Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Những cây cầu nối đôi bờ vui


Cây cầu đưa con chữ về thôn

Năm 2009, các thôn ở bên kia con sông Bắc Lụt, xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) gồm Nặm Mìn, Khe Tao, Bản Gianh, Nà Hắc tỷ lệ hộ nghèo đều gần 100%. Thời ấy đường dẫn đến các thôn đều là đường đất, bà con muốn đi phiên chợ Hà Lâu sắm tết thật khó khăn, vì phải chống mảng vượt sông rất nguy hiểm. Năm 2010, cầu treo Hà Lâu được bắc qua sông Bắc Lụt, nối liền trung tâm xã với các thôn, bản bên kia sông. Bà con hồ hởi bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Trong những đổi thay ấy, phải kể đến công cuộc xoá mù chữ của Hội LHPN phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Tiên Yên được thực hiện. Bà con các thôn Nặm Mìn, Khe Tao, Bản Gianh, Nà Hắc đều vui vẻ tham gia lớp học xoá mù chữ. Anh Choòng Mẳn Sồi, Trưởng thôn Bản Gianh kể: "Lớp học xoá mù chữ của thôn do Hội Phụ nữ huyện tổ chức nên toàn là chị em. Đa phần trong số họ là lao động chính trong gia đình nên để tạo điều kiện cho họ, lớp học được tổ chức vào buổi tối. Giờ đi học chị em không phải đi bộ như trước đây nữa, chứ trước đây chưa có cầu, có đường không tổ chức lớp học được, vì nhiều chị em nhà ở cách trường vài ba cây số, rất khó khi đi bộ qua rừng vào ban đêm".

Cầu treo nối liền thôn Nà Cà với trung tâm xã Phong Dụ (Tiên Yên) được khánh thành cuối năm 2012.
Cầu treo nối liền thôn Nà Cà với trung tâm xã Phong Dụ (Tiên Yên) được khánh thành cuối năm 2012.

Để tạo điều kiện cho chị em được tham gia lớp học xoá mù, Trưởng thôn Sồi lại đi vận động đám đàn ông trong bản hỗ trợ, giúp đỡ vợ con. Nhiều người hiểu ra, từ đó các lớp học đông vui hơn, vì lại thêm chỗ cho cánh đàn ông đi theo vợ, theo người yêu cùng đến lớp. Dịp tổng kết chương trình xoá mù chữ, đa phần số chị em trong lớp đạt loại khá trở lên. Chị Trìu Xám Múi là một thành viên trong lớp học, lại là cây văn nghệ trong đội văn nghệ của thôn cho hay: "Từ khi chị em tham gia các lớp học xoá mù chữ, việc vận động chị em tham gia đội văn nghệ dễ dàng hơn. Trước đây rất khó khi chị em muốn học thuộc các bài hát tiếng phổ thông mà không biết chữ. Bây giờ tôi có thể chép bài hát ra giấy cho họ tập hát ở nhà. Giao thừa năm nay, bà con đón giao thừa ở nhà văn hoá thôn cũng có cả chương trình văn nghệ đấy". Trưởng thôn Choòng Mẳn Sồi thì bảo: "Từ khi bà con biết chữ, các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng cây, con cho bà con hiệu quả hơn trước nhiều. Chẳng vậy mà đến cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn bên kia sông Bắc Lụt chỉ còn hơn 30%, cá biệt  thôn Nặm Mìn còn 20,8%.

Không chỉ ở Hà Lâu, mà ở các thôn có cầu treo như Nà Lộc (xã Yên Than), Cao Lâm, Pò Luông, Pặc Thạ, Nà Cà, Đông Đình (xã Phong Dụ) đều mở các lớp xoá mù chữ, bà con tham gia hăng hái.

Và nối mùa xuân no ấm

Xã Thanh Sơn (Ba Chẽ) có chiếc cầu treo được làm từ năm 2010 nối liền trung tâm xã với các thôn bên kia sông là Khe Pụt Trong, Khe Pụt Ngoài, Khe Nà, Khe Lò. Trước đây khi chưa có cầu, các làng bản bên sông của Thanh Sơn đều có tỷ lệ hộ nghèo gần 80%. Cuộc sống khó khăn mọi đằng, trong thôn chủ yếu là nhà tranh tre, chẳng có ai muốn mở mang làm ăn, vì có làm thì sản phẩm mình làm ra cũng không tiêu thụ được vì sông sâu cách trở. Vậy mà bây giờ, sau hơn 2 năm Thanh Sơn có cây cầu treo nối liền đôi bờ, là sự thay đổi ngoạn mục của các làng bên sông một thời ảm đạm, vật vã với công cuộc xoá nghèo. Đồng chí Lã Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi hay: "So với vài năm trước thì các thôn bản bên kia sông đã khá lên nhiều. Điều đặc biệt là đã xoá đi được nhưng cái mốc xấu trước đây có thôn 100% hộ nghèo. Bây giờ nhiều hộ đã mở mang phát triển kinh tế tự xoá nghèo rồi trở thành những hộ khá".

 Trong mấy năm gần đây, bà con các thôn bên sông rất hăng hái làm ăn phát triển trồng rừng. Diện tích rừng trồng hàng năm đạt con số hàng trăm ha/thôn. Thôn Khe Nà là thôn có diện tích rừng trồng cao nhất với 690,7ha/38 hộ dân, nhiều hộ sở hữu đến 20ha rừng trồng. Không chỉ trồng rừng bà con các thôn còn mở các mô hình nuôi ba ba, nuôi nhím, lợn rừng, gà đồi là sản phẩm bán rất chạy vào các dịp tết, riêng gà đồi có thể bán được quanh năm. Ông Lục Văn Diểng, thôn Khe Pụt Trong nói: "Nuôi gà đồi ở đây rất thuận lợi, vì nhiều nguồn thức ăn tự nhiên và thóc rơi vãi sau khi gặt hái ở các khu ruộng bậc thang. Từ ngày có cầu treo lái buôn vào tận thôn mua gà, giá gà đồi không dưới 200.000 đồng/kg vậy mà cũng không có mà bán".

Vậy là chỉ trong mấy năm, các thôn bên sông Ba Chẽ đều giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 50% so với năm 2009, giảm nhiều nhất là thôn Khe Pụt. Đồng chí Lã Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết thêm: "Tỷ lệ hộ nghèo trong các năm tới ở các thôn này còn giảm nhiều hơn, vì hiện nay một vài thôn diện tích rừng của bà con chưa đến kỳ thu hoạch nên chưa có nguồn thu. Năm 2012, các thôn lại có thêm đập tràn, đây là con đường chở keo khi thu hoạch của bà con trong thời gian tới "

Công Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét