Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Điểm đến của các nhà đầu tư xứ sở hoa Anh đào


Dù đang đi sau rất nhiều so với các địa phương khác trong cả nước về thu hút đầu tư từ Nhật Bản, nhưng Quảng Ninh lại đang tràn đầy hy vọng về điểm đến mới đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa Anh đào. Hàng loạt các sự kiện vừa diễn ra như Lễ tiếp nhận và trồng cây hoa Anh đào do Hiệp Hội các doanh nghiệp Nhật Bản trao tặng; Hội thảo Tăng trưởng xanh và những giải pháp thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh… càng khẳng định "Kịch bản phát triển mới của Quảng Ninh thu hút đầu tư từ Nhật Bản" chắc chắn sẽ thành công.

Soi lại mình

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 4 dự án FDI của Nhật Bản còn hiệu lực với số vốn đầu tư đăng ký 7,255 triệu USD, đứng thứ 12 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa bàn. Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản đang tập trung nghiên cứu hồ sơ đề xuất thực hiện dự án đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó có 2 tiểu dự án là cầu Bạch Đằng đầu tư theo hình thức BOT và đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng, đầu tư theo hình thức BT.

Các chuyên gia và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, TP Uông Bí tại lễ tiếp nhận và trồng hoa Anh đào tại khu di tích danh thắng Yên Tử. Ảnh: Cẩm Nang
Các chuyên gia và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, TP Uông Bí tại lễ tiếp nhận và trồng hoa Anh đào tại khu di tích danh thắng Yên Tử. Ảnh: Cẩm Nang

So với con số trên 4,1 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Quảng Ninh thì đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản và cũng chưa tương xứng với tiềm năng của các nhà đầu tư của đất nước có tiềm lực mạnh này. Và trên thực tế tỉnh cũng mới chỉ thu hút được các dự án quy mô nhỏ và hiện nay các chủ đầu tư này cũng chưa có kế hoạch tăng vốn, mở rộng quy mô. Điều quan trọng hơn cả là những thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản như công nghiệp điện tử, chế tạo, hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao thì lại chưa đến với Quảng Ninh.

Thực trạng này đã khiến tỉnh Quảng Ninh quyết phải tìm được ra điểm yếu của mình là gì, trong tầm ngắm của các nhà đầu tư Nhật Bản thì Quảng Ninh mạnh về cái gì để từ đó có một chiến lược thực hiện bài bản hơn, khoa học hơn. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây rất nhiều cuộc hội thảo giữa tỉnh với các nhà đầu tư, các tổ chức, hiệp hội của Nhật Bản, các chuyên gia kinh tế trong nước đã được tổ chức bàn thảo. Và qua phân tích, đánh giá của các nhà đầu tư này Quảng Ninh đã soi thấu được cái mình cần phải làm. Đúng như các nhà đầu tư Nhật Bản nhận xét lý do họ đến với Quảng Ninh đó là do vị trí địa lý thuận lợi, gần cảng biển nước sâu Cái Lân, giao thông đường biển, đường sông thuận tiện, gần nguồn cung cấp nguyên liệu. Trong các KCN, KKT của tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, tuyển dụng lao động dễ dàng, thủ tục xin cấp phép đầu tư nhanh, thuận tiện; môi trường sống tốt, người dân thân thiện. Tuy nhiên, điều họ quan ngại lớn nhất là hạ tầng chưa được đồng bộ, nhất là hạ tầng kỹ thuật.

Để đi tắt, đón đầu

Chủ động lắng nghe để có được những tiếng nói phản biện, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào thực hiện nhanh mục tiêu "đi tắt, đón đầu" làn sóng đầu tư mới từ xứ sở hoa Anh đào. Việc làm đầu tiên là ký ghi nhớ hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam – JICA làm tư vấn chiến lược cho tăng trưởng xanh của Quảng Ninh. Nền tảng quan trọng này đã củng cố rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản và họ đã biết đến Quảng Ninh nhiều hơn. Chỉ tính từ tháng 7 đến hết năm 2012, đã có trên 30 lượt đoàn doanh nghiệp, các tổ chức của Nhật Bản đến Quảng Ninh tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Tất cả các nhà đầu tư Nhật Bản sau khi đến Quảng Ninh đều bị thuyết phục bởi quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự thay đổi về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của nguồn vốn FDI, ODA cũng như việc đổi mới căn bản về phương pháp xúc tiến đầu tư của tỉnh. Sự cải thiện về môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Ninh như hệ thống hạ tầng giao thông đang được ưu tiên đầu tư và xây dựng, một số KCN bắt đầu được đầu tư hoàn thiện, cơ chế chính sách riêng cho những nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang được xây dựng… Điều quan trọng hơn cả là họ hoàn toàn bị thuyết phục bởi các lợi thế riêng có của vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá này, đó là vị trí chiến lược về đường biên giới trên bộ, trên biển, tài nguyên phong phú, tiềm năng phát triển du lịch lớn… Như ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam khẳng định: Tôi tin rằng Quảng Ninh sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong những năm tới. Quảng Ninh đang đi sau Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng 5 năm, 10 năm nhưng chắc chắn các bạn sẽ đón trước những địa phương này trong tương lai rất gần.

Ngọc Lan

Để thực sự là điểm đến hấp dẫn

* Ông Masanori Ogura, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) tại Việt Nam: Cơ sở hạ tầng là yếu tố các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất

Để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản thì Quảng Ninh cần quan tâm hơn nữa đến việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến với các nhà đầu tư cũng như những chính sách thu hút đầu tư. Cơ sở hạ tầng chính là yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của địa phương đối với các nhà đầu tư. Nếu không giải quyết được các vấn đề yếu kém của cơ sở hạ tầng thì sẽ không tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn.

* Ông Yumaguchi Akio, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty M.A.C (Nhật Bản): Quảng Ninh cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư

Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng tìm kiếm thị trường, đầu tư sang các nước đang phát triển. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp chúng tôi không chỉ đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như trước đây mà sẽ quan tâm đến một số lĩnh vực công nghệ cao. Chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư dựa trên sự phối kết hợp giữa Chính phủ và tư nhân như việc sử dụng cơ chế hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng cho KCN, đào tạo nguồn nhân lực… Hy vọng tỉnh sẽ có nguồn ngân sách cho thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo hiệu quả tốt nhất cho các dự án. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía tỉnh.

* Ông Yuchi Bamba, Phó Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội: Tỉnh Quảng Ninh cần xem xét, đề ra các chính sách và giải pháp thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các linh kiện công nghiệp, chế xuất

Tận dụng những tiềm năng và thế mạnh của mình, Quảng Ninh cùng với Hải Phòng sẽ tạo thành cụm thu hút đầu tư của Nhật Bản lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh chủ yếu trên các lĩnh vực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình thuỷ lợi, trồng và chăm sóc rừng… Do đó, tỉnh Quảng Ninh cần xem xét, đề ra các chính sách và giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các linh kiện công nghiệp, chế xuất… và các doanh nghiệp có quy mô lớn. Về phía địa phương cần đứng trên góc độ của nhà đầu tư để lắng nghe, từ đó có những giải pháp, chính sách cụ thể giúp nhà đầu tư khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển. Việc xây dựng các KCN nên xem xét, khảo sát nhu cầu của các nhà đầu tư, phối hợp với đơn vị tư vấn để tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng tốt nhất thu hút đầu tư.

* Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA): Quảng Ninh sẽ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản

Quảng Ninh có vị trí địa lý rất thuận lợi đối với việc thông thương vận tải hàng hoá. Tỉnh Quảng Ninh vừa nằm gần Trung Quốc, lại nằm sát bờ biển và cũng không xa thủ đô Hà Nội. Đây là điểm thuận lợi mà rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản thích. Điểm hấp dẫn thứ hai của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến vấn đề ổn định về mặt chính trị và an ninh. Đây cũng là điểm thuận lợi rất lớn, tạo được tâm lý yên tâm đối với các nhà đầu tư. Điểm hấp dẫn thứ ba, tôi cho rằng, Quảng Ninh các bạn rất giàu có về nguồn tài nguyên.

Về hạn chế, theo tôi Quảng Ninh cũng có 3 điểm thể hiện rất rõ. Một là vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Hai là vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông. Và ba là môi trường đầu tư. Cả 3 vấn đề trên cần phải tập trung giải quyết tốt. Riêng vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông, liên quan rất nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ hạn chế rất nhiều đến hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh. Thêm nữa, để cải thiện môi trường đầu tư, điều quan trọng nhất là tỉnh Quảng Ninh phải xây dựng được đầu mối liên lạc với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chúng tôi chắc chắn rằng, trong điều kiện tỉnh Quảng Ninh đáp ứng được yêu cầu của phía doanh nghiệp Nhật Bản về đầu tư liên quan đến cơ sở hạ tầng, liên quan đến tất cả những yếu tố như tôi vừa trao đổi, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để thông tin, giới thiệu đến các doanh nghiệp Nhật Bản những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh. Qua đó, họ sẽ sáng suốt lựa chọn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phù hợp để có thể đáp ứng nhu cầu, mong muốn phát triển mạnh hơn nữa, tăng cường nguồn đầu tư nước ngoài của tỉnh Quảng Ninh.

* Bà Kawakami Hiroko, Chủ tịch Hiệp hội Koushikai, nhà nghiên cứu Thần học, Viện trưởng Viện Thần đạo Nhật Bản: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác

Quảng Ninh hiện nay đang có rất nhiều chính sách tích cực để thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp của Nhật Bản. Nếu tiếp tục làm tốt điều này, chắc chắn mối quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có những bước tiến rất tốt. Trong xu thế và bối cảnh đó, cùng với sự cố gắng của Chính phủ và nhân dân hai nước, mối quan hệ hợp tác sẽ càng ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực.

Vĩ An – Cao Quỳnh (Thực hiện)

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét