao cấp AiDi Việt Nam, chồng chị làm công nhân ở Công ty Đóng tàu Hạ Long. Năm nay vợ chồng chị Giang quyết định không về quê, chị Giang bộc bạch: "Tiền xe cả đi cả về của hai vợ chồng cũng đến 2-3 triệu đồng, tiền tiêu Tết, mua quà cho con, cho người thân cũng khoảng đó… Ăn tết xong, chúng tôi lại phải lục đục lên xe ra ngoài Hạ Long để đi làm, chi phí tốn kém lắm. Nếu về quê ăn Tết, khi đi làm, hai vợ chồng tôi chẳng biết lấy tiền đâu để sống. Thế nên chúng tôi tính ăn Tết ngoài này rồi gửi ít tiền về quê cho ông bà mua đồ cho các cháu, thờ cúng tổ tiên thôi". 
 
Qua tìm hiểu ở một số khu vực đông công nhân ở trọ tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, chúng tôi nhận thấy rằng ngoài việc thấp thỏm chờ thưởng Tết, nhiều người lao động cũng tính đến việc ở lại quê hoặc tìm kiếm việc làm khác sau Tết. Bởi lẽ, nhiều người có mức lương thấp, chỉ gần 2 triệu đồng/tháng, thưởng Tết thì ít nên họ chỉ đủ chi tiêu hàng ngày, không có tiền để sắm một cái Tết đầy đủ. Do đó, họ đã tính sau Tết sẽ tìm cơ hội ở doanh nghiệp khác. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động sau Tết.

Lưu Linh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét