Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

TP Hạ Long: Tích cực chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm


Thực chất của vấn đề dạy thêm không chỉ xuất phát từ chủ quan của nhà trường, của giáo viên mà còn từ nhiều phía đưa lại. Cha mẹ học sinh cũng là một yếu tố quyết định góp phần vào việc giáo viên phải dạy thêm và học sinh phải học thêm. Bởi một lẽ TP Hạ Long là trung tâm chính trị, văn hoá của tỉnh, trình độ dân trí cao nên việc đầu tư cho con cái học tập là nhu cầu cấp bách, thiết thực của người làm cha, làm mẹ. Bên cạnh đó một số cha mẹ học sinh lại khá bận rộn trong công tác xã hội, trong kinh doanh không có điều kiện chăm sóc, kèm cặp con học và thế nên họ gửi gắm thầy cô "Thôi thì trăm sự nhờ thầy". Nhiều phụ huynh còn có cả một "chiến lược" mời các thầy cô nổi tiếng rồi dựng lớp. Con cái họ chưa chắc đã có nhu cầu học thêm, nhưng bố mẹ nhiệt tình vì "Không thầy đố mày làm nên". Cứ thế nhà nhà học thêm thì người người dạy thêm là lẽ đương nhiên theo quy luật có cầu, có cung.

Giáo viên dạy thêm có nhiều lí do, từ nhu cầu bức thiết chính đáng của phụ huynh, nhu cầu kinh tế gia đình… hiếm ai, chỉ vì muốn nâng cao chuyên môn thuần túy, hay vì yêu trẻ mà dạy thêm không thu phí. Cái nọ ràng buộc, lôi kéo cái kia, khiến giáo viên không thể thờ ơ với dạy thêm… Chính từ sức ép từ phía cha mẹ học sinh mà đội ngũ người thầy phải gồng mình, gắng sức. Họ dành thời gian cho học sinh, họ gần như không còn thời gian để chăm sóc bản thân, con cái… Nhất là những thầy cô có chuyên môn giỏi lại càng vất vả hơn. Thành thật mà nói cũng còn có một số đối tượng thầy cô tổ chức dạy thêm không dựa trên nguyện vọng của gia đình học sinh. Đó chính là vấn đề mà khá nhiều cha mẹ học sinh cũng như xã hội đang lên án điều này.

Tác hại của việc dạy thêm học thêm tràn lan rất lớn và kéo dài bấy lâu nay. Đó là nỗi bức xúc lớn trong xã hội. Đã từng có không ít chủ trương và biện pháp ngăn chặn dạy thêm học thêm được ban hành với quyết tâm cao. Thế nhưng sự thuyên giảm không đáng kể mà còn diễn ra với nhiều cách đối phó khác nhau. Có ý kiến cho rằng nếu TP Hạ Long mà chấn chỉnh tốt hoạt động dạy thêm học thêm có nghĩa là tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tốt công tác này.

Thực hiện Thông báo số 218/TB-UBND ngày 18-12-2012 của UBND tỉnh về việc tiếp tục chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục TP Hạ Long đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Phòng đã công khai số điện thoại, hộp thư điện tử cho cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân được biết để phản ánh việc không chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm của cán bộ giáo viên. Bên cạnh đó, phòng Giáo dục đã tham mưu cho UBND TP Hạ Long ra công văn chỉ đạo chấm dứt việc dạy thêm, học thêm chương trình, kiến thức phổ thông từ cấp học mầm non đến trung học cơ sở. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém (không thu tiền) nhà trường phải thực hiện trên cơ sở phân loại học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng phải có tiêu thức phân loại học lực rõ ràng, tránh làm hình thức. Việc phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi trong các cơ sở giáo dục; gắn trách nhiệm của giáo viên bộ môn với chất lượng môn học, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với chất lượng của lớp và trách nhiệm của Hiệu trưởng với chất lượng giáo dục của toàn trường trên cơ sở nâng cao chất lượng giờ học chính khóa. Yêu cầu lãnh đạo nhà trường và cán bộ, giáo viên viết cam kết: "Nếu vi phạm thì xin từ chức (đối với cán bộ quản lý) và xin thôi giảng dạy (đối với giáo viên)".

Đối với các phường, UBND TP chỉ đạo triển khai chủ trương trên tới các tổ chức đoàn thể, tổ dân khu phố để nhân dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc quy định dạy thêm, học thêm. Tăng cường quản lý các lớp mầm non tư thục. Kiên quyết đình chỉ các lớp tư thục hoạt động không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng hoạt động không đảm bảo chất lượng. Chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm không theo quy định và dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ em vào học lớp 1 của các cơ sở giáo dục, cá nhân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Trong hai tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Phòng Giáo dục đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra. Đoàn kiểm tra đã làm việc với 12 phường, gặp gỡ phỏng vấn gần 60 hộ dân, kiểm tra được 44 trường, trong đó mầm non 16 trường, tiểu học 15 trường, THCS 14 trường. Qua phỏng vấn và kiểm tra tới các hộ dân, được nghe phản ánh hiện nay không còn hiện tượng dạy thêm và học thêm ngoài nhà trường.

Từ sự chỉ đạo đồng bộ, nhất quán từ phòng Giáo dục đến các nhà trường và sự phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo chấn chỉnh dạy thêm học thêm, đến nay tại TP Hạ Long các cấp học từ mầm non đến tiểu học và THCS không còn hiện tượng dạy thêm học thêm trong nhà trường cũng như ngoài nhà trường. Việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm đã đi vào nề nếp, học sinh được vui chơi, nghỉ ngơi sau những giờ học trên lớp, được xem ti vi, đọc truyện, luyện tập thể dục thể thao,… Giáo viên được nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và con cái. Không còn cảnh cha mẹ chở con đi học vào buổi tối và xếp hàng đợi con trong đêm trước của nhà thầy cô.

Thanh Hồng (Phòng GD-ĐT TP Hạ Long)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét