Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Xuân về nhớ Bác


Nếu tính từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi từ giã cõi đời, Bác Hồ đã 7 lần về thăm Quảng Ninh. Tôi không biết mình có lầm không, nhưng không kể miền Nam những năm tháng ấy còn bị chia cắt, thì ở miền Bắc, hình như Quảng Ninh là địa phương được Bác dành cho sự ưu ái đến thăm nhiều nhất. Ngay quê hương Nghệ An, Người cũng chỉ có thể sắp xếp để về thăm được hai lần… Và một điều thật thú vị, trong 7 lần về thăm Quảng Ninh, thì có tới 6 lần Bác về vào mùa xuân. Chỉ có một lần không phải vào mùa xuân, ấy là lần Bác về thăm Quảng Ninh ngày 4-10-1957. Nếu không kể chuyến đi hội kiến với viên Đô đốc Cao uỷ Pháp Georges Thierry d'Argenlieu trên Vịnh Hạ Long, ngày 24-3-1946,  nhằm một việc hệ trọng của đất nước lúc bấy giờ là kéo dài đình chiến với thực dân Pháp để lo củng cố xây dựng chính quyền cách mạng còn đang non trẻ, thì đây là chuyến thăm Quảng Ninh đầu tiên của Người. Và chuyến thăm này thật đặc biệt, bởi sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, cũng mãi tới ngày 14-6-1957, Người mới về thăm quê hương mình sau 50 năm biền biệt cách xa. Để rồi, chỉ ngay sau đó một thời gian ngắn, chưa đầy 4 tháng, Người đã dành cho Vùng Than sự ưu ái này. Điều đó không phải là ngẫu nhiên, nó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người với Quảng Ninh, với Khu mỏ, "Vùng vàng đen" của Tổ quốc…

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại sân trường cấp III Hòn Gai, nhân dịp Người về thăm Quảng Ninh (ngày mùng một Tết Ất Tỵ1965). Ảnh: Tư Liệu
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại sân trường cấp III Hòn Gai, nhân dịp Người về thăm Quảng Ninh (ngày mùng một Tết Ất Tỵ1965). Ảnh: Tư Liệu

Trở lại với câu chuyện về những lần Bác Hồ về thăm Quảng Ninh trong những ngày xuân. Như trên đã nói, ngày 24-3-1946 (tức ngày 21-2 năm Bính Tuất), lần đầu tiên Bác ra Quảng Ninh, đúng hơn là ra Vịnh Hạ Long, là để làm một việc hệ trọng trong hoàn cảnh vận nước đang "ngàn cân treo sợi tóc". Và vì thế, chuyến đi này của Người mang một ý nghĩa khác, không giống những lần sau đó Người về thăm đồng bào, chiến sĩ tỉnh nhà. Đó là vào mùa xuân năm Kỷ Hợi, ngày 23-3 âm lịch (tức ngày 30-4-1959), Người về thăm Mỏ Đèo Nai; vào mùa xuân năm Canh Tý, ngày 24 tháng Giêng (tức 20-2-1960), Người về thăm Móng Cái. Tiếp đó là vào mùa xuân năm Tân Sửu, ngày 25-3 âm lịch (tức ngày 9-5-1961), Người về thăm huyện đảo Cô Tô. Và cũng trong năm Tân Sửu, mùng 6 tháng Chạp (tức ngày 22-1-1962), trong không khí hân hoan chuẩn bị chào đón một năm mới thắng lợi của Khu mỏ, Bác lại về thăm Quảng Ninh, thăm Vịnh Hạ Long. Lần này đi cùng với Người còn có cả Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghec-man – Ti-Tốp…

Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu nặng nhất, xúc động nhất chính là lần Bác về thăm Quảng Ninh vào đúng ngày mùng một Tết năm Ất Tỵ, cách Tết này vừa tròn 4 con giáp… Đây là lần thứ bảy, cũng là lần cuối cùng người dân Quảng Ninh được đón Bác về thăm. Suốt cả đêm ba mươi và ngày mùng một Tết, Bác đã dành trọn thời gian cho Quảng Ninh, đi thăm và chúc Tết, gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Ninh… Ông Vũ Kỳ, là Thư ký riêng của Bác, người từng có nhiều năm gần gũi bên Bác, kể lại: "Chiều  ba mươi Tết, mấy Bác cháu rời Phủ Chủ tịch đi Quảng Ninh theo đường Phả Lại. Bác vẫn mặc bộ quần áo bằng vải ka ki quen thuộc, đầu đội mũ cát và quàng thêm chiếc khăn len che bộ râu để mọi người không nhận ra Bác mỗi khi lên xuống phà hoặc dừng xe dọc đường…". Ông Vũ Kỳ còn kể nhiều kỷ niệm về chuyến đi ấy, mỗi chuyện lại khiến ta rưng rưng xúc động. Từ chuyện đêm ba mươi Tết, ở khách sạn Hạ Long (Bãi Cháy), đến tận 1 giờ đêm Bác vẫn chưa ngủ, ngồi xem lại bài nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ Quảng Ninh trong buổi mít tinh sáng hôm sau tại sân trường Cấp 3 Hòn Gai; rồi chuyện vì không muốn mọi người phải lo đón tiếp long trọng, linh đình, phiền hà quá nên trước khi đi Bác dặn ông Vũ Kỳ chuẩn bị đồ ăn "đủ cho một, hai ngày đường" và trên đường đi, đến bữa, mấy Bác cháu dừng chân,  mở gói cơm mang theo để ăn; hay chuyện Bác nhắc nhở các nhà báo tại buổi mít tinh khi chụp ảnh Bác thì chú ý, đừng đứng che khuất nhân dân đang ngồi ở phía dưới v.v.. Chợt nghĩ, trong cuộc sống hôm nay, những bài học giản dị về đạo đức cách mạng này của Bác vẫn luôn mới, luôn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc mà với bất cứ ai, bất cứ một cán bộ, quan chức nào, dù là to hay nhỏ, đều cần soi vào để suy ngẫm…

Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nẩy lộc, là mùa của sự sinh sôi, phát triển. Trong suốt chặng đường đi lên của lịch sử hôm qua, hôm nay và mai sau, với biết bao mùa xuân ghi dấu những sự kiện trọng đại nhất của tỉnh nhà, chắc chắn với người dân Quảng Ninh, những mùa xuân được đón Bác về thăm sẽ là những mùa xuân đáng nhớ nhất, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người nhất!

Hoàng Long



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét