Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Đi cùng những người bảo vệ màu xanh cây lá


Biết chúng tôi có nguyện vọng cùng kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ (RPH) hồ Yên Lập, anh Tăng Xuân Phương, Phó Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh không khỏi băn khoăn: "Đi kiểm tra rừng vất vả lắm, từ cuối nguồn thì phải đi tàu, xuồng qua hồ Yên Lập rồi mới leo lên rừng được. Nhiều chỗ không có đường mòn, phải cắt rừng đi, gai rừng cào rách hết quần áo, xước cả mặt mày, có cả rắn độc và vắt nữa. Trời lại mưa và rét thế này, không biết nhà báo có đủ sức đi không…".

Lực lượng của Trạm kiểm lâm Yên Lập tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng của Trạm kiểm lâm Yên Lập tuần tra bảo vệ rừng.

Gìn giữ nguồn sinh thuỷ cho hồ Yên Lập

Ngày áp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, thời tiết không được thuận lợi cho lắm, trời mù, mưa phùn và rét đậm. Để kịp đi tuần tra rừng tại khu vực các xã Tân Dân, Dân Chủ, Quảng La và Bằng Cả (Hoành Bồ), 7 giờ chúng tôi đã có mặt tại Trạm KL Yên Lập BQL RPH hồ Yên Lập. Anh Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng bố trí một xuồng máy, đưa chúng tôi ngược thượng nguồn. Gió bấc thổi lạnh thấu xương, sóng to làm chiếc xuồng lắc lư, chồm lên, ngụp xuống như rồng lượn trên mặt hồ. Mỗi lần như vậy, hai tay tôi phải bám chặt vào thành xuồng, chân đạp vào điểm tỳ để không bị đập đầu vào trần xuồng. Trạm trưởng trấn an: "Gió và sóng như hôm nay chưa là gì so với những hôm trời giông, bão. Nhưng với tay lái cừ khôi của kiểm lâm viên Nguyễn Ngọc Ký, người có thâm niên gần chục năm trong nghề, nhà báo cứ yên tâm đi…". Gần một giờ sau, chúng tôi đến được khu rừng thuộc xã Bằng Cả, bắt đầu hành trình cho một chuyến xuyên rừng. Men theo những lối mòn rậm rạp và dốc, mặc dù trời rét nhưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt KL RPH hồ Yên Lập, Nguyễn Văn Khuyên say sưa kể cho chúng tôi: RPH hồ Yên Lập có diện tích trên 13.800ha, gồm rừng tự nhiên 8.698,7ha, rừng trồng 2.437,6ha…, có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nguồn sinh thuỷ cho hồ Yên Lập, nhằm đảm bảo cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân các địa phương Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long và Uông Bí. Khu vực này, dưới lòng đất có tài nguyên khoáng sản than; nhiều năm qua, các hoạt động xâm lấn, chặt phá rừng, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác than trái phép… tại đây diễn ra khá phức tạp. Do địa hình sông suối phức tạp, nằm trên 7 phường, xã thuộc 3 địa phương (Quảng Yên, Uông Bí, Hoành Bồ), dân cư sinh sống xen kẽ với rừng, đã khiến cho công tác bảo vệ RPH gặp rất nhiều khó khăn.

Để ngăn chặn tình trạng xâm lấn, khai thác lâm sản, than trái phép, BQL RPH hồ Yên Lập đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị ngành Than liên quan, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Chỉ tính 2 năm (2011 và 2012) BQL RPH hồ Yên Lập đã phối hợp kiểm tra, phát hiện trên 300 lượt khai thác lâm sản trái phép, đánh sập 484 lượt cửa lò khai thác than; tịch thu hơn 80 tấn than các loại, 67,6m3 gỗ tròn và 24 ste củi các loại; phá huỷ 81 thuyền nan hoạt động trái phép trong lòng hồ… Nhờ vậy, tình hình xâm lấn rừng, khai thác lâm sản, than trái phép tại đây đến nay đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, tại khu vực ranh giới xã Tân Dân (Hoành Bồ), đối tượng vẫn chờ cơ hội để khai thác than trái phép. Trạm trưởng Lê Văn Tuấn kể: Tại khu vực đập Khe Chính, xã Bằng Cả và khu vực Đồi Mốc, xã Dân Chủ (Hoành Bồ), có những đồi keo trồng được 10-15 năm, đã đến kỳ khai thác, nếu không được trông giữ, bảo vệ cẩn thận, các đối tượng luôn tìm mọi cách để trộm cắp. Thường thì ban ngày đối tượng lợi dụng đi thăm rừng, rồi cưa những cây keo, nhưng không đứt hẳn, chờ đêm tối, gió thổi, cây tự đổ, đối tượng lẻn vào rừng, kẹp vào 2 mạn thuyền nan, chở qua lòng hồ Yên Lập. Để rình phục bắt giữ được các đối tượng này, lực lượng KL cũng phải dùng thuyền nan, vì nếu dùng xuồng máy, đối tượng phát hiện sẽ tìm cách tẩu tán, phi tang. Có hôm, truy đuổi suốt đêm, KL bắt giữ được 2-3 thuyền nan trộm cắp gỗ. Tại những điểm khu 6, Khe Mực, tiểu khu 62, Cút Kít, Hạ My thuộc xã Tân Dân; tiểu khu 9B, xã Quảng La (Hoành Bồ) giáp phường Minh Thành (Quảng Yên) hiện vẫn còn nhiều điểm chỉ chờ cơ hội là tái khai thác than trái phép nếu buông lỏng quản lý…

Gian nan "lính gác rừng"

"So với một số cán bộ KL có thâm niên 20-30 năm gác rừng, thì anh em tôi chưa thấm tháp vào đâu…" – Trạm trưởng Lê Văn Tuấn tiếp tục câu chuyện. Để hoàn thành nhiệm vụ, mọi người trong đơn vị luôn xác định "phải thật sự yêu rừng, gắn bó với rừng mới bám trụ được". Một ngày đi tuần rừng của các anh, trước tiên là 1-2 giờ "ngao du sơn thuỷ" qua lòng hồ; tiếp đến là 3-5 giờ đi bộ xuyên rừng, đi như chạy, bởi chỉ chậm chân một chút là vắt bám đầy người, thậm chí còn bị rắn độc cắn. Cuối năm 2012, trong khi tuần rừng, anh Tuấn đã bị một con rắn khô mộc cắn vào tay, may mà được anh em đi cùng kịp ga rô, rồi tức tốc cõng đồng nghiệp chạy bộ gần 3 giờ mới ra khỏi rừng, đón xe ô tô lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy cấp cứu. Sơ cứu xong, Bệnh viện Bãi Cháy chuyển tiếp anh Tuấn lên Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, các bác sĩ ở đây bảo, nếu chỉ chậm chút nữa thì không còn cách gì…

Hạt trưởng Nguyễn Văn Khuyên tiếp lời: Dịp mùa hanh khô, dịp Tết, đối tượng luôn lợi dụng để khai thác lâm sản, than trái phép. BQL phải làm lán trại tại các khu đập Khe Chính (xã Bằng Cả, Hoành Bồ), khu Sông Đồn (xã Quảng La)… để canh chừng, bảo vệ. Từ lán trại ra đến đường mòn trong rừng gần chục km, nhanh cũng phải mất 2-3 giờ. Mỗi ca trực gồm 3-4 anh em, một tuần đổi phiên về tắm giặt và mua thực phẩm, lương thực, nước uống. Nhiều hôm trời mưa, đường rừng đi lại khó khăn, lương thực, nước uống, thực phẩm chưa đưa lên kịp, anh em đành nhịn đói để tuần tra và bám trụ gác rừng. Vì vậy, nhiều KL viên, gia đình ở ngay Hạ Long, Quảng Yên, Hoành Bồ nhưng phải vài tháng mới về thăm nhà được một lần. Anh Khuyên kể lại một chuyện trong rất nhiều chuyện thường ngày tuần rừng mà anh và đồng đội gặp phải: Hôm đó là 27 Tết Nhâm Thìn 2012, tổ công tác RPH hồ Yên Lập đi tuần tra, đến khu vực vỉa 7, tiểu khu 62, xã Tân Dân, phát hiện một điểm đào bới mới bằng máy xúc để thăm dò than. Cạnh hiện trường không thấy người mà chỉ có một máy phát điện 3,5KW và dây bơm nước phục vụ cho việc khai thác than trái phép. Kiểm tra xung quanh, có 47 cây keo bị chặt và vận chuyển khỏi hiện trường. Tổ đã lập biên bản kiểm tra và thu giữ tang vật đưa về BQL chờ xử lý. Khi xe ô tô của tổ công tác vừa ra khỏi hiện trường được một đoạn, thì bị một nhóm người bịt mặt chặn lại, chửi bới, đe doạ, đòi lại máy phát điện, hành hung, làm anh Vũ Mạnh Khởi, Trạm trưởng Trạm Sông Đồn bị thương phải đi cấp cứu…

Chúng tôi hiểu, tình yêu nghề đã tiếp thêm sức cho các anh vượt qua khó khăn. Giữ rừng, bảo vệ rừng luôn xanh tốt đã trở thành niềm vui hàng ngày của những người "lính gác rừng" hôm nay.

Tuấn Hương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét