Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Vẫn còn khó khăn để rau an toàn đến tay người tiêu dùng


Sản xuất nông sản sạch theo phương châm "sạch từ ruộng đến bàn ăn" là một trong những tiêu chí được nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản chọn làm giải pháp vừa nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, nhà sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều nhà sản xuất đang đối mặt với những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Bí từ khâu phân phối…

Trung bình mỗi ngày TP Hạ Long tiêu thụ khoảng 1.000 tấn rau xanh nhưng người tiêu dùng (NTD) chỉ có thể mua rau an toàn (RAT) đạt tiêu chuẩn Vietgap tại một số địa điểm ít ỏi. Ngoài việc một số người dân chưa có thói quen mua các loại rau quả sạch thì việc thiếu địa điểm, nhà phân phối cũng là một trong các yếu tố khiến RAT khó đến được với người có nhu cầu mua.

Bà Nguyễn Thị Hà, khu 2, phường Hồng Gai, TP Hạ Long cho biết: Nghe quảng cáo trên các phương tiện thông tin về RAT của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Việt Long (Công ty Việt Long) tôi rất mừng vì từ nay sẽ được dùng rau sạch, không phải lo lắng mỗi khi chọn mua rau nhưng khi tìm đến chợ Hạ Long 1 để mua thì không thấy cửa hàng cũng như địa điểm nào có bán loại rau này. Hỏi ra mới biết, RAT của Công ty Việt Long hiện chỉ bán ở một số điểm như chợ Hạ Long 2, chợ Cột 3 và chợ Cái Dăm.

Rau củ quả an toàn của Công ty Việt Long được bán ở chợ Hạ Long 2.
Rau củ quả an toàn của Công ty Việt Long được bán ở chợ Hạ Long 2.

Không chỉ mình bà Hà khó khăn trong việc đi tìm mua rau sạch, rất nhiều người nội trợ chia sẻ với chúng tôi về nỗi ám ảnh khi hàng ngày buộc phải dùng rau không yên tâm về chất lượng, nhưng muốn tìm mua rau sạch lại quá khó khăn. Nhiều người nhà cách xa cửa hàng RAT đành chọn giải pháp hàng tuần đến cửa hàng mua rau về để tủ lạnh dùng dần như chị Lưu Thị Thanh ở phường Hồng Hà. Tuy nhiên, mua như vậy người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm nhưng rau để lâu trong tủ lạnh không được tươi ngon như lúc mới thu hoạch… Chị Thanh băn khoăn tại sao Công ty Việt Long không đầu tư nhiều địa điểm bán RAT để người tiêu dùng có cơ hội được dùng rau sạch hàng ngày thay vì mỗi tuần mua một lần như bây giờ.

Mang nỗi băn khoăn của người tiêu dùng, chúng tôi đã trao đổi với chị Nguyễn Thu Trang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Việt Long. Theo chị Trang, hiện tại mỗi ngày Công ty sản xuất trên 2 tấn RAT nhưng chỉ tiêu thụ được 1,5 tấn vì đang bí khâu tiêu thụ sản phẩm. Để tìm được địa điểm bán RAT không phải dễ, vì giá cả, rồi địa điểm phù hợp cũng là vấn đề phải quan tâm, bởi lợi nhuận từ việc kinh doanh RAT so với các mặt hàng khác không lớn nên nhiều nhà phân phối không mặn mà với việc bỏ vốn đầu tư địa điểm. Mặt khác, do đặc thù của thị trường, hiện nay các loại rau củ quả chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống chợ truyền thống từ những người bán hàng nhỏ lẻ. Đây là đối tượng phân phối chủ yếu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhưng trên thực tế khi tiếp cận với kênh phân phối này đã thất bại vì họ từ chối bán sản phẩm do Công ty cung cấp. Lý do là họ quen với việc thu mua rau từ các chợ đầu mối, mùa nào rau đó, khi đắt hàng thì bán giá cao, khi ế thì bán lấy vốn, nay bán hàng có nhãn mác đóng gói, bán đúng giá theo quy định sẽ rất khó, trong khi giá lại đắt hơn rau bình thường nên khó bán…

Tới nhận thức của người dân

Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, sở dĩ thực phẩm an toàn chưa thể đến tay NTD là do số đông chưa nhận thức hết giá trị của sản phẩm, trong khi nhà sản xuất chưa đủ tiềm lực để quảng bá, nhà phân phối lại đặt lợi nhuận lên hàng đầu, sản phẩm chưa chiếm được lòng tin của NTD.

Nhiều cơ sở sản xuất RAT phản ánh, hiện nay người trồng RAT rất khó khăn trong việc cạnh tranh với những loại rau không nhãn mác trên thị trường. Theo khảo sát của chúng tôi, giá các loại RAT trên thị trường TP Hạ Long chỉ chênh hơn các loại rau khác trên thị trường khoảng 10% (do chi phí từ đóng gói) nhưng nhiều khách hàng vẫn không mặn mà. Khi chúng tôi hỏi một số bà nội trợ có biết về RAT đang được bày bán trên thị trường Hạ Long? Nhiều người lắc đầu là chưa biết hoặc có nghe nói nhưng theo họ thì cũng chỉ là rau được sản xuất tại các vùng quê như Quảng Yên, Hoành Bồ rồi đem đóng gói, dán nhãn mác RAT mà thôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi đa số khách hàng mua và sử dụng sản phẩm theo thói quen, một số không có điều kiện để sử dụng rau sạch và lý do quan trọng nhất là NTD chưa có niềm tin vào sản phẩm. Đây là những khó khăn cản trở RAT đến được với NTD.

Cần sự chung tay của nhiều "nhà"

Trong khi phần đông người tiêu dùng luôn lo lắng không biết lựa chọn rau an toàn ở đâu, người sản xuất rau sạch không bán được sản phẩm, hiểm hoạ ung thư và các bệnh hiểm nghèo luôn rình rập con người bởi thuốc trừ sâu bị lạm dụng bừa bãi thì một giải pháp bền vững cho nông sản sạch là điều tất yếu phải thực hiện.

Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Công ty Việt Long: Để tìm hướng đi bền vững cho việc tiêu thụ RAT, Công ty đã tìm đến các đối tác lâu dài, ổn định như các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể… Tuy nhiên, hiện nay Công ty cũng chỉ mới ký được hợp đồng với Nhà hàng Lan Hương (Hạ Long), Siêu thị Quảng Long (Cẩm Phả) còn chủ yếu vẫn thông qua các cửa hàng tại các chợ truyền thống. Mong muốn của Công ty là được sự hỗ trợ từ chính quyền về địa điểm bán hàng (đặc biệt trong thời kỳ đầu) và sản phẩm RAT của doanh nghiệp được nhà phân phối quan tâm, NTD ủng hộ.

Để sản phẩm RAT đến được với người dân rất cần sự quan tâm, ủng hộ từ nhiều phía, nhà sản xuất, nhà phân phối và NTD, vì chất lượng cuộc sống của mỗi nhà, của cộng đồng.

Đặng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét