Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Mùa Xuân - Tuổi trẻ


Thời gian qua, từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền núi đến hải đảo trong tỉnh, đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những công trình, phần việc do thanh niên đảm nhận. Với những công trình này, tuổi trẻ đang góp phần thiết thực vào sự đổi thay ở khắp các vùng miền trong tỉnh.

ĐVTN huyện Đầm Hà tình nguyện tham gia làm đường dân sinh.
ĐVTN huyện Đầm Hà tình nguyện tham gia làm đường dân sinh.

Đảm nhận nhiều công trình, phần việc

Một ngày đầu Xuân, chúng tôi đến "xông đất" Huyện Đoàn Đầm Hà. Bí thư Đào Biên Thuỳ hồ hởi khoe: Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, Đoàn Thanh niên huyện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, như đảm nhận quản lý 3 máy trộn bê tông, 1 máy đầm để phối hợp với các xã làm đường dân sinh. Với cách làm này, đến nay ĐVTN huyện đã thi công, hoàn thành trên 4,5km đường bê tông, dải cấp phối 5km đường với trên 2.000 công lao động, góp phần giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Để đảm bảo cho nhân dân có nước tưới phục vụ mùa màng, Huyện Đoàn đã huy động gần 600 ĐVTN tham gia nạo vét kênh mương nội đồng. Trước tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, Huyện Đoàn đã chỉ đạo thành lập 10 đội TNTN tại các xã, thị trấn, đảm nhận 2 đợt phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại 76 thôn bản, khu phố trên địa bàn toàn huyện…

Cùng Bí thư Huyện Đoàn, chúng tôi đến thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà. Đã được giới thiệu trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước tuyến đường liên thôn dài hơn 600m được bê tông hoá phẳng lì, sạch đẹp do Đoàn xã đảm nhận thi công. Phó Bí thư Đoàn xã, Hoàng Anh Tuấn kể: Trước đây tuyến đường này khó đi lắm, Đoàn đã đăng ký với lãnh đạo địa phương đảm nhận thi công tuyến đường. ĐVTN xã đã không quản khó khăn, tích cực tham gia lao động, đảm nhận các máy trộn bê tông và thay phiên nhau đứng máy… Nhiều người dân trên địa bàn thấy thanh niên hăng hái lao động đã chủ động phụ giúp. Nhờ đó, tuyến đường hoàn thành đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ. Với cách làm này, Đoàn xã đã đảm nhận thi công được 3 tuyến giao thông liên thôn khác với tổng chiều dài trên 1,6km. Đoàn còn vận động thanh niên và người thân trong gia đình hiến gần 1.000m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi…

Chúng tôi tiếp tục đến xã Tân Lập, một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM của huyện với nhiều tiêu chí được hoàn thành. Bí thư Đoàn xã, Đinh Xuân Châu khoe: Đoàn xã đã thành lập 2 đội TNTN tham gia làm được 2 tuyến đường giao thông liên thôn tại Tân Lập và Đông Hà với tổng chiều dài gần 1km; vận động ĐVTN và nhân dân hiến trên 8.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ xây dựng NTM; đăng ký với lãnh đạo xã tham gia quản lý mô hình nuôi cá song tại thôn Phúc Tiến… Chương trình NTM của xã còn tạo ra những suy nghĩ, hành động mới trong nhân dân về việc chuyển đổi phương thức canh tác, vươn lên làm giàu.

Chủ động vươn lên làm giàu

Sau cái bắt tay, lời chúc năm mới, Bí thư Huyện Đoàn Vân Đồn, Nguyễn Danh Hà "vào đề" ngay: Chung tay xây dựng NTM, tổ chức Đoàn đã phát động các phong trào thanh niên xung kích đi đầu xây dựng đời sống kinh tế, văn hoá ở nông thôn; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, khai thác các nguồn vốn vay cho thanh niên nông thôn… Nhờ đó, nhiều hộ gia đình thanh niên đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

Hộ đầu tiên chúng tôi đến thăm là Phạm Văn Toàn (thôn Voòng Tre, xã Đài Xuyên), một trong những gia đình thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện với mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng. Vừa tất bật rửa chuồng, cho lợn ăn, Toàn vừa kể: "Ban đầu tôi chỉ chăn nuôi với số lượng nhỏ. Sau được tổ chức đoàn động viên, cho vay vốn, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng, thời điểm nhiều nhất nuôi hơn 50 con lợn. Cùng với trồng cây ăn quả, đào ao thả cá…, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 80-100 triệu đồng…".

Ở thôn Voòng Tre còn có anh Phạm Văn Chí cũng là một gương thanh niên làm kinh tế gia đình giỏi. Cũng từ sự hỗ trợ, động viên của tổ chức đoàn, anh đã mở xưởng cơ khí. Khi chất lượng sản phẩm được khẳng định, anh mạnh dạn vay vốn uỷ thác qua tổ chức đoàn để đầu tư thêm máy móc, nguyên liệu, mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho thanh niên xã…

Theo lời anh cán bộ dẫn đường, thì ở thôn Tân Phong, xã Quan Lạn  ngày càng có nhiều thanh niên mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu… Mất hơn 2 giờ đi tàu khách, chúng tôi đến thăm mô hình chế biến cá khô của gia đình anh Trần Duy Phong ở thôn. Anh Phong cho biết: "Với đặc thù xã đảo, nếu chỉ trông vào ruộng, vườn thì chẳng thể làm giàu được. Vì thế, tôi đã bàn với gia đình tổ chức thu mua cá của ngư dân trên địa bàn để chế biến thành cá khô. Đến nay mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 240 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 5 thanh niên trong thôn với mức lương 4 triệu đồng/tháng".

Trong chuyến đi này, chúng tôi còn tham quan mô hình chế biến sá sùng của gia đình đoàn viên Nguyễn Hải Anh, thu nhập 240 triệu đồng/năm; mô hình nuôi vịt đẻ trứng của gia đình đoàn viên Lý Văn Phả, doanh thu trên 210 triệu đồng/năm… Sự vào cuộc tích cực của tuổi trẻ trong tỉnh chung sức xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo nên diện mạo mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh.

Nguyễn Chiến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét