Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Tăng lương tối thiểu: Phương án 2 hay 1?


Bộ LĐ-TBXH đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các loại hình doanh nghiệp (DN). Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương cần đảm bảo đúng lộ trình; tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ ra, thời điểm các DN đang "lao đao" như hiện nay mà tăng lương thì khác gì "khó chồng thêm khó"…

Bộ LĐ-TBXH đề xuất hai phương án tăng lương tối thiểu. Phương án 1: Mức 2,7 triệu đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, vùng II là 2,4 triệu đồng/tháng, vùng III là 2,13 triệu đồng/tháng, vùng IV là 1,93 triệu đồng/tháng. Phương án 2 lần lượt 2,5 triệu đồng,  2,25 triệu đồng, 1,95 triệu đồng và 1,8 triệu đồng/ tháng.

Công nhân Công ty Taiheiyo ShinJu Việt Nam (Vân Đồn) thực hiện công đoạn sêm trai cấy ngọc.
Công nhân Công ty Taiheiyo ShinJu Việt Nam (Vân Đồn) thực hiện công đoạn sêm trai cấy ngọc.

Ông Lại Văn Chiến, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: Đơn vị đã thống nhất phương án 1. Mức lương tối thiểu của người lao động (NLĐ) trong các loại hình DN đã được tăng trong vài năm trở lại đây, song mới chỉ đảm bảo được khoảng 60% nhu cầu đời sống tối thiểu. Trong khi đó Bộ luật Lao động của nước ta đặt mục tiêu đến năm 2013, lương tối thiểu của NLĐ phải đủ sống, nhưng khó khả thi. Vì thế, Kết luận số 23-KL/TW của Ban Chấp hành T.Ư (khoá XI) về "Một số vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020" đã đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đảm bảo được đời sống tối thiểu cho NLĐ từ lương, lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu từ nay đến 2015 phải hướng đến mục tiêu này. Còn nếu cứ tăng lương nhỏ giọt theo phương án 2 thì cộng thêm trượt giá, đến năm 2015 đời sống NLĐ vẫn không cải thiện được gì.

Cũng theo ông Chiến: Tăng lương tối thiểu như phương án 1, DN sẽ khó khăn hơn, nhưng việc tăng lương theo lộ trình vào ngày 1-1-2013 là phù hợp với niên độ tài chính của DN. Ở Quảng Ninh, hầu hết các DN trả lương cao hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định, nên việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng nhiều đến DN, mà chỉ một chút tăng tiền đóng bảo hiểm cho NLĐ của các DN. Còn nếu không tăng lương thì NLĐ sẽ rất thiệt thòi, bởi chế độ an sinh xã hội từ bảo hiểm thấp cộng với đời sống NLĐ không đảm bảo, dẫn đến tình trạng làm thêm giờ, tăng ca, ảnh hưởng tới sức khoẻ của họ. Bên cạnh việc tăng lương tối thiểu, thì cần phải có các giải pháp đồng bộ, bởi sẽ có nhiều DN "từ cái khó sẽ ló cái khôn", bằng cách cắt đi những khoản phụ cấp để đắp vào lương. Nhưng đây không phải là giải pháp bền vững, mà chỉ gây căng thẳng cho NLĐ, dẫn tới việc NLĐ sẽ bỏ DN bất cứ lúc nào có cơ hội tốt hơn.

Còn theo chị Bùi Thị Thu Huyền, công nhân Công ty Tuyển than Cửa Ông: "Công nhân chúng tôi vẫn luôn nói vui với nhau "lương đi trước, giá lả lướt theo sau". Thực tế, nhiều khi chỉ mới nghe nói tăng lương, thị trường đã rục rịch tăng giá. Những bữa cơm công nhân ngày càng nghèo dinh dưỡng, bởi phải chi tiêu tiết kiệm. Vì vậy, nhiều công nhân đón nhận thông tin tăng lương không mấy phấn khởi. Ai mà chẳng thích tăng lương, nhưng tăng lương thì cần đi kèm với kiềm chế lạm phát, chứ như hiện nay thì cứ tăng lương lại tăng giá, chẳng thà không tăng".

Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TBXH) nhìn nhận: Nếu thực hiện việc tăng lương tối thiểu theo phương án 1 sẽ có lợi cho NLĐ và đảm bảo đúng lộ trình tăng lương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo phương án này sẽ khiến các DN thực sự gặp khó trong giai đoạn hiện nay. Hiện các DN gặp rất nhiều khó khăn, như hàng sản xuất không tiêu thụ được, hàng tồn kho quá nhiều, nhất là các ngành, lĩnh vực thuỷ sản, may mặc, chế biến gỗ, bất động sản… Vì thế, nếu tăng lương vào năm 2013, có thể sẽ có nhiều DN dừng hoạt động hoặc phá sản. Nên thực hiện theo phương án 2 sẽ phù hợp hơn.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thì đồng ý với phương án 2, bởi nhiều DN cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tăng mức lương tối thiểu sẽ dẫn nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, tác động xấu tới việc làm và an sinh xã hội. Khi điều chỉnh tiền lương cần có sự chia sẻ khó khăn với các DN, đặc biệt là tránh việc tăng lương trong thời điểm đa số các DN đang gặp khó khăn, lạm phát, giá cả thị trường, vật liệu hàng hoá tăng cao thì việc tăng lương không khác gì "khó chồng thêm khó", nên cần có biện pháp đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa sản xuất kinh doanh của DN và lợi ích của NLĐ.

Được biết, hai phương án tăng lương tối thiểu nói trên sẽ được Chính phủ quyết định vào cuối tháng 9 này.

Thanh Hằng – Nguyễn Huế



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét