Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Thực phẩm thiết yếu tăng giá, sức mua giảm


Những ngày Tết Nguyên đán 2013 đang đến thật gần, đây cũng là thời điểm giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và rau xanh tăng đột biến.

Thực phẩm thiết yếu tăng giá

Dạo quanh các chợ đầu mối và dân sinh trên địa bàn TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả trong những ngày gần đây, thật không khó để nhận thấy giá của các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và rau xanh đều tăng giá từ 5-10%. Mặc dù các mặt hàng đều bắt đầu rục rịch tăng giá từ những ngày đầu tháng 1, đặc biệt giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng đột biến sau ngày ông Công, ông Táo (23-12 âm lịch). Cụ thể, cải xoong 8.000-13.000 đồng/mớ; cải ngọt 8.000-10.000 đồng/mớ; su hào, bắp cải hiện giá bán là 8.000-13.000 đồng/kg; cà chua 15.000-20.000 đồng/kg; khoai tây 16.000-20.000 đồng/kg; súp lơ xanh, trắng 15.000-20.000 đồng/kg. Bên cạnh sự tăng giá của các loại rau xanh thì giá thịt bò đã cao hơn so với những ngày trước từ 10.000-20.000 đồng/kg và hiện bán với giá 260.000-290.000 đồng/kg. Giá các loại thuỷ, hải sản cũng tăng  mạnh. Theo đó, giá ghẹ 300.000-480.000 đồng/kg, mực lá 290.000 -350.000 đồng/kg. Thông thường, giá thịt gà luôn tăng vào dịp Tết, nay giá gà ta tăng mạnh lên tới 150.000-170.000 đồng/kg, tăng 20.000 đến 30.000 đồng so với trước.

Giá các mặt hàng tươi sống và rau xanh tăng mạnh. (Ảnh chụp tại chợ Hạ Long II, TP Hạ Long).
Giá các mặt hàng tươi sống và rau xanh tăng mạnh. (Ảnh chụp tại chợ Hạ Long II, TP Hạ Long).

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dịp Tết Nguyên đán năm nay thị trường không có sự khan hiếm của các loại hàng hoá, tuy nhiên, sự tăng giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong những ngày giáp Tết do thói quen, nhu cầu mua sắm dự trữ hàng Tết. Những diễn biến thất thường của thời tiết, dịch bệnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của cây trồng, vật nuôi. Việc tăng giá các loại mặt hàng thiết yếu trong những ngày cận Tết, đặc biệt là một số mặt hàng có mức giá tăng vọt khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình. Trong khi đó, do những khó khăn chung của nền kinh tế, thưởng Tết của các doanh nghiệp đều cắt giảm cùng với đó là những khoản chi "không tên" khiến người dân lo lắng.

Sức mua giảm

Bên cạnh việc chủ động chuẩn bị hàng hoá để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán, các cửa hàng, doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trái ngược lại với cái nóng của giá các loại thực phẩm tươi sống và rau xanh, sức mua của người tiêu dùng năm nay không sôi động như mọi năm. Nguyên nhân chính đó là do những ảnh hưởng từ suy thoái hầu hết các ngành nghề kinh tế đều tăng trưởng chậm, dẫn đến thu nhập của đại bộ phận người dân không cao như mọi năm. Kiểm lại số hàng hoá mới nhập, chị Hoàng Thị Phấn, ki-ốt kinh doanh đồ khô chợ Cẩm Thuỷ, phường Cẩm Thuỷ, TP Cẩm Phả than thở với chúng tôi: Để đảm bảo nguồn hàng, hầu hết các cửa hàng đều đăng ký với nhà phân phối về số lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán từ rất sớm. Đơn cử như cửa hàng chúng tôi đã đặt hàng với nhà phân phối từ những ngày đầu tháng 12. Thực sự do những ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn nên sức mua trong năm của người tiêu dùng rất dè chừng nên chúng tôi cũng phải xem xét để nhập lượng hàng vừa đủ cung ứng cho người tiêu dùng, tránh tình trạng tồn hàng. Như mọi năm, dịp Tết Nguyên đán sức mua của người dân sẽ tăng mạnh, thế nhưng năm nay cửa hàng nào cũng đìu hiu lắm. Mọi năm, kinh tế khó khăn nhưng thời điểm này kinh doanh cũng tạm được, còn năm nay ế ẩm là tình trạng chung… Nhiều khách hàng thân thiết của tôi như mọi năm có khi mua cả chục triệu đồng tiền hàng, nhưng năm nay có thể giảm đi một nửa. Nhiều khách mua hàng thành mấy đợt, hết lại mua thêm chứ không mua cùng một lúc như mọi năm. Cùng với đó, một số các mặt hàng thiết yếu tăng giá trong khi đó thưởng Tết, lương của người lao động đều giảm, đặc biệt là người có thu nhập thấp nên khiến người tiêu dùng e ngại, thắt chặt chi tiêu, mua sắm.

Nhằm bình ổn giá thị trường, tránh tình trạng đẩy giá các loại hàng hoá, tỉnh Quảng Ninh đã dành gần 30 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: Gạo các loại; đường, trứng, bánh, mứt, kẹo, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Thực tế cho thấy, hàng hoá nằm trong diện bình ổn chủ yếu là lương thực, thực phẩm và một số hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống. Do đó, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề kiểm soát giá thị trường ở nhiều loại hàng hoá khác, đồng thời cần có những biện pháp thiết thực nhằm kích cầu thị trường, tăng sức mua của người dân, tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp.

Cao Quỳnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét