Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Những người trực Tết


Khi khắp nơi rộn ràng không khí đêm giao thừa, nhà nhà sum vầy đón chào mùa xuân mới, thì vào thời khắc thiêng liêng ấy vẫn có biết bao người đang phải làm nhiệm vụ trên các công trường, xưởng máy, bệnh viện… Với họ, Tết là góp phần mang niềm vui đến cho mọi nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Khoa Ngoại - Sản, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ đang chăm sóc bé sơ sinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Khoa Ngoại – Sản, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ đang chăm sóc bé sơ sinh.

Vợ, chồng đều trực Tết

Đó là trường hợp của gia đình bác sĩ Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Khoa Ngoại – Sản, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ. Dù không phải là một bệnh viện lớn, đông bệnh nhân, nhưng 17 năm nay, bác sĩ Hoan đều đón xuân cùng những người bệnh. Chồng chị Hoan làm ở Ban CHQS huyện Ba Chẽ. Lấy nhau được mười mấy năm, nhưng hiếm có xuân nào vợ chồng chị được ở nhà đón giao thừa, cùng con cái sum họp trong thời khắc thiêng liêng ấy. Chị chia sẻ: Với công việc của hai vợ chồng chị thì việc trực Tết là đương nhiên. Hai đứa con trai, một 5 tuổi, một 10 tuổi hầu như chưa bao giờ được đón giao thừa có đầy đủ bố mẹ ở nhà. Thường thì chị phải gửi con sang ông bà nội, mâm cơm cúng phải chuẩn bị từ chiều 30. Chị kể: Nhớ một cái Tết cách đây không lâu, đang luộc dở con gà để cúng giao thừa, chợt điện thoại của Trung tâm gọi đến có ca cấp cứu. Tôi vội vàng vặn nhỏ bếp, chỉ kịp dặn hàng xóm ngó dùm con gà, rồi phóng xe thẳng đến cơ quan. Đó là ca đẻ cấp cứu ở xã Đạp Thanh, tôi cùng một y tá nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề, sau 2 phút lên xe. Tới nơi, xe lại không thể đi được, hai chị em phải vác bom ôxy chạy bật cả máu chân cho kịp cứu sản phụ. Lúc đó thì chẳng biết đau là gì, chỉ mong sao kịp cứu sản phụ và đứa bé. Đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, mẹ tròn con vuông cũng là lúc chuông đồng hồ báo thời khắc giao thừa đã đến. Lúc này mới cảm giác chân mình đau, nhìn xuống thấy đã bật móng, máu chảy ướt đẫm bàn chân tự bao giờ. Về đến nhà đã 1 giờ đêm, con gà luộc cúng đêm giao thừa tuy đã được người hàng xóm bắc xuống hộ nhưng đã nát toét… Không riêng chị Hoan mà Tết năm nào cũng vậy, một nửa số bác sĩ, y tá của Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ phải trực tiếp và "thường trú" trực Tết. Như chị Hoan tâm sự: "Lúc đồng hồ điểm 12 giờ đêm trừ tịch, thấy thiêng liêng lắm và khao khát một giây phút sum họp bên gia đình, nhưng nhìn những người bệnh đang chờ được chăm sóc cứu chữa, được tự tay đón những sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời trong thời khắc ấy, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, càng thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao…".

Tết sáng cho mọi nhà

Chia sẻ về việc trực Tết, Trưởng Phòng Điều độ Hoàng Trung Kiên, Công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định: "Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và niềm vinh dự của chúng tôi được đảm bảo cho bà con có điện thắp sáng trong dịp Tết". Anh Kiên cho biết, làm ở ngành Điện đã hơn 29 năm thì năm nào cũng phải trực Tết, bởi đó là việc đương nhiên. Công ty Điện lực Quảng Ninh có 1.400 CBCNV-LĐ;  trong đó 80% phải trực Tết, 70 người phải tham gia trực tiếp vận hành lưới điện, làm việc 365 ngày/năm để đảm bảo duy trì dòng điện thắp sáng, sử dụng cho dân, nhất là những ngày Tết. Những ngày này, nhu cầu dùng điện tăng cao, dễ xảy ra các sự cố về điện. Khi đó, nhiều người chỉ biết đổ lỗi cho nhà điện, chứ mấy ai hiểu nỗi niềm người thợ điện, thấy được trách nhiệm của mình trong việc dùng điện. Anh mong rằng mọi người nên có ý thức tiết kiệm điện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với cán bộ, công nhân viên trực trong những ngày này. Khi có sự cố, hãy liên hệ với họ bằng một thái độ thân thiện, chia sẻ để vơi bớt đi sự nặng nề, thiệt thòi của những người mang lại ánh sáng cho nhà nhà đêm xuân.

Anh kể về kỷ niệm của một đêm giao thừa cách đây không lâu: TP Hạ Long đang rộn ràng chờ đón giao thừa thì bỗng đèn vụt tắt một góc phố, người dân ùa ra đường, kêu ca. Ngay lập tức anh em tìm hiểu nguyên nhân, thì ra tại một công trình gần khu dân cư, có bác bảo vệ, năm đó trực Tết đã đón cả vợ con ra công trình. Trong không khí sum họp gia đình, mừng quá bác đã dùng khẩu súng bắn chỉ thiên lên trời, chẳng may trúng vào đường dây điện. Anh em kíp trực đêm hôm đó đã nhanh chóng sửa chữa đường dây để người dân kịp đón giao thừa. Điều đáng trân trọng là những người giải quyết sự cố đêm đó không một lời trách bác bảo vệ, ngược lại, họ đã chúc gia đình bác đón một giao thừa vui vẻ, ai nấy đều lì xì cho hai đứa con của bác. "Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, những người phải trực đêm giao thừa đã phải hy sinh niềm vui đón xuân bên gia đình để làm nhiệm vụ, để góp phần nhỏ đem niềm vui đến cho mọi người. Ngày cuối năm, có những người phải bỏ dở thìa cháo đút vội cho con, có người thắp vội nén hương mâm cơm chiều 30 Tết để đi làm nhiệm vụ. Vì vậy, chúng ta nên cùng chia sẻ niềm vui bên những đồng nghiệp, những người ta gặp gỡ đêm giao thừa…" – Anh Kiên tâm sự.

Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Indevco quét, thu gom rác trên đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long).
Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Indevco quét, thu gom rác trên đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long).

Đón giao thừa… trên đường

Vào những ngày trước, trong và sau Tết, lượng rác trên địa bàn TP Hạ Long tăng gấp 3-4 lần ngày thường, từ 150 tấn lên 400 tấn. Dù Công ty CP Môi trường đô thị Indevco đã trang bị thêm các thiết bị như: Xe rửa đường, xe quét chuyên dụng, xe tải, xe ép rác để giúp công nhân thu gom rác của đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên, công việc trong những ngày Tết vẫn vô cùng vất vả. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Tổ thu gom rác số 1 của Công ty  tâm sự: "18 năm làm nghề quét rác, thì 17 năm tôi đón giao thừa trên đường phố. Chúng tôi luôn cố gắng để sáng sớm ra người dân được đón không khí trong lành, sạch sẽ nhất của một ngày đầu năm mới. Làm công nhân vệ sinh môi trường đô thị, không có khái niệm đón giao thừa ở nhà. Chúng tôi phải chuẩn bị mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên từ chiều 30 rồi bàn giao lại cho chồng con thắp hương. Mờ sáng, xong việc, về tới nhà, lại lao vào chuẩn bị bữa cơm đầu năm mới…".

Chị Nguyễn Thị Lý cùng Công ty với chị Ngọc, chuyên dọn vệ sinh tuyến đường Cao Xanh thì cho biết: Công việc của người quét rác sợ nhất là mưa phùn. Những hạt mưa xuân li ti càng làm những mảnh giấy, lá bám riết lấy mặt đường. Nhất là sau đêm giao thừa, khi mọi người về hết, đường chỉ còn lại chúng tôi và… rác đủ loại. Chị bảo, thấy buồn nhất là nhiều người thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, không đúng điểm tập kết; có những gã say rượu đâm xe vào người lao công, khiến không ít chị phải nằm viện; có những kẻ giật cả chổi, xẻng của các chị làm phương tiện đánh nhau… khiến nỗi vất vả của công nhân môi trường tăng gấp bội. "Những ngày lễ, Tết, lượng rác càng nhiều, thời gian làm việc kéo dài từ 6 giờ sáng cho đến khi… thành phố hết rác; tiếp đến thu gom, chuyển rác tới bãi tập kết cũng là lúc trời gần sáng rõ. Chẳng hôm nào chúng tôi về nhà trước 4 giờ sáng. Vì vậy suốt cuộc đời người quét rác chỉ có thể đón giao thừa ngoài đường…" – Chị Lý bộc bạch.        

Chia tay các chị khi những con đường đã sạch rác, tôi không quên chúc các chị một năm mới thật nhiều niềm vui; bày tỏ sự cảm phục với những người phải tạm quên niềm vui riêng để góp phần làm đẹp cho mùa xuân.

Trung Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét