Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Tết của người Sán Chỉ


Những ngày áp Tết, chúng tôi tìm về những vùng tập trung đông đồng bào Sán Chỉ ở Quảng Ninh. Giờ đây, dù cuộc sống đã thay đổi nhiều, nhưng các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Sán Chỉ vẫn được lưu giữ và phát huy, nhất là trong dịp Tết cổ truyền…

Tết, không chỉ có rượu thịt

Từ thị trấn Bình Liêu, đi 12km nữa qua các thôn Nà Kẻ, Pắc Niềng (xã Tình Húc) là tới được xã Húc Động. Nép mình dưới những ngọn núi hùng vĩ và con suối hiền hoà, Húc Động được coi là "xứ sở" của tộc người Sán Chỉ ở Bình Liêu (xã có 2.596 nhân khẩu, trong đó người Sán Chỉ chiếm trên 82%). Từ đỉnh dốc, cửa ngõ vào Húc Động nhìn xuống, những bản làng của người Sán Chỉ nơi đây yên bình, không gian trong lành như không vương hạt bụi…

Húc Động đang mùa dong, miến. Dong củ chất từng bao lên xe máy, ùn ùn từ các thôn, bản gần xa chở về, rồi tập hợp thành đống trước mấy cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết, đây là cơ hội để người dân trong xã thu hoạch dong, tích cóp được thêm tiền để chuẩn bị đón Tết.

Phụ nữ Sán Chỉ thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu) chế biến nguyên liệu làm miến dong.
Phụ nữ Sán Chỉ thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu) chế biến nguyên liệu làm miến dong.

Tết Nguyên đán của người Sán Chỉ ở Bình Liêu thường bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp cho tới hết Rằm tháng Giêng, mọi công việc làm ăn thường dừng lại trước ngày 20 tháng Chạp để tập trung chuẩn bị cho một cái Tết thật tươm tất, đầy đủ. Muốn vậy, phải có đủ tiền cho những ngày "ăn, chơi, vui vẻ" nhất trong năm sắp tới. Đó là lý do mà Húc Động đang tất bật, khác với vẻ yên bình vốn có.

Gặp chúng tôi nơi quán chợ ở trung tâm xã, dù không quen biết, nhưng với bản tính hiền hậu, mến khách, sau vài câu chuyện, Lỷ A Chung (thôn Thông Châu) đã niềm nở mời về nhà. "Năm nay được mùa dong, chắc ăn Tết to nhỉ?", tôi khơi mào câu chuyện. Chung cười hiền: "Thì vẫn thế thôi, chắc chắn là có thịt với rượu à". Dù nhà khá giả hay không, lương thực trong những ngày Tết của người Sán Chỉ được chuẩn bị rất chu đáo. Người Sán Chỉ thường tự làm bánh tày, bánh hình trụ dài, thường được gọi là "cây bánh", bánh chắc nịch, thơm dẻo, nhân làm bằng gạo nương mới quyện với lá kim lông đỏ giã nhỏ và thịt lợn ba chỉ. 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm của người Sán Chỉ, mọi công việc chuẩn bị cuối cùng được thực hiện rất khẩn trương, bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, giấy đỏ  dán lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo… Theo quan niệm của người Sán Chỉ, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu; đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Buổi chiều, các thành viên trong gia đình cùng tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Mâm cơm dâng lên tổ tiên của người Sán Chỉ có thịt lợn, xôi 7 màu, bánh tày còn nguyên chưa bóc lá, đặc biệt thịt gà phải là gà trống, không quá già, không quá non, khoẻ mạnh, lông óng mượt thì mới thiêng, tổ tiên mới  phù hộ. Các thành viên trong gia đình ngồi quây quần sum họp bên nhau nói chuyện, tâm sự về những việc đã qua ở năm cũ và cùng nhau ngân nga bài hát "Slạn nin cọ" (bài hát chúc mừng năm mới của người Sán Chỉ) chờ đến giây phút giao thừa. Giao thừa cũng là lúc gia chủ chọn hướng xuất hành thuận lợi cho gia đình mình trong năm mới.

Từ nhà Lỷ A Chung, đi bộ ngược núi gần chục km đường rừng nữa mới tới được lưng dãy Thông Châu. Từ đây có thể bao quát toàn cảnh Húc Động với những nếp nhà ẩn mình dưới những tán cây. Qua những câu chuyện người dân, chúng tôi được biết cuộc sống của bà con trong thôn những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay các công trình đường giao thông liên thôn, cầu tràn Mó Túc, Thông Châu và 2 tràn trục đường Lục Ngù – Sú Cáu; mương thuỷ lợi  Nà Bản, Cắm Sạn, Pò Chè của thôn Nà Ếch, mương Tắc Làu của thôn Sú Cáu cùng nhà văn hoá của các thôn này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; nhà văn hoá các thôn còn lại đang đề nghị được xây mới và tu sửa. Đáng mừng nữa là dù cuộc sống đã thay đổi, nhưng nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Sán Chỉ nơi đây vẫn được lưu giữ và phát huy.

Bên kia "đường soóng cọ"

Bên kia dãy Thông Châu là xã Đại Dực (Tiên Yên), tính theo đường chim bay thì chỉ cách nhau vài cây số, nhưng đường bộ thì cực kỳ gian nan. Vậy mà các thế hệ yêu nhau, kết tình chồng vợ qua điệu hát Soóng Cọ vẫn thường xuyên qua lại. Húc Động và Đại Dực, "xứ sở" của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh đã gần gũi như thế.

Dù rất muốn, chúng tôi cũng không thể chọn đi "con đường Soóng Cọ" ấy mà tới xã Đại Dực. Thay vào đó, chúng tôi chọn con đường chính là quay về thị trấn Bình Liêu, xuôi xuống Tiên Yên, rồi lại vòng lên Đại Dực, mất tới gần 70km nữa nhưng có phương tiện thì đỡ vất vả hơn nhiều.

Địa hình Đại Dực tương đối đa dạng, đồi núi bao quanh tạo thành một dải vùng thung lũng, chiếm 87% diện tích tự nhiên của xã. Đặc điểm địa hình, khí hậu, tài nguyên ở đây phù hợp với sinh hoạt, sản xuất của người Sán Chỉ, chính vì vậy mà người Sán Chỉ ở Đại Dực chiếm tới 95% dân số.

Vượt qua đoạn đường đèo lổn nhổn đá, dốc cao và trơn trượt, chúng tôi tới được bản Khe Lục Mỷ. Từ đây nhìn xuống, ngôi trường THCS Đại Dực bề thế là vậy mà chỉ còn bé nhỏ như một mái nhà dân. Nình A Dẩu (mới 22 tuổi nhưng đã có hai mặt con) tiếp những vị khách không mời trong căn nhà trống hoác. Nhìn đi nhìn lại, chỉ thấy bồ thóc lớn ở gian trong là tài sản có giá trị nhất. Ấy vậy mà khi nói về Tết, đôi mắt Dẩu ánh lên niềm vui, như một chàng trai đang tuổi yêu đương, mong ngày Tết để được vui chơi, hò hẹn. Mới ra ở riêng, nên Tết năm nay A Dẩu sẽ phải làm nhiệm vụ cúng tổ tiên ở nhà mình. Ở Đại Dực, chiều 30 Tết, nhà nào cũng phải sửa soạn một lễ cúng. Lễ cúng chiều 30 còn to hơn cả ngày mùng 1, và sau đó, từ mùng 1 đến mùng 5 là đi chơi, là đánh quay, đẩy gậy, là hát Soóng Cọ. Sáng mùng 1 Tết, người Sán Chỉ kiêng đi ra khỏi nhà, đến buổi chiều chủ nhà và con trai lớn sẽ đi chúc tết các gia đình trong thôn bản. Họ chúc nhau sức khoẻ dồi dào và công việc thuận lợi trong năm mới; người lớn mừng tuổi cho trẻ con bằng kẹo, bánh hoặc tiền lẻ. Sáng mùng 2, các cặp vợ chồng sẽ về chúc tết bên nhà ngoại;  mùng 3 người Sán Chỉ cùng nhau tổ chức hội xuân. Bên cạnh những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cừ, ném còn, thì hát Soóng Cọ không thể thiếu trong những ngày này.

Từ bản Khe Lục Mỷ, chúng tôi tìm tới nhà chị Trần Móc Sủi ở thôn Khe Lục, một ca sĩ Soóng Cọ có tiếng của huyện Tiên Yên. Chị kể: "Tết ngày xưa vui hơn bây giờ, vì có Soóng Cọ. Không phải hát một, hai buổi ở nhà văn hoá, hay trường học như bây giờ đâu, mà tối nào cũng hát. Cứ chập tối là đã rủ nhau đi hát, hát từ nhà người này đến nhà người khác, từ bản này sang bản khác, có khi từ xã này kéo nhau tới xã khác để hát, mấy ngày mới về". Bây giờ thì lớp trẻ ở Đại Dực không còn ai học hát Soóng Cọ nữa. Có lẽ vì thế mà ở những ngày hội Tết, trai gái Sán Chỉ chỉ tròn mắt đứng xem hát Soóng Cọ, như là một thứ gì lạ lẫm lắm.

Tựu chung, Tết của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh không thay đổi nhiều. Nói như lời cụ Trần Hoọc Thống, 84 tuổi, một thầy mo nổi tiếng trong tộc người Sán Chỉ ở thôn Châu Hà, xã Quảng Lợi (Đầm Hà), thì: Không thấy mất đi phong tục, văn hoá gì cả, mà chỉ thấy vui hơn, vì no ấm, đầy đủ hơn. Chiều 30 Tết năm nào cũng vậy, trong gian chính, trước bàn thờ tổ tiên, xung quanh là con cháu, giọng cụ Thống lại vang lên: "Loỏng chạ, loỏng me, oòng, ché quạy hạch nin. Dau cạy, dau nhui, dau nhoọc, dau ẹt…" (Mời cha, mời mẹ, ông bà về ăn Tết. Có gà, có cá, có thịt, bánh…)

Nguyễn Quý



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét