Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Sao Việt kể chuyện bi hài ’chạy show’ ngày Tết


Trên đường rong ruổi từ điểm diễn này sang điểm diễn khác để phục vụ khán giả trong dịp xuân Quý Tỵ, nghệ sĩ Hồng Nga, Anh Vũ, Minh Béo… gặp phải vô số tình huống cười ra nước mắt.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Sốc với đề nghị “Cho con cưới em… Trịnh Kim Chi”

Nghệ sĩ (NS) Hồng Nga cho biết, Tết năm nào chị đi diễn cũng kẹt xe kinh khủng. Do đó, năm trước, chị quyết định di chuyển từ điểm này đến điểm khác bằng taxi, chạy bộ kiếm xe ôm khi gặp sự cố kẹt đường. Ngay mùng 1, chị gặp phải anh tài xế taxi kiên quyết không cho xuống xe, đòi đưa đến những điểm diễn kế tiếp. Anh tài xế còn nhiệt tình gửi taxi cho một người bạn trông, mượn xe máy của người này chở NS Hồng Nga cho thuận tiện.

Nghệ sĩ Hồng Nga.
Nghệ sĩ Hồng Nga.

“Tôi nghĩ bụng thật là ngộ, không hiểu sao lại có một anh tài xế taxi tốt bụng đến thế? Vì vậy, sau buổi diễn, tôi mời anh ấy ăn khuya để cảm ơn. Khi vào bàn ăn, anh khiến tôi hoàn toàn bất ngờ với nỗi niềm: ‘Con muốn được làm rể của cô, cho con được gọi cô là mẹ’. Tôi bất ngờ và nhận ra sự nhiệt tình có chút… tính toán của anh chàng này.

Tôi nói: ‘Hai đứa con gái của cô đều lập gia đình rồi, cô có cháu ngoại lớn lắm’. Anh tài xế khăng khăng: ‘Dạ, con yêu em Trịnh Kim Chi, nghe Chi gọi cô là mẹ, chắc cô sẽ làm mai cho con chứ?’. Tôi tá hỏa: ‘Cháu ơi, Chi có gia đình luôn rồi, đã có con gái rất lớn, gia đình cô ấy rất hạnh phúc’. Anh tài xế méo mặt, buồn xo, còn tôi phải cố nén cười”, nghệ sĩ Hồng Nga kể lại.

Minh Béo: “Đừng để tôi lên… bàn thờ!”

NS Minh Béo kể, có một lần khi đi diễn tại Hóc Môn rồi chạy qua Củ Chi – TP.HCM quay ngoại cảnh chuyên mục Chuyện không của riêng ai, vào giờ nghỉ giải lao, có vài khán giả đến xin ảnh và chữ ký của anh. Bất chợt, một thanh niên chỉ tay vào người phụ nữ đứng bên cạnh rồi “méc” với Minh Béo: “Anh còn nhớ chị này không? Năm rồi, anh cho chị ấy tấm ảnh đó, chị ấy cất trong album đàng hoàng. Nửa tháng trước, chồng của chị qua đời, chị liền đưa tấm ảnh của anh lên bàn thờ luôn”.

Nghe xong, người phụ nữ “bị méc” cười thật tươi, còn Minh Béo từ cười mỉm chi chuyển sang chau mày khó chịu. Người phụ nữ này biết làm thần tượng bực bội nên thanh minh: “Trên đời này, tôi chỉ thích có 2 người đàn ông, đó là chồng tôi và Minh Béo. Từ khi chồng qua đời, tôi để ảnh Minh Béo lên bàn thờ, để mỗi tối khi thắp nhang cho ổng sẵn đó nhìn hình của Minh Béo luôn, chứ không phải thờ Minh Béo đâu”.

Không biết nên khóc hay cười, từ đó về sau, mỗi khi tặng hình cho khán giả là nghệ sĩ Minh Béo vừa dặn dò, vừa… năn nỉ: “Nhớ đừng để hình của tôi ở nơi ‘bậy bạ’ hoặc ở trên ‘cao’ quá nhé. Tôi sợ bị té lắm!”.

NS Anh Vũ: Nhớ bao lì xì… thơ

Nghệ sĩ Anh Vũ nhớ hoài chuyện mình nhận được bao lì xì toàn thơ. Anh kể: “Tết năm trước, tôi diễn một suất từ thiện ở khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM, mang niềm vui đến những công nhân không về quê ăn Tết được. Vừa diễn xong, một anh công nhân chạy lên sân khấu lì xì cho tôi. Sau đó, nhiều khán giả nữ đang làm việc ở KCX cũng leo lên sân khấu lì xì cho tôi”.

“Ban đầu tôi ngần ngại vì nghĩ công nhân xa nhà rất khó khăn nhưng các anh chị nhất định chờ tôi nhận mới chịu quay về chỗ ngồi. Lòng tôi xúc động vô cùng nghĩ, lớn rồi còn được tiền mừng tuổi. Trong khi tôi hớn hở, anh Hồng Tơ ở cánh gà nhìn ra cười không tỏ vẻ ganh tỵ gì cả, còn bảo: ‘Em mở ra xem sẽ rõ’.

Tôi nép vào cánh gà hồi hộp mở bao đỏ ra xem. Tất cả không phải tiền mà là những câu thơ được viết trên tờ giấy trắng rất duyên dáng: ‘Tết này anh cưới vợ đi/ Tụi em xin má về nhà cùng anh/ Cưới đâu xa lắc, xa lơ/ Làm rể công nghiệp không màng ốm đau”.

Anh Hồng Tơ có kinh nghiệm, mở bóp ra cho tôi xem 10 bài thơ mà năm ngoái cho tới giờ anh vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Mỗi khi về hát ở khu chế xuất Linh Trung là nghệ sĩ chúng tôi nhớ những phong bao lì xì… toàn thơ. Đó là một kỷ niệm khó quên trên đường du xuân của nghệ sĩ hài”, Anh Vũ xúc động.

Hồng Tơ: Kỷ niệm “nhớ đời” với chị nhắc tuồng!

Là một NS hài xuất thân từ sân khấu cải lương, Hồng Tơ có thâm niên theo gánh hát đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhớ lại đoạn đường đã qua, anh cho biết có rất nhiều chuyện vui. “Nhớ nhất có lẽ là tình huống dở khóc, dở cười gắn với một chị chuyên nghề nhắc tuồng cho gánh hát Hoa Lan Trắng ở Bến Tre”, Hồng Tơ cho biết.

Anh kể: “Thời đó, tôi mới vô gánh hát Hoa Lan Trắng, được giao đóng vai một tên tướng giặc. Ông bầu dặn cứ nghe chị Năm nhắc tuồng thế nào, hát y như vậy. Lần đầu trong đời ra sân khấu mà không biết gì về nhân vật của mình, tôi chỉ biết vai đó thách đấu với kép chánh là nghệ sĩ Phương Bình, bị anh kép này đâm cho một nhát kiếm, chết.

Tôi hiểu lơ mơ như vậy, lòng vui vì dù sao cũng hát một câu vọng cổ rất mùi rồi mới chết. Thế là tôi diễn hăng say, ca vọng cổ rất mùi, khán giả tán thưởng. Anh Phương Bình chĩa mũi kiếm về phía tôi và xuống tay. Đang chuẩn bị ‘chết’, tôi bỗng nghe chị Năm nhắc tuồng nhắc thêm vài câu mà vì tiếng nhạc ồn ào không nghe rõ.

Nhìn vào cánh gà, thấy khẩu hình của chị Năm, tôi đoán trong đầu tên tướng giặc này còn có một bà ngoại ở quê nhà, giờ bị giết sẽ thương tiếc bà ngoại nên phải hét to trước khi chết ‘ngoại, ngoại’. Thế là tôi hét lên, cả gánh hát nhìn nhau, cô Út Bạch Lan lấy quạt che miệng cười, anh Phương Bình cười đến rớt cây kiếm, còn cô Thanh Thanh Hoa ra hiệu cho hậu đài kéo màn lại xin lỗi khán giả.

Tôi đang nằm trên sân khấu, tự dưng thấy tắt đèn, ông bầu kéo dậy la lớn: ‘Ai kêu cậu hét to ngoại, ngoại? Tuồng này làm gì có bà ngoại?’. Tôi nhìn về phía chị Năm đang thất thần khi ông bầu kéo ra để phân trần cho rõ trắng đen. Chị xin lỗi: ‘Tôi nhắc anh Hồng Tơ lúc bị đâm chết phải đau quằn quại, nào ngờ anh ấy nghe không rõ nên hét lên chữ ngoại’. Nghe chị ấy phân trần, tôi vội nói rằng chỉ nhờ chị nhắc tuồng, không cần phải chỉ đạo “diễn xuất” vì ai bị đâm chết cũng đau đớn, lăn lộn…

Chị Năm nhắc tuồng ngày xưa chắc Xuân này đã ngoài 70 tuổi. Dẫu sao thì nhờ chị ấy, tôi cũng có một kỷ niệm vui trong đời nghệ sĩ của mình”.

Bạch Long: “Bí quyết mọc chân mày”

Nhắc đến kỷ niệm nhớ đời, nghệ sĩ Bạch Long kể: “Đám học trò hồi đó quậy lắm, đứa nào cũng có cá tính mạnh nên tôi ‘lấy độc trị độc’, để cho các em biết làm nghề này phải khổ luyện. Một hôm, học trò Chấn Cường mới 8 tuổi đến hỏi tôi: ‘Thưa thầy, làm sao để chân mày đậm và đều như thầy?’. Tôi nói đùa: ‘Cứ 3 tháng thầy cạo sạch và bôi nước mắm lên’.

Không ngờ Chấn Cường làm thật, suất hát ở rạp Đại Đồng, tất cả nghệ sĩ, công nhân hậu đài đều ôm bụng cười vì Chấn Cường mất cặp chân mày và đến gần toàn mùi nước mắm. NS Chấn Đạt đến mắng vốn tôi: ‘Thầy dạy con tôi sao mà nó lấy lưỡi lam cạo sạch chân mày, rồi lấy nước mắm bôi lên, đi tới đâu cũng nghe mùi?’. Tôi hoảng hồn, không ngờ nói chơi mà học trò làm thật. Sau suất hát, Chấn Cường phải vẽ cặp chân mày giả để về nhà.

Biết tôi chơi khăm, Chấn Cường âm thầm “trả đũa” thầy. Lúc tôi dẫn học trò đi tắm biển Vũng Tàu, Cường cũng đi chuyến đó và phải vẽ cặp chân mày giả để khán giả không thắc mắc. Khi xuống biển tắm, tôi đang chơi lượn trên sóng biển, tự dưng bị lôi xuống nước rồi khi trồi lên nhìn thấy gương mặt không có chân mày, đầu ướt nhẹp, mắt trợn trắng hù dọa. Tôi la lên, tưởng là hà bá kéo chân mình, nhìn kỹ lại mới nhận ra đó là Chấn Cường. Tôi nhìn học trò cười mà tim vẫn còn đập: ‘Thầy xin lỗi, thầy nói giỡn chứ không phải 3 tháng cạo chân mày và bôi nước mắm nó sẽ ra đậm đâu!’. Hai thầy trò nhìn nhau cười. Mấy suất hát sau, Chấn Cường biết vẽ cặp chân mày rất đẹp”.

Theo Người lao động



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét