Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

TP Hạ Long: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục


Theo Phòng GD-ĐT TP Hạ Long, tính đến thời điểm này, 100% cán bộ, giáo viên của thành phố đạt trình độ chuẩn, trong đó trình độ trên chuẩn đạt 79,6%. Để có được điều này, những năm qua, ngành giáo dục thành phố đã không ngừng quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2012-2013 là năm đầu tiên mà Phòng GD-ĐT TP Hạ Long áp dụng hình thức tập huấn qua hệ thống trực tuyến. Với những buổi tập huấn có nội dung phổ biến đến nhiều đối tượng (bồi dưỡng chính trị, giáo dục pháp luật…) thì điều này là rất cần thiết. Đồng chí Vi Bích Hạnh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP Hạ Long cho biết: "Trước đây, hầu hết chỉ có những cán bộ cốt cán mới đi tập huấn. Sau đó, những cán bộ này mới về cơ sở giáo dục của mình để truyền đạt lại. Hình thức này vừa mất thời gian lại không hiệu quả. Vì vậy, đây là một trong những đổi mới mà ngành giáo dục Hạ Long đang áp dụng để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên".

Một lớp tập huấn về CNTT cho giáo viên của ngành giáo dục TP Hạ Long. Ảnh: Phạm Tiến Dũng (CTV)
Một lớp tập huấn về CNTT cho giáo viên của ngành giáo dục TP Hạ Long. Ảnh: Phạm Tiến Dũng (CTV)

Cùng với đó, thành phố cũng phân loại từng đối tượng để có hình thức đào tạo, tập huấn cho phù hợp. Đối với cán bộ nguồn, Phòng GD-ĐT thành phố nhiều năm liền đã liên kết với các trường đại học có uy tín như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên để đào tạo trình độ thạc sĩ (như chuyên ngành Quản lý giáo dục, Ngữ văn). Chị Phạm Thị Mai Phương, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Phòng GD-ĐT TP Hạ Long nói: "Tôi rất phấn khởi khi được Phòng giáo dục tạo điều kiện để đi học nâng cao trình độ. Vì còn phải phụ trách công việc của cơ quan nên tôi đã đăng ký với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được học vào thứ bẩy và chủ nhật hàng tuần. Vì thế, để có thể vừa hoàn thành tốt công việc ở cơ quan và vừa đảm bảo tham gia đầy đủ các buổi học trên trường là điều không hề dễ dàng". Chị Phương cho biết thêm, tuần nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng chị lại bắt xe lên Hà Nội để học đến tối muộn chủ nhật mới về tới nhà. Chính sự quan tâm của Phòng GD-ĐT thành phố đã giúp chị có thêm nhiệt huyết để tiếp tục sự học của mình. Không chỉ vậy, Phòng GD-ĐT còn tham mưu cho UBND thành phố mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị cho các cán bộ trong ngành. Tính đến thời điểm này, thành phố đã mở được 1 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 25 cán bộ. Đồng chí Vi Bích Hạnh cho biết thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu với UBND thành phố để mở thêm 1 lớp Trung cấp lý luận chính trị nữa".

Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, Phòng GD-ĐT cũng tổ chức được 8 lớp (trên cơ sở liên kết với các trường đại học) trình độ từ trung cấp đến đại học (mỗi lớp khoảng 80-100 người). Bên cạnh đó, vào mỗi dịp hè, Phòng GD-ĐT thành phố lại tổ chức các lớp bồi dưỡng theo các bộ môn, chuyên đề cho giáo viên trên địa bàn như: Quản lý nhà trường, công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ở mỗi nhà trường, ban giám hiệu tích cực tổ chức cho các giáo viên đi dự giờ. Ngay từ đầu năm học, các trường trên địa bàn đều tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, quản lý.

Có thể thấy rằng, việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chính là yếu tố cơ bản để góp phần nâng cao, đổi mới chất lượng giáo dục toàn diện. Hy vọng, ngành giáo dục thành phố tiếp tục có những cơ chế đãi ngộ hợp lý, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng đội ngũ nhà giáo của thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung.

Lan Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét