Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Vui khi “cái chữ có trong đầu”


Xuân này, nhiều bà con dân tộc vùng cao ở các xã Yên Than, Phong Dụ, Đông Ngũ (Tiên Yên) vui hơn hẳn khi "cái chữ đã có trong đầu". Từ đầu năm 2012, huyện Tiên Yên đã tổ chức được nhiều lớp xoá mù chữ cho người dân các xã trên. Sau "tốt nghiệp", đã có nhiều người biết đọc, biết viết, biết mang những kiến thức đã học áp dụng vào sản xuất.

Chị Lý Thị Mai, thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ (Tiên Yên) viết, khoe con chữ với chúng tôi.
Chị Lý Thị Mai, thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ (Tiên Yên) viết, khoe con chữ với chúng tôi.

Tới xã Đông Ngũ, hỏi về những lớp xoá mù chữ này, được giới thiệu có nhiều ở các thôn vùng cao như Đồng Mộc, Quế Sơn. Đường vào Đồng Mộc là đường đất, lầy lội, nên chúng tôi phải "bỏ" xe máy từ ngoài đường lớn, đi bộ vào thôn. Gia đình thăm đầu tiên là chị Lý Thị Mai. Chị Mai là học viên rất tích cực của lớp xoá mù chữ, dù lớp học đã kết thúc nhưng chị vẫn tự mua sách về tiếp tục học nâng cao. Khi chúng tôi tới nhà, thấy chị đang ngồi ôn tập những kiến thức đã học. Chị Mai vui vẻ cho biết: "Ngày trước nhà nhiều con, lại là con gái, nên bố mẹ không cho đi học. Tôi không biết đọc, biết viết, buồn lắm. Vừa rồi tôi được Hội Phụ nữ huyện, xã, Trường Tiểu học Đông Ngũ hướng dẫn đến lớp học chữ. Các cô giáo rất nhiệt tình dạy chữ cho bà con, chữ nào bà con chưa hiểu, chưa biết đọc là được chỉ bảo ngay. Bây giờ, tôi đã biết chữ rồi. Tối nào tôi với đứa con út học lớp 6 cũng cùng học bài, có gì không hiểu thì con chỉ cho…". Học được chữ, viết được tên mình là niềm mơ ước của nhiều bà con nơi đây. Chị Mai xúc động kể: Trước do không biết chữ, lúc bị ốm đi khám bệnh, người ta chỉ đi tới phòng này, phòng kia khám mà không biết. Mỗi lần chồng, con ốm, đi mua thuốc uống nhưng không đọc được hướng dẫn sử dụng như thế nào. Nhưng bây giờ biết chữ rồi, đi đâu cũng không sợ nữa. Cũng nhờ biết đọc, biết viết, chị Mai đã mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển trồng lúa và chăn nuôi, hiện nuôi khoảng 20 con lợn, 50 con ngan. Từ khi biết chữ, chị thường tìm đọc những sách hướng dẫn cách nuôi lợn, ngan như thế nào, nên hiệu quả kinh tế cao hơn…. Được sự ủng hộ của chồng, sự giúp đỡ của các con, chị Mai càng hăng say học tập, được bình bầu là học viên xuất sắc nhất lớp. Anh Tăng Văn Thống, chồng chị Mai vui vẻ nói: "Bây giờ, vợ tôi ngoài thời gian đi làm, lúc nào cũng tập đọc, tập viết. Vợ biết thêm nhiều điều thì mình cũng vui hơn nên tôi luôn ủng hộ vợ đi học tiếp…".

Chúng tôi tiếp tục đến thăm một học viên khác của lớp xoá mù chữ ở thôn Đồng Mộc là chị Trạc Sí Múi. Lúc này chị Múi đang chăm sóc đàn lợn hơn 50 con của gia đình, chị vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: "Trước kia chỉ chồng mình biết chữ thôi, nên việc gì cũng chồng làm hết. Vì thế khi Nhà nước mở lớp học chữ, mình xin đi học luôn, chồng cũng ủng hộ lắm. Chồng còn bảo phải chăm chỉ đi học, học được chữ rồi mới biết viết tên mình, sau này còn đi vay vốn về phát triển kinh tế gia đình nữa…".

Theo ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên: Để vận động được người dân tộc vùng cao cho trẻ em đến trường học chữ đã khó, vận động phụ huynh học cái chữ càng khó hơn. Bởi phần nhiều họ tỏ ra e thẹn, ngượng ngùng do tuổi đã cao; cộng với ban ngày đi rừng về mệt… Tuy nhiên, qua nhiều đợt vận động thuyết phục của các tổ chức, đoàn thể, người dân đã thấy được lợi ích của việc biết đọc, biết viết nên đã hăng hái đến lớp học. "Bây giờ chúng tôi không gọi là lớp "xoá mù chữ" mà là lớp "học chữ và nâng cao kiến thức", đúng với ý nghĩa của những lớp học này và cũng không làm những người theo học phải ngại ngùng. Hiện trên địa bàn huyện, những người không biết chữ phần đông là phụ nữ dân tộc vùng cao từ 30-40 tuổi. Do những định kiến xưa mà họ không được đến trường, đến lớp. Huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể cùng phối hợp mở những lớp học này; trong đó, Hội Phụ nữ huyện là đoàn thể tích cực trong công tác này".

Chị Hà Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Yên cho biết, từ năm 2006, Hội mở 2 lớp xoá mù chữ đầu tiên ở xã Yên Than. Ban đầu, việc tuyên truyền, vận động bà con đến lớp không dễ dàng. Nhiều trường hợp học viên không biết vì lý do gì lại bỏ lớp. Cán bộ, hội viên phải đến từng nhà thuyết phục, động viên trở lại lớp. Đến nay, những lớp xoá mù chữ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bà con. Nhiều trường hợp như chị Lý Thị Mai, Trạc Sí Múi… còn muốn được học lên tiếp, đã tự mua sách về học.

Có một thực tế, những người lớn tuổi mới bắt đầu đi học, biết viết, đọc  đã khó, nhưng nhớ được lại càng khó hơn. Vì thế, hiện tượng tái mù chữ vẫn xảy ra. Hy vọng rằng với sự phối hợp, quan tâm của huyện, các ban, ngành, đoàn thể sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con dân tộc vùng cao được biết chữ để nâng cao nhận thức, từ đó có kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Nguyễn Hoa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét