Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Hồ Hoài Anh: Tết này gà trống nuôi con


Hồ Hoài Anh chia sẻ về một cái Tết không có bà xã Lưu Hương Giang bên cạnh.

Anh thường làm gì vào những ngày Tết?

Những ngày Tết thôi thường dành thời gian cho bạn bè, gia đình. Có nhiều bạn bè, mình không có điều kiện gặp trong năm do công việc quá bận rộn thì Tết là khoảng thời gian rất tốt và hợp lý.

Mục đích của những ngày Tết chỉ có vậy thôi sao?

Thực ra, tôi thấy ý nghĩa của những ngày Tết rất nhân văn, nó vừa mang nét truyền thống, cũng là tổng hoà của những mối quan hệ trong cuộc sống và là những khoảng thời gian, những khoảng lặng vô cùng quan trọng. Trong suốt 1 năm, hiếm khi có ngày nào, chúng ta có thể ngồi lại ngẫm nghĩ, cho những điều đã qua và những thứ sắp đến.


 

Nhưng Tết năm nay, nghe nói anh “rơi” vào hoàn cảnh “gà trống nuôi con”?
 
Đúng vậy, Tết năm nay Lưu Hương Giang có chuyến lưu diễn châu Âu, vì vậy, chỉ còn tôi với bé Mina ở nhà. Nhưng mọi thứ đều có thể khiến Giang yên tâm vì tôi có chuyên môn khá cao trong việc chăm con.

Anh nhớ nhất mùa Tết nào?

Tôi nhớ những mùa Tết ấu thơ và cả những mùa Tết hiện tại. Những mùa Tết ấu thơ có cảm giác hoài niệm về quần áo mới, đốt pháo tép trước thềm, hay những mùa Tết chỉ cần có thức ăn ngon đã là hạnh phúc. Còn Tết hiện tại, thứ khiến tôi nhớ là những thăng trầm trong quan hệ suốt năm đã trôi qua, mình lại thêm một tuổi, và cuộc sống là những chuỗi ngày kéo dài.

Nhiều người bảo, sao anh không đặt một cái đích cho vị trí trong nghề, trong khi lớp kế cận các nhạc sĩ có danh tiếng đi trước đang rất thiếu ?

Cái người ta nói ra sao thì tôi không quan tâm lắm, bản năng và trách nhiệm nghề nghiệp đương nhiên mình làm sao để có tiếng nói riêng. Nó nằm trong sản phẩm âm nhạc của tôi, bảo tôi vươn lên thành tiền bối hay lứa sau của các anh Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung thì tôi không nghĩ đến. Chỉ đơn giản là tư cách nghề nghiệp như vậy và phải cố gắng có những cống hiến cho phù hợp. Có lẽ không vì những thứ mục đích vô hình bị áp lực đó mà bị mệt mỏi, không nên thế.
 
Và anh giải quyết những mệt mỏi thường xuyên đó bằng cách đi câu ?
 
Tôi có chuyến đi câu ngoài biển hàng năm, ở Côn Đảo, cách bờ mấy chục hải lý thôi, năm nào tôi cũng đi vì đó là thú vui, không đi không được. Cả Việt Nam ở Côn Đảo chỉ có 2 cái ghe ấy, người ta chuyên để đi câu cá thể thao.

Câu được một con cá to có sướng bằng sáng tác một ca khúc tâm đắc không ?

Cũng chẳng so sánh được như vậy, tôi thích câu cá và tương đối kiên trì vì tôi mê cái thời điểm cá ăn mồi của mình, khó tả lắm. Cái cảm giác chờ đợi con cá ăn. Có lúc tôi câu được con cá mấy chục cân, kéo được lên thì hú hét ầm ĩ, có khi nôn luôn vì đang ở ngoài biển.

Về nhà, anh có dành thời gian chơi với con không ?

Tôi không chơi được với con nhiều, trước thì chẳng thích trẻ con lắm đâu. Bây giờ có con rồi thì khác, có con rồi yêu cả những đứa trẻ con xung quanh, bình thường đi ngoài đường không để ý. Bây giờ thì "soi" từ trẻ con hàng xóm tới trẻ con ngoài đường và so sánh từng hành động một với con minh, tôi nghĩ đó là phản xạ tự nhiên của các ông bố bà mẹ.

Nhà tôi toàn cho bé đi chơi, cho mùa đồ, việc hậu cần nói không tin chứ toàn tôi lo, Giang đi diễn rồi còn đi học nữa, cũng không có nhiều thời gian. Nói chung là đồ trẻ con tôi thuộc lắm, có con là biết hết. Hỏi han các bà, các mẹ, tìm kiếm trên mạng. Bây giờ tôi chẳng có nhu cầu mùa cho mình nữa mà chỉ mua cho con, kể cả từ cái quần, cái áo. Xểnh ra có cái gì lặt vặt, phù hợp với con là có thể mua ngay. Trẻ con bây giờ đồ được trang bị tới tận chân răng và "xa xỉ" hơn người lớn nhiều.

Hôm trước tôi có theo dõi một bài phỏng vấn Tạ Đình Phong, anh này luôn luôn có một câu cửa miệng là cố gắng làm việc chăm chỉ hơn cho con, kiếm tiền vì tương lai con cái. Tôi cứ liên tưởng mà nghĩ rằng, sự sáng tạo vì đó cũng không còn nhiều?

Người có tài năng và chuyên nghiệp hay không chính là ở giới hạn đó, ở cái cách vẫn giữ được sáng tạo cho từng sản phẩm. Tôi không thể nói thời gian này tôi làm nhiều quá hết vốn rồi, chẳng thể có nhiều nhiệt huyết như ngày xưa, nói như thế hay ngược lại đều sai. Cái đấy là thước đo tài năng của từng người đến đâu. Đôi khi tôi cũng không thừa nhận hay phân tích tài năng của mình được, phải đợi công chúng đánh giá. Thời kì công nghiệp, đã ngồi làm là phải ra, không phải giống như ngày xưa, phải đợi cảm hứng.

Theo TTVN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét