Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

TP Móng Cái: Vững vàng thế và lực trong năm Quý Tỵ


Trở lại TP Móng Cái hôm nay, không ai còn có thể nhận ra một huyện lỵ biên giới thuần nông với kinh tế lạc hậu, chậm phát triển của những năm 1989 trở về trước. Móng Cái giờ đây đã thay da đổi thịt từng ngày. Những công trình xây dựng bề thế, những dòng xe tấp nập, đầy ắp hàng hoá đã cho thấy sức sống mãnh liệt của một khu kinh tế đang trên đà phát triển.

Đô thị Móng Cái đang tiếp cận ngưỡng đô thị loại II. Ảnh: Đại lộ Hoà Bình.
Đô thị Móng Cái đang tiếp cận ngưỡng đô thị loại II. Ảnh: Đại lộ Hoà Bình.

Từ một huyện biên giới nghèo, đến nay Móng Cái đã trở thành một thành phố cửa khẩu sầm uất với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 17%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó: Thương mại – dịch vụ đến năm 2011 chiếm trên 70%. Tổng giá trị hàng hoá hai chiều qua cửa khẩu Móng Cái giai đoạn 2006-2011, đạt 18.070 triệu USD, tăng bình quân 26,25%/năm, chiếm 95,7% tổng kim ngạch hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng). Thu thuế XNK qua cửa khẩu chiếm 85,3% tổng thu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Quảng Ninh và chiếm 28,5% tổng thu xuất nhập khẩu qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc. Giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái năm 2011 đã tăng hơn 20 lần so với năm 1996. Đối với hoạt động thu ngân sách trong giai đoạn 2006-2011, cũng đã đạt tới ngưỡng gần 6.500 tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với giai đoạn trước đó.

Một trong những yếu tố tạo cho Móng Cái có vận hội, thời cơ để phát triển mạnh mẽ đó chính là vị thế địa chính trị và địa kinh tế đặc biệt. Bởi đây là nơi có cả đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với nước CHND Trung Hoa, có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Hơn nữa, Móng Cái là nơi có cả cửa khẩu quốc tế trên bộ lẫn trên biển, là nơi hội tụ giao thoa giữa hai hành lang, một vành đai phát triển kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, là một trong những cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng giữa Việt Nam – Trung Quốc và nhiều nước khác.

Từ một địa bàn năng động và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, Móng Cái đã nhanh chóng tiệm cận các cơ chế chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Các Quyết định 675/TTg, Quyết định 103/1998/ QĐ-TTg và Quyết định 53/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Móng Cái áp dụng thí điểm một số chính sách về đầu tư; thuế, tài chính; chính sách đất đai và sử dụng tài nguyên; chính sách về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu…

Với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của tỉnh, TP Móng Cái đã vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách; tranh thủ những ưu đãi để kêu gọi đầu tư, tập trung nguồn lực tài chính để từng bước hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Xe container hàng hoá nối đuôi nhau tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái để xuất hàng sang bên kia biên giới.
Xe container hàng hoá nối đuôi nhau tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái để xuất hàng sang bên kia biên giới.

Tính từ năm 1996 đến năm 2012, TP Móng Cái đã đầu tư xây dựng 1.148 công trình phục vụ phát triển thương mại du lịch – dịch vụ, các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Các công trình hệ thống giao thông nội thị, giao thông nông thôn, điện, cấp thoát nước, các công trình phúc lợi công cộng đã phát huy hiệu quả góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá làm thay đổi căn bản bộ mặt đô thị và nông thôn.

Ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, hiện nay, TP Móng Cái đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao vì mục tiêu phát triển Móng Cái thành đô thị loại 2 và là thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường; là hạt nhân của Khu kinh tế mở, một trung tâm kinh tế của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Do đó, Móng Cái đang tập trung nguồn lực để xây dựng một số công trình trọng điểm tạo sự đột phá và phát triển bền vững; xây dựng thể chế kinh tế – hành chính theo hướng hội nhập ngang với thông lệ quốc tế, đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch. Đây chính là một trục xương sống quan trọng để Móng Cái phát triển toàn diện, có đủ sức cạnh tranh ở vị thế đối tác với các thành phố khác trong khu vực. Trong bức tranh tổng thể, Móng Cái sẽ phát triển trong hệ thống trục: Móng Cái – Hải Hà – Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng, gắn với việc xây dựng đặc khu kinh tế Móng Cái – Hải Hà với đặc khu kinh tế Vân Đồn (như tinh thần của Đề án phát triển tỉnh Quảng Ninh); phát triển hành lang kinh tế dựa trên khai thác hiệu quả cụm cảng Hải Phòng – Quảng Ninh…

Tin vui một lần nữa lại đến với thành phố vùng biên này khi Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Quyết định 19/2012/QĐ-TTg (ngày 1-6-2012) về việc thành lập Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái. Theo Quyết định, KKT cửa khẩu Móng Cái được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Đặc biệt hơn, trong tháng 12-2012 vừa qua, KKT cửa khẩu Móng Cái lại được chọn là 1 trong 8 KKT cửa khẩu được tập trung đầu tư giai đoạn 2013-2015 theo Đề án "Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015".  Dự kiến, các KKT cửa khẩu sẽ được bố trí hỗ trợ tối thiểu 70% tổng nguồn vốn từ ngân sách trung ương trong kế hoạch hàng năm và trong giai đoạn 2013-2015 cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các KKT cửa khẩu.

Với thế và lực mới trong năm Quý Tỵ 2013, tin tưởng Móng Cái tiếp tục có sự bứt phá, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bá Khang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét