Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Những tiến sĩ 8X


Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi còn rất trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi, những nhân vật mà chúng tôi kể dưới đây là những tấm gương sáng của tuổi trẻ Quảng Ninh. Mỗi người trong số họ đều có một lối đi riêng, một đam mê riêng nhưng đều gặp nhau ở mong muốn và khát vọng được cống hiến sức trẻ cho tỉnh Quảng Ninh thân yêu.

Lời mời từ 3 trường đại học danh tiếng

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hoành Bồ, Đỗ Hữu Tuấn (sinh năm 1982) nổi bật hơn hẳn so với các bạn trong lớp từ hồi còn học phổ thông. Cả 12 năm học, Tuấn đều đạt học sinh giỏi và là một trong những học sinh gương mẫu, luôn được bạn bè tín nhiệm, noi theo. Đến thời sinh viên, Tuấn cũng xuất sắc được chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội. Để có danh hiệu này, suốt 4 năm học đại học, anh không chỉ đạt thành tích giỏi về học tập, công tác đoàn mà còn say mê đối với công tác nghiên cứu khoa học. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp khoa Môi trường, Đại học Khoa học – Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuấn đã đăng ký và may mắn nhận được học bổng toàn phần học Thạc sĩ ở cả 3 trường đại học danh tiếng tại Đức, Đài Loan, Thái Lan. Tuấn chia sẻ: "Mỗi trường đều có một thế mạnh riêng và đều là những niềm ao ước của tôi. Tuy nhiên, tôi đã chọn Trường Đại học Daych (Đại Diệp) của Đài Loan cùng song hành trên con đường tương lai với mình. Theo suy nghĩ của tôi, tại thời điểm đó, Trường Đại học Daych có số lượng sinh viên Việt Nam theo học còn khá ít nên tôi đã mạnh dạn lựa chọn để tìm tòi và học tập".

Tiến sĩ Đỗ Hữu Tuấn (thứ nhất, trái sang) cùng bạn bè trong Lễ trao bằng Tiến sĩ.
Tiến sĩ Đỗ Hữu Tuấn (thứ nhất, trái sang) cùng bạn bè trong Lễ trao bằng Tiến sĩ.

Tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, tháng 6-2007, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Daych  ở Đài Loan, anh tiếp tục nộp hồ sơ lên Đại học Quốc gia Đài Loan để có thể học lên tiến sĩ. Cánh cửa hy vọng đã mở ra với anh vì trong số hơn 100 sinh viên Việt Nam đăng ký, phía Đài Loan chỉ đồng ý cấp học bổng toàn phần cho trên dưới một chục sinh viên, trong đó có Tuấn. Suốt quá trình đó, Tuấn đã không ngừng cố gắng, nỗ lực và cuối cùng đến tháng 1-2012, Tuấn đã bảo vệ thành công luận án "Thiết kế mạng quan trắc nước sông". Tuấn chia sẻ, hơn 7 năm du học đã cho anh biết những giá trị của cuộc sống, những đức tính tự lập và hơn hết là luôn mong mỏi, cố gắng học tập, nghiên cứu để trở về quê hương đóng góp, cống hiến. Khi nói về dự định trong tương lai, anh cho biết, trước mắt sẽ tập trung vào công việc giảng dạy để thuận lợi trên con đường nghiên cứu khoa học, góp công sức nhỏ bé vào việc bảo vệ môi trường.

Khát vọng cống hiến cho quê hương

Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn Quảng Ninh là nơi làm việc khi mà rất nhiều nơi ở trong và ngoài nước "mời gọi", anh Chu Tuấn Thành (sinh năm 1982, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) đã không ngần ngại nói với chúng tôi rằng: "Mình là người Quảng Ninh, sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, không có lý do gì khiến mình không phục vụ và đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của quê hương". Qua  bao năm xa cách, đối với anh, hạnh phúc là được sống bên cạnh, gần gũi người thân yêu và được cống hiến cho quê hương của mình. Hơn nữa, anh cho biết, tỉnh đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho những người như anh với nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý.

Năm 2000, anh là một trong hai sinh viên khoa Hạ tầng kỹ thuật đô thị – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được nhận học bổng toàn phần đi du học ở Nga theo đề án 322 (thuộc diện học bổng bằng ngân sách của Nhà nước). Và đến tháng 12-2010, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành "Nền móng và công trình ngầm" tại Đại học Kiến trúc – Xây dựng Xanh-Petecbua, Liên Bang Nga. Tháng 6-2011, anh vào làm chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng công trình của Sở Xây dựng Quảng Ninh. Từ tháng 10-2012 đến nay, anh chuyển sang làm tại Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Thông báo 108-TB/TW ngày 1-10-2012 của Bộ Chính trị về Đề án "Phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Móng Cái, Vân Đồn".

Trong thời gian du học ở Nga, ngoài thời gian học trên trường, anh còn dành 4 năm tham gia làm nhân viên tư vấn thiết kế cho Công ty GEOIZOL (một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Nga). Đặc biệt, Chu Tuấn Thành còn tham gia vào các nhóm tư vấn thiết kế của những công trình lớn như: Toà nhà văn phòng hơn 100 tầng của Công ty Dầu khí "GASPROM" tại Xanh-Petecbua; khu liên hợp thể thao trượt tuyết phục vụ cho Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2014 của TP Sochi (Liên Bang Nga); trùng tu toà nhà thuộc Bảo tàng quốc gia Hermitage và nhiều công trình xây dựng có từ 1-5 tầng hầm ở TP Xanh-Petecbua. …

Gắn bó với vùng đất lành

Một tiến sĩ trẻ nữa là Đỗ Minh Chiến, sinh năm 1980, hiện đang làm Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Uông Bí, TP Uông Bí. Sinh ra và lớn lên tại TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, năm 1998, anh thi đỗ vào Khoa Cơ điện, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, mặc dù được khá nhiều trường đại học uy tín mời về giảng dạy, thế nhưng sự lựa chọn cuối cùng của anh lại chính là Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Uông Bí.

Qua lời kể của anh, chúng tôi được biết, từ khi còn là sinh viên, anh may mắn được tiếp xúc với nhiều thế hệ đang công tác tại ngôi trường này. Thời điểm đó, trường có tên gọi là Trường Trung cấp Công nghiệp và Xây dựng và cũng đang "rục rịch" chuẩn bị lên Cao đẳng. Hơn nữa, anh rất yêu thích và ấn tượng với Quảng Ninh, bởi mảnh đất này cũng chính là nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội và đang đổi mới từng ngày. Nghĩ về tương lai và sự phát triển của mình, Chiến đã quyết định đăng ký nộp hồ sơ tại trường. Anh tâm sự: "Cũng phải nói là may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường với những chính sách đãi ngộ ưu ái như: Không phải thi đầu vào, hỗ trợ 20 triệu đồng khi mới vào làm; hỗ trợ mua máy tính và hệ số lương khởi điểm là 3,0. Điều này càng khiến tôi tâm huyết và gắn bó, trách nhiệm hơn với công việc được giao".

Được nhà trường tạo điều kiện, anh không chỉ đảm bảo công việc giảng dạy mà còn tiếp tục học tiếp lên tiến sĩ tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Năm 2011, Đỗ Minh Chiến bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật cấp cơ sở chuyên ngành kỹ thuật máy và thiết bị cơ giới nông – lâm nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội với đề tài "Nghiên cứu một số thông số làm cơ sở cho thiết kế hệ thống thiết bị làm khô màng hạt gấc bằng phương pháp sấy thăng hoa". Và đến ngày 25-12-2012, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật cấp Nhà nước cũng với đề tài và chuyên ngành trên. Anh tâm sự: "Tôi không sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh nhưng mảnh đất này thực sự là quê hương thứ hai của tôi. Tôi sẽ cố gắng để đóng góp nhiều hơn nữa cho vùng đất lành này".

Lan Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét