Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Nhà điêu khắc Lý Xuân Trường và chuyện về đôi thống bằng sứ Móng Cái bên Lăng Bác


Nhà điêu khắc Lý Xuân Trường là một trong các đại thụ của giới điêu khắc hội hoạ Hạ Long nói riêng, Vùng mỏ nói chung. Xuân Quý Tỵ này ông bước sang tuổi 76, tuổi già khiến sức khoẻ suy giảm nhưng trí nhớ của ông vẫn rất minh mẫn. Nhắc lại chặng đường sáng tác nghệ thuật đã qua, ông bảo việc chế tác đôi thống và cặp lộc bình bằng gốm sứ Móng Cái dâng vào Lăng Bác mãi là kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời. Ngày 3-2-1976, báo Quân đội Nhân Dân đã có bài viết về đôi thống và bình sứ này. Nhân dịp Tết đến xuân về, như muôn người dân Quảng Ninh nhớ về Bác kính yêu, nhà điêu khắc Lý Xuân Trường bồi hồi kể về kỷ niệm khó quên…


 

Học xong hệ trung cấp của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, năm 1963, tôi về làm việc tại Xí nghiệp Gốm sứ Móng Cái. Xí nghiệp nằm gần cầu Bắc Luân, cán bộ, công nhân khoảng trên 1.000 người. Bấy giờ, Xí nghiệp Gốm sứ Móng Cái cùng với Xí nghiệp Gốm sứ Hải Dương là nơi cung cấp sản phẩm gốm sứ cho toàn bộ miền Bắc. Các sản phẩm của Xí nghiệp chủ yếu là bát, đĩa, ấm chén…

Tháng 7-1974, tôi tốt nghiệp khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội). Khi ấy, công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được gấp rút thi công để kịp khánh thành vào dịp Quốc khánh 2-9-1975. Với tấm lòng kính yêu Bác, người dân cả nước hướng về Ba Đình, góp sức và cung tiến cát, đá, sỏi, gỗ, sinh vật cảnh… tốt nhất, đẹp nhất để gửi về xây và làm đẹp lăng Bác. Tôi suy nghĩ và nhớ đến ngày 20-2-1962, Bác Hồ về thăm Móng Cái, Người đã đến thăm Xí nghiệp Gốm sứ Móng Cái của chúng tôi. Tại sao mình không làm một sản phẩm nào đó bằng gốm sứ Móng Cái để dâng lên lăng Bác?

Vậy là tôi bắt tay vào vẽ thiết kế đôi thống và cặp lộc bình bằng gốm sứ Móng Cái, với mong muốn nó sẽ được đặt ở xung quanh lăng Bác sau khi lăng khánh thành. Tôi thiết kế hai chiếc thống, mỗi chiếc có chiều cao 1m, đường kính 1,5m. Về đôi lộc bình, mỗi cái có chiều cao 1,6m. Đôi thống, tôi lấy ý tưởng từ chiếc trống đồng Ngọc Lũ ở Thanh Hoá quê tôi. Xung quanh chân thống có hình sóng nước – tượng trưng cho những chặng đường khói lửa đất nước đã đi qua; hình hoa sen với hàm ý Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. Trên mặt thống là 30 cánh sen, tượng trưng cho 30 năm đất nước đấu tranh thống nhất nước nhà. Tôi mạnh dạn gửi bản thiết kế trên lên đồng chí Vũ Kỳ, khi đó là Uỷ viên Ban chỉ đạo xây dựng lăng Chủ tịch

Hồ Chí Minh và GS. Hoạ sĩ Lê Thanh khi đó là thiết kế trang trí nội ngoại thất công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không lâu sau, tôi nhận được công văn của đồng chí Vũ Kỳ, của hoạ sĩ Lê Thanh hoan nghênh ý tưởng của tôi và đồng ý với bản thiết kế. Ngay lập tức tôi cầm công văn trên về trình bày với anh Tô Dưỡng, khi đó là Giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ Xí nghiệp Gốm sứ Móng Cái. Đảng uỷ Xí nghiệp đã triệu tập ngay cuộc họp để bàn. Tại cuộc họp, không ít ý kiến đã bày tỏ băn khoăn Xí nghiệp không thể làm được đôi thống và bình trên bởi nó quá to. Không ai hình dung sẽ chế tác, đưa vào lò nung như thế nào. Dù cũng hơi run nhưng tôi quả quyết sẽ làm được. Anh Tô Dưỡng bèn giao Phòng Kỹ thuật và tôi lo việc thi công.

Để sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ, mỹ thuật cao, tôi chọn đất sét Mạo Khê và đất sét Cô Tô, lọc thật kỹ. Một số khó khăn nảy sinh đó là việc chế tạo chiếc bàn xoay ngoại cỡ, rồi làm sao để mặt thống đường kính 1,5m không bị xệ khi nung ở 1.400 độ C. Anh em kỹ thuật mới nghĩ ra cách bơm hơi vào săm của ô tô tắc-tơ, đệm vào trong tang có buộc thanh gỗ chéo chữ thập treo lên xà nhà rồi sấy khô dần. Tôi chọn men vân nâu cẩm thạch quét lên cặp thống và lộc bình. Khi đưa vào lò, thống quá to nên phải phá cửa lò, dùng 7-8 người khoẻ mới khiêng vào được. Anh Tô Dưỡng kén thợ kỹ thuật giỏi nhất của Xí nghiệp để giao cho nhiệm vụ đốt lò và đích thân anh mang gối xuống ngủ cùng anh em để động viên. Tất cả đều hồi hộp. Riêng tôi càng sốt ruột. Cuối cùng, trời không phụ lòng người, cả đôi thống và bình sứ đã ra lò thành công. Cả xí nghiệp, từ cán bộ, đến công nhân đều rất vui, coi đó là món quà thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên Bác. Phần thưởng của lãnh đạo Xí nghiệp dành cho anh em chúng tôi chỉ là bữa liên hoan nhưng ai cũng rất vui mừng.

Vậy là sau 4 tháng triển khai thi công, đôi thống và cặp bình bằng sứ Móng Cái đã hoàn thành. Tôi gọi điện cho hoạ sĩ Lê Thanh báo tin. Anh rất mừng và giục mang lên Hà Nội ngay để kịp cho lễ khánh thành lăng Bác vào ngày 29-8-1975. Ngày chở đôi thống và bình lên Hà Nội, Xí nghiệp phải dùng một xe tải to, dùng bao trấu lèn chặt xung quanh cho an toàn.

Sau lần ấy, nhiều lần có dịp lên Hà Nội vào lăng viếng Bác, thấy đôi thống và bình bằng sứ Móng Cái được trưng bày trước và sau lăng, tôi rất xúc động. Tiếc là sau lần chuyển nhà, tôi đã làm thất lạc những tấm ảnh kỷ niệm chụp quá trình chế tác đôi thống và cặp bình ấy. Gần 40 năm đã qua, ngẫm lại, tôi thấy đó sẽ mãi là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời sáng tác của mình.

Trần Minh (Ghi)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét