Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Mưu sinh ngày giáp Tết


Với người lao động tự do, giáp Tết luôn là những ngày bận rộn, vất vả. Dù cả năm đã bươn chải nhưng họ vẫn tranh thủ những ngày này kiếm thêm chút tiền để trang trải cho gia đình, lo một cái Tết đầy đủ hơn.

Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ đã 62 tuổi, làm nghề thu mua phế liệu (hay còn gọi là dân đồng nát) đã được 12 năm. Khuôn mặt bà khắc khổ, già hơn nhiều so với tuổi, bà tự giới thiệu với tôi một cách hồn nhiên: "Tên tôi là Nguyễn Thị Té, té nước ấy. Ngày xưa các cụ bảo rằng: "Đặt tên xấu cho dễ nuôi". Mà tôi cũng dễ nuôi thật, ngần này tuổi rồi mà ăn uống chẳng phải kiêng khem gì, không giống như nhiều người ăn vào là sợ béo, sợ bệnh".

Dịp Tết cũng là dịp những người thu mua đồng nát tranh thủ kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình.
Dịp Tết cũng là dịp những người thu mua đồng nát tranh thủ kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình.

Bà Té quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đã có thời bà lang thang phiêu bạt làm nghề đồng nát trên đất Hà Nội. Bây giờ bà lại bỏ chốn đô thành, rồi về Quảng Ninh, thuê gian nhà trọ rộng chừng hơn chục mét vuông ở phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả) cùng với 2 con gái cũng làm nghề đồng nát ở chung, "ngoảnh đi, ngoảnh lại" bà đã gắn bó với Vùng mỏ được 7 năm rồi. Năm qua, không hiểu có phải do suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến cả nghề đồng nát không, mà đồng tiền khó kiếm hơn trước nhiều. Mấy năm trước bà còn kiếm được đôi ba triệu đồng/tháng, bây giờ chỉ kiếm được hơn triệu đồng/tháng là cùng. Bà bảo: "Giáp Tết kiếm tiền càng khó hơn. Người ta dọn nhà rồi gom đồ cũ lại, mang ra đại lý thu mua phế liệu để bán nên chúng tôi cũng chẳng có cơ hội. Thỉnh thoảng gặp may mới tìm được người dọn nhà rồi cho không đồ cũ. Thế nên nhiều chị em đồng nát chuyển sang nghề lau dọn nhà cửa trong dịp này".

Có vẻ như giáp Tết chính là thời điểm kiếm tiền của những người lau dọn nhà cửa. Chị Thanh, quê ở Hải Dương, kể: "Tôi ra Quảng Ninh làm nghề lau dọn nhà cửa cách đây 3 năm. Ban đầu, tôi làm cho Công ty Nhà sạch nhưng sau thấy vất vả, lương ít lại bó buộc về thời gian nên tôi bỏ, đi làm tự do. Bình thường tôi cứ nhận dọn nhà cho các gia đình theo yêu cầu của họ là 1 lần/tuần, 2 lần/tuần… Mỗi tháng tôi cũng kiếm được chừng 4-5 triệu đồng, trừ các chi phí mua máy hút bụi, nước lau nhà… thì tôi cũng đủ sống và dành dụm chút ít cho gia đình. Những ngày giáp Tết, tôi làm không hết việc nên tiền cũng kiếm được kha khá, có khi lên đến 500.000 đồng/ngày. Vất vả lắm nhưng tôi cũng phải cố để còn lo tết cho gia đình…". Cũng giống những người làm nghề lau dọn nhà cửa, những người đánh giày coi Tết là dịp "hái ra tiền". Bởi lẽ, ai cũng muốn có một diện mạo tươm tất để đi chơi Tết nên họ chăm chút từ đôi giày đến quần áo. Đặng Văn Dũng, 30 tuổi, quê ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã làm nghề đánh giày được 7 năm kể: "Những ngày giáp Tết thu nhập cao hơn, nếu chịu khó đi thì cũng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng/ngày, vì người ta đi ra đường nhiều, lại thêm những ngày này thường mưa lâm thâm nên giày dễ bẩn. Bọn tôi nhiều người đến tận 29 Tết mới chịu nghỉ về quê, vì khi đó mới hết việc".

Càng gần Tết, đường phố lại càng tấp nập hơn bởi những đoàn người đi sắm Tết. Trong dòng người bận rộn ấy, không khó để nhận ra vẻ lam lũ, nhọc nhằn của những anh xe ôm, đánh giày, những người thợ sửa xe, những chị đồng nát… Họ đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để kiếm thêm chút tiền trang trải cho ngày Tết của gia đình.

Công Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét