Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Lên cao nguyên đá ngày xuân


Sắc hoa xuân trên cao nguyên đá

Những cánh hoa đào mỏng tang chen nhau trên những cành cây khẳng khiu. Còn núi đá thì sừng sững, những mỏm đá nhọn hoắt nhấp nhô. Nhưng lạ thay, màu xám của đá lại nâng đỡ cho màu hoa rực rỡ. Những khe núi tạo ra những vạt đất để cây đào, cây mận đâm rễ, nảy chồi, vạt cải xanh tươi bật hoa rực rỡ vào mùa xuân. Có lẽ khí hậu quá rét vào mùa đông đã ấp ủ dồn nén để các loài thực vật bừng dậy khi mùa xuân đến, nàng tiên hoa không ngủ quên trong lâu đài đá khi thời tiết ấm dần, mưa phùn trải xuống.

Vào dịp mùa Xuân, thường sau Tết Nguyên đán, hoa đào mới thật sự rực rỡ. Trải dài trên những con đường vườn tược của Đồng Văn, Mèo Vạc đâu đâu cũng gặp hoa đào hồng tươi, hoa mận trắng tinh, hoa cải vàng rực. Một cây đào cổ thụ đẹp như một cây đào thế ở vườn đào Nhật Tân Hà Nội vươn lên từ một mỏm đá, từ trong bức tường quây đá trong vườn ta tưởng như một chậu bon sai đón xuân của người thành thị mất cả nhiều triệu đồng mới có thì ở đây lại là sự tồn tại của tự nhiên. Một chiếc cổng nhà, cành đào uốn cong buông rủ đầy hoa như cái cổng nhân tạo được giăng hoa giấy ở các tiệc cưới của Hà Nội. Sân trường học cũng rợp bóng đào, ở đó các em học sinh dân tộc HMông, dân tộc Tày… trong váy áo rực rỡ sắc màu cùng nhau học tập.

Trong làn sương mù, gió bấc, bên cửa sổ của ngôi nhà có tường trình bằng đất, một cô bé, cậu bé đang học bài, ngoài sân một thiếu phụ địu con trên lưng. Ta dễ dàng bắt gặp cảnh lao động của người phụ nữ nơi đây. Họ cũng thanh tao, hồn nhiên như những cây đào, cây mận, cây lê… mọc lên từ núi đá, toả hương sắc và kết trái cho đời.

Độc đáo ngôi nhà đất của người Mông

Lên Hà Giang ngắm cột cờ Lũng Cú, thăm công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá trập trùng hùng vĩ. Vùng đất nơi đây còn giữ nhiều nét văn hoá truyền thống rất đặc trưng riêng của đồng bào 22 dân tộc anh em.

Trên những dãy núi đá thường có những ngôi nhà của người Mông được làm bằng gỗ và đặc biệt là những ngôi nhà trình tường đất, lợp ngói âm dương hay lá nứa, có thể nhiều người thắc mắc: Tại sao người Mông nơi đây không làm nhà sàn gỗ như nhiều dân tộc khác vùng núi rừng Tây Bắc hoặc xây bằng đá vật liệu sẵn có. Câu trả lời đơn giản mà người dân nơi đây vùng núi đá có khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt về mùa đông giá rét, nên ngôi nhà trình đất vừa kín đáo, chắc chắn, lại ấm áp về mùa đông, mát mẻ mùa hè.

Nét độc đáo trong kiến trúc của người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, có 3 gian chính 2 cửa (cửa chính và phụ) tối thiểu có 2 cửa sổ. Trong 3 gian nhà chính được sắp xếp như sau: Gian bên trái có bếp nấu nướng và buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải là bếp sưởi và giường cho khách (nếu có); gian giữa là gian rộng nhất để bàn thờ tổ tiên, nơi tiếp khách và ăn uống của gia đình.

Trong gia đình người Mông, phòng ngủ của vợ chồng, các con bố trí riêng, giường ngủ bằng phản gỗ hoặc giát bằng tre nứa, tập tục khá khắt khe, nơi ngủ của con hoặc em dâu thì bố và anh chồng không được vào và ngược lại. Phía trên, nhà nào cũng làm sàn để chứa đồ đạc, lương thực ngô thóc. Điều đặc biệt là khi người đàn ông trong gia đình vắng thì con dâu không được lên gác, nếu muốn lấy vật gì thật cần thiết phải đứng ở bậc thang khều, hoặc chờ đợi mới lấy được.

Người Mông cũng rất chú trọng đến việc chọn đất để làm nhà và không làm hai ba nhà sát vào nhau, kể cả là anh em ruột thịt. Vì người Mông khi làm ma tươi cho người thân chết theo tục lệ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà, 3 lượt đi, 5 lượt về (với nam giới); 5 lượt đi, 7 lượt về (với nữ giới) để xua đuổi ma đói, ma yếu khỏi về quấy rầy người chết. Do vậy nếu làm nhà sát vào nhau, khi nhà có tang ma sẽ không thực hiện được tục lễ tổ tiên quy định, người chết không được yên ổn trong cõi vĩnh hằng.

Khi đã chọn được đất tốt, đất lành, người ta san nền, kê móng và trình tường. Trình tường là công việc khá công phu, người ta làm khuôn gỗ có chiều dài khoảng 1,50m, rộng 0,45m – 0,5m, gia cố khuôn chắc chắn để khi đổ, nện đất không bị rơi ra và bức tường thẳng như ta đổ bê tông. Đất trình tường là đất có độ rẻo, bỏ hết rễ hoặc mùn cây cỏ, những viên đá to. Đất được đổ từng lớp, mọi người dùng vồ đập nện cho đất kết dính.

Công việc trình tường do thanh niên nam trai tráng trong xóm làng giúp đỡ, khi trình tường người lạ và phụ nữ không được vào. Khi bốn bức tường được trình xong, gia chủ chọn ngày tốt vào rừng chặt hạ cây làm cột cái và đặt nóc. Khi đã tìm được cây phù hợp, cây không sâu mọt, mất ngọn và thẳng để thể hiện sự vững vàng, cứng cáp của chủ nhà. Trước khi chặt phải làm lễ xin thần rừng, thần cây để thần không quở mắng thì nhà cửa mới yên ổn, mọi người khoẻ mạnh, gia đình đông vui hạnh phúc. Với cây để làm nóc nhà, khi đã chặt được khiêng về và đặt lên nóc ngay không được để xuống đất.

Cửa chính làm bằng gỗ tốt, mở vào phía trong, then cài bằng gỗ, ngay cả hiện nay họ cũng không dùng then sắt và bản lề sắt vì cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người luôn ấm áp, cởi mở, chân tình nếu bằng sắt sẽ lạnh giá.

Ngôi nhà được bảo vệ bằng hàng rào đá, quây quanh trên diện tích khoảng 200 – 300m2. Người ta phải mất nhiều công sức nhặt những viên đá to, nhỏ xếp ken chặt nhau mà không phải dùng chất kết dính như vữa. Cổng ra vào bằng gỗ có mái che, cánh cổng cũng có then cài hoặc thanh gỗ chống phía trong vào ban đêm. Vậy là ngôi nhà của người Mông vùng núi khá chắc chắn từ hàng rào xung quanh đến bức tường đất trình, vừa kín đáo, an toàn nếu có thú dữ, vừa ấm áp khi tiết trời lạnh giá. Những ngôi nhà này có thể được truyền từ đời ông đến đời cháu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét