Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Kết nối những vùng văn hoá nhà Trần ở Quảng Ninh


Quảng Ninh có thể tự hào với cả nước khi sau Vịnh Hạ Long, vừa qua đã cùng lúc được công nhận 2 di tích quốc gia đặc biệt là khu di tích (KDT) lịch sử, văn hoá – danh thắng Yên Tử và KDT Chiến thắng Bạch Đằng 1288, sắp tới đây lại hứa hẹn sẽ có thêm KDT lịch sử, văn hoá nhà Trần tại Đông Triều nữa. Đây chính là lợi thế để Quảng Ninh kết nối những vùng văn hoá nhà Trần nói trên trong phát triển du lịch văn hoá tâm linh mang tính bền vững.

Khu Di tích Yên Tử nằm trong quần thể di sản văn hoá và danh thắng Yên Tử đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản thế giới.
Khu Di tích Yên Tử nằm trong quần thể di sản văn hoá và danh thắng Yên Tử đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản thế giới.

Niềm tự hào di tích

Đông Triều, nơi quê gốc của nhà Trần có hệ thống đền, miếu, chùa tháp, lăng mộ trải rộng trên diện tích tới hơn 11.000ha. Nhiều điểm di tích có điều kiện rất thuận lợi trong việc phát huy giá trị như: Chùa Quỳnh Lâm, "đệ nhất danh lam cổ tích của An Nam" một thời, nơi đào tạo tăng tài lớn nhất thế kỷ 14 dưới thời Trần; cụm di tích Ngoạ Vân với hệ thống di tích trải dài từ chân núi lên tới đỉnh Bảo Đài sơn, qua suối chảy, qua rừng cây rợp bóng, qua Thông đàn nơi có những cây thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi với hai ngọn tháp cổ; hay ở một đường khác bạn còn có thể thưởng ngoạn cảnh đèo Voi hùng vĩ, mênh mông như thảo nguyên xanh hay ngắm ngọn Đá Chồng như ngọn bút vẽ lên trời xanh. Và đỉnh Bảo Đài sơn, nơi có Ngoạ Vân am âm thầm nép mình bên vách núi gần như quanh năm mây phủ… Thời gian trôi đi, thời gian như lắng lại ở những cảnh quan nhuốm màu u tịch, thấm đẫm chất thiền của nhà Phật nơi đây. Rồi còn chùa Hồ Thiên, đền Thái – Thái miếu của nhà Trần và hệ thống lăng mộ của các vị vua nhà Trần được quy về đất An Sinh…

Nối với KDT nhà Trần tại Đông Triều là KDT Yên Tử. Đỉnh non thiêng Yên Tử được xem là linh sơn quy tụ khí thiêng của trời đất thích hợp cho việc tu luyện, chính vì thế từ xa xưa, các cao tăng đã về đây tu tập. Đến thời Trần, nhiều vua Trần đã lựa chọn nơi đây để tu, trong đó, vua Trần Nhân Tông sau khi đất nước thái bình, thịnh trị đã quyết rời bỏ ngai vàng, về Yên Tử tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền phái thuần Việt đầu tiên và duy nhất ở nước ta. Hệ thống di tích chùa, am, tháp dày đặc ở Yên Tử ngày nay phần lớn là những công trình đời sau nhưng khí thiêng của Yên Tử, cái nôi của Phật giáo Đại Việt gắn liền quá trình tu luyện của vị vua Phật Trần Nhân Tông thì vẫn luôn là điểm thu hút bước chân hành hương của phật tử và du khách, nhất là vào mùa xuân. Với giá trị xuyên suốt về văn hoá tâm linh, trong đó, điểm nhấn là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, quần thể di sản tại Đông Triều và Yên Tử (Uông Bí) đang được Quảng Ninh lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

Mang đậm dấu ấn đời Trần ở Quảng Yên chính là KDT Chiến thắng Bạch Đằng 1288. Ba bãi cọc lớn được phát hiện cho đến nay là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa là chứng tích sinh động cho cuộc chiến trên dòng sông Bạch Đằng oanh liệt năm xưa của cha ông ta. Chiến thắng giặc Nguyên Mông 1288 là chiến thắng vang dội địa cầu, chiến thắng của sự đoàn kết quân dân như một chống lại giặc Nguyên Mông xâm lược.

Kết nối để phát triển

Đông Triều – Yên Tử – Bạch Đằng sẽ được xây dựng là một trục du lịch lớn của Quảng Ninh trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh thời gian tới với thế mạnh về du lịch văn hoá tâm linh. Tuy nhiên, nếu như Yên Tử, Bạch Đằng việc tôn tạo các di tích đã làm được nhiều phần việc thì với Đông Triều ngược lại, còn rất nhiều việc phải làm mới có thể phát huy tốt các giá trị. Dù được công nhận là di tích quốc gia đợt đầu tiên năm 1962, nhưng người ta biết đến cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều không nhiều, một phần vì đường sá gian nan, nhiều điểm di tích nằm trên núi cao, một phần vì các điểm di tích hầu như chỉ còn là phế tích đã chìm dưới lòng đất hàng trăm năm nay, chỉ còn sót lại hiện vật trên bề mặt như các chân tảng, những viên gạch, ngói thời Trần…

Việc khảo cổ các điểm di tích này những năm qua đã thu được kết quả đáng kể, khẳng định thêm giá trị của di tích với các mặt bằng khảo cổ đều cho thấy nhiều dấu vết kiến trúc gốc thuần Trần. Đặc biệt trong đó là kết quả khảo cổ đền Thái đã phát hiện đây chính là Tổ miếu, Thái miếu của nhà Trần với mặt bằng khảo cổ di tích hình chữ Vương độc đáo, cũng là mặt bằng Thái miếu còn nguyên vẹn duy nhất hiện nay. Tuy nhiên, phục dựng các điểm di tích nơi đây có thể nói là khó nhất, đòi hỏi tâm huyết cao nhất cũng như cần sự đầu tư kinh phí lớn nhất. Bởi, những kiến trúc thuần Trần tồn tại đến nay gần như không còn; cộng với kinh phí hạn chế, tư duy trùng tu thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa khoa học nên ngày càng bộc lộ sự hạn chế, có thể kể đến như: Chùa Quỳnh Lâm, Ngải Sơn lăng (lăng vua Trần Hiến Tông), đền An Sinh, thậm chí cả công trình nhà nước đầu tư như Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông) cũng vậy.

"Các di tích không hẳn là phải nguyên vẹn như ban đầu khởi dựng mà có thể trùng tu nhưng việc trùng tu phải đảm bảo giữ được các giá trị nguyên gốc của di tích, về quy mô, kiến trúc công trình trên nền cũ…" – ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Uỷ ban UNESCO Việt Nam khi đến thăm các di tích của Quảng Ninh đã khuyến cáo. Không chỉ ở Đông Triều, với Yên Tử cũng vậy, không ít công trình được trùng tu với quy mô lớn, chưa đảm bảo như kiến trúc gốc. Đây là những rào cản khi hai cụm di tích nói trên được xác định nằm trong quần thể di sản văn hoá và danh thắng Yên Tử đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Khắc phục, sửa đổi thế nào là việc cần bàn tới, cùng với đó, chắc chắn nhiều di tích sẽ được trùng tu, phục dựng trong những năm tới, bởi vậy nghiên cứu kỹ các kết quả thăm dò, khảo cổ học và trùng tu, tôn tạo trên cơ sở kết quả này là điều mà các đơn vị có trách nhiệm rất cần lưu tâm, xem xét.

Phan Hằng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét