Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Quảng Ninh đưa hàng Việt về vùng cao - Nhân Dân


Từng bước thay đổi nhận thức về hàng nội

Việc thường xuyên tổ chức thành công các phiên chợ, hội chợ, triển lãm, trong đó có các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao đã từng buớc đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc thay đổi dần nhận thức của người dân vùng cao, miền núi trong việc lựa chọn và sử dụng các mặt hàng của các DN trong và ngoài tỉnh sản xuất. Trong thời gian diễn ra phiên chợ, bình quân có từ 3.500 đến 5.000 lượt người dân tới mua sắm, với doanh thu đạt hơn 120 triệu đồng/ngày. Như thương hiệu miến dong của Công ty CP thương mại và dịch vụ Bình Liêu đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến qua các phiên chợ hàng Việt. Sản phẩm của công ty cũng đã xuất hiện ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Nhìn chung, hàng hóa tham gia các phiên chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng và hợp thị hiếu người dân miền núi, vùng cao như sách vở học sinh, thiết bị trường học, đồ gia dụng, mặt hàng thực phẩm chế biến, hàng may mặc…

Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nguyễn Kiên cho biết: “Các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao đã giúp nhiều DN trong và ngoài tỉnh đánh giá và lượng hóa được sức mua, sự quan tâm, sở thích tiêu dùng hàng trong nước sản xuất của người dân miền núi, vùng cao, từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh, tổ chức các hình thức đại lý tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn một cách hợp lý; từng bước khai thác và chiếm lĩnh khu vực thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này”.

Các phiên chợ hàng Việt được tổ chức đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn không chỉ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng mà cả ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, người tiêu dùng đã có chuyển biến tích cực trong việc chọn lựa, mua sắm hàng Việt. Các phiên chợ này không chỉ góp phần lưu thông hàng hóa mà còn tạo cơ hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh. Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm quảng bá thương hiệu Quảng Ninh lần thứ ba vào đúng dịp Lễ hội du lịch Quảng Ninh. Ðây chính là điều kiện thuận lợi để các DN tận dụng cơ hội tiếp cận và quảng bá thương hiệu đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Qua đó, người tiêu dùng biết và yên tâm khi sử dụng các thương hiệu nông sản này.

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm

Trong năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai 18 dự án xây dựng thương hiệu, bao gồm: bốn dự án xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chả mực, ngán, sá sùng và mai vàng Yên Tử; 11 dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương; cùng với đó là ba dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể: Vải chín sớm Phương Nam, na dai Ðông Triều, nếp cái hoa vàng Ðông Triều. Ðây sẽ là những mặt hàng truyền thống, chủ lực của Quảng Ninh đã có thương hiệu từ rất lâu và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm đánh giá đúng những giá trị và hiệu quả kinh tế, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu các sản phẩm truyền thống này. Quảng Ninh đang xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đến năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu (gồm: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Ðặng Huy Hậu cho biết: “Quảng Ninh được xác định là trọng điểm sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Có nhiều lợi thế sản xuất sản phẩm nông sản, thủy sản, gần đây là sản phẩm về du lịch. Tuy nhiên, các sản phẩm mang thương hiệu của địa phương vẫn còn quá ít. Cả tỉnh có gần tám nghìn DN, nhưng mới có gần 500 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ và chưa có một chỉ dẫn địa lý nào về hàng hóa”.

Với đặc thù là đầu mối giao thương với Trung Quốc, do đó, hàng hóa của nước bạn dễ dàng thâm nhập vào thị trường trong nước thông qua các cửa khẩu, nhất là hàng hóa tiêu dùng với giá thành rẻ, mẫu mã hợp thị hiếu, phù hợp người tiêu dùng có thu nhập thấp. Hiện nay, một bộ phận khá lớn người dân vẫn còn không ít hoài nghi về chất lượng hàng trong nước, mẫu mã chưa đẹp, giá cả chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Một số DN vẫn còn tâm lý e ngại, sợ rủi ro, nên chưa thật sự tham gia một cách tích cực cuộc vận động, nhất là các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Ðó là những rào cản không nhỏ mà Quảng Ninh sẽ phải vượt qua trong thời gian tới và tiếp tục tổ chức nhiều phiên chợ, hội chợ mang lại hiệu quả tích cực cho cả người tiêu dùng và các DN sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Source Article from http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/qu-ng-ninh-a-hang-vi-t-v-vung-cao-1.391660



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét