Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Thắp sáng những khát vọng cuộc đời


Ngày càng vững mạnh hơn, vị thế được nâng cao hơn, các cấp Hội Người mù Quảng Ninh đã thực sự mang lại quyền lợi thiết thực cho tổ chức hội, hội viên. Được tham gia nhiều các hoạt động xã hội, hoạt động hội, những người mù đã dần xoá đi mặc cảm tự ti, sống lạc quan, yêu đời hơn, nhiều hội viên đã tạo dựng cuộc sống ổn định, trưởng thành về nhiều mặt, từng bước hoà nhập với cuộc sống gia đình và cộng đồng.

Liên hoan văn nghệ
Liên hoan văn nghệ "Tiếng hát từ trái tim" lần thứ IV do Hội Người mù tỉnh tổ chức.

Chỗ dựa vững chắc cho người mù

Hội Người mù Quảng Ninh hiện có tổng số 993 hội viên, nằm trong 58 chi hội thuộc 11/14 Hội địa phương. Do đặc thù của Hội, công tác lao động sản xuất, giải quyết việc làm, chăm sóc đời sống hội viên được xác định là công tác trung tâm của hoạt động Hội và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong 5 năm qua. Mô hình hội viên kết hợp với người thân tham gia phát triển kinh tế gia đình thu hút được đông đảo hội viên nhất. 5 năm qua, trên cơ sở khảo sát thực tế, Hội đã có kế hoạch xây dựng dự án đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên (từ 3 đến 10 triệu đồng/người). Hội viên nào có nhu cầu vay trên 10 triệu đồng, Hội hướng dẫn làm thủ tục để vay các ngân hàng. Với 525 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm lúc đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ, Hội quản lý 805 triệu đồng, cho 144 người vay vốn. Hầu hết cán bộ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về công tác vay vốn đã nắm vững chế độ, thủ tục, quy trình nên thời gian qua, các dự án đều triển khai an toàn, kịp thời, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hội viên.

Để tăng hiệu quả vốn vay, Hội tiếp tục làm việc và phối hợp với các trung tâm khuyến nông, hàng năm tổ chức từ 7 đến 8 lớp khuyến nông, khuyến ngư cung cấp nhiều tài liệu cho hàng trăm lượt hội viên và thân nhân, góp phần nâng cao kiến thức cho hội viên trong việc chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, cây trồng, áp dụng các tiến bộ KHKT, lựa chọn cây con giống có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với địa phương. Một số hội viên nhu cầu vay vốn thấp chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa, rau màu và làm các ngành nghề thủ công, dịch vụ buôn bán với quy mô và số lượng nhỏ. Nhiều hội viên vay với số lượng vốn cao đã tích luỹ được vốn, kinh nghiệm, biết chuyển dịch cơ cấu, áp dụng KHKT nên đã đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình kinh tế VAC với quy mô và số lượng lớn. Do phát triển tốt kinh tế gia đình, nhiều hội viên đã thoát nghèo, sửa chữa, làm nhà mới, mua sắm đồ gia dụng có giá trị, đảm bảo việc nuôi dạy con cái.

Bên cạnh đó, việc thành lập các cơ sở, tổ nhóm sản xuất kinh doanh tập trung cũng phù hợp với những hội viên trẻ, có sức khoẻ tốt. Hội xác định nghề xoa bóp tẩm quất là nghề chính của Hội nên đã tổ chức được 7 lớp đào tạo cho hơn 100 người, cử 13 hội viên trẻ học các lớp do trung ương Hội tổ chức. Đến nay, hơn 90% hội viên đã đào tạo được bố trí việc làm. Từ 7 cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút được 49 lao động, đến nay đã nâng lên 18 cơ sở, thu hút được 104 lao động, doanh thu năm sau cao hơn so với năm trước hơn 20%; riêng tổng doanh thu năm 2011 đạt 2,284 tỷ đồng. Trong đó, có 4 tổ nhóm sản xuất tiêu thụ tăm tre với 41 lao động thu nhập bình quân gần một triệu đồng/người/tháng; 2 cơ sở do Hội quản lý và 12 tổ nhóm xoa bóp tẩm quất thu hút được 63 lao động, thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Nhân viên xoa bóp không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống mà còn có thể tích luỹ, hỗ trợ gia đình. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên khác hành nghề xoa bóp tẩm quất, sản xuất thủ công, buôn bán nhỏ tại gia đình và cộng đồng.

Đồng hành cùng hội viên

Thể hiện vai trò của mình, các cấp Hội Người mù trong tỉnh tích cực đề đạt và tham mưu trong việc giải quyết các chế độ chính sách cho người mù để cán bộ, hội viên được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Đến nay, 100% hội viên thuộc diện nghèo được hưởng chế độ của nhà nước, 325 đối tượng trong diện hưởng theo Nghị định 67/CP, Nghị định 13/CP; trong nhiệm kỳ đã có 53 gia đình hội viên được giúp đỡ, sửa chữa, làm nhà mới với tổng kinh phí 1,197 tỷ đồng; hàng trăm hội viên được giúp đỡ xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo. Trong 5 năm, Hội tác động với các đơn vị và trích quỹ Hội trợ cấp tặng quà ngày lễ, tết, thăm hỏi khi ốm đau, hiếu, hỷ cho hàng ngàn lượt hội viên, ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em, các hội viên là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn với tổng kinh phí 1,243 tỷ đồng, vượt so với nhiệm kỳ trước 3,15 lần…

5 năm qua, Hội tổ chức được 9 lớp phục hồi chức năng cho 78 hội viên mới, trẻ còn đang trong độ tuổi lao động. Đến nay, 100% cán bộ các cấp hội, hầu hết hội viên trong độ tuổi lao động đã biết đọc, biết viết. Nhiều cán bộ, hội viên trẻ sử dụng thành thạo chữ nổi nên đã nâng cao hiệu quả trong công tác, học tập và học nghề. Hơn thế, nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, hội viên trẻ tiếp cận CNTT, 2 năm gần đây, Tỉnh hội đã mở 4 lớp tin học dành cho người khiếm thị, có 24 cán bộ, hội viên trẻ theo học, 3 cán bộ được cử đi học do Trung ương hội đào tạo…

Cùng với đó, Quỹ từ thiện sách nói cho người mù hàng năm cung cấp cho tỉnh hội và các đơn vị cơ sở hàng trăm ấn phẩm từ sách báo, băng cát sét, đĩa CD đa dạng về nội dung và thể loại. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức sao băng, in đĩa để bổ sung cho tủ sách, đến nay, tỉnh hội và 11 hội cơ sở đều có tủ sách với tổng số 2.092 quyển sách, 2.755 băng. Hàng năm, tỉnh hội cung cấp và cho các đơn vị mượn quay vòng hàng trăm các ấn phẩm. Có 330 hội viên thường xuyên nghe băng đọc sách. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người mù. Để tạo không khí phấn khởi, lạc quan, Hội duy trì hoạt động đều đặn 4CLB, 12 tổ đội văn nghệ với chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Năm 2011, tại Liên hoan "Tiếng hát từ trái tim", Tỉnh hội và 11 đơn vị đã tổ chức thành công từ cấp huyện đến tỉnh; 3 diễn viên của tỉnh đi dự vòng chung khảo tại Trung ương đạt 1HCV, 1HCB.

Bên cạnh phong trào văn hoá, văn nghệ, phong trào rèn luyện TDTT nâng cao sức khoẻ cho người mù tiếp tục được cán bộ, hội viên duy trì nhiệt tình. 5 năm qua, hội tổ chức được 98 buổi hướng dẫn luyện tập thể dục cho 1.206 lượt hội viên, có gần 300 hội viên thường xuyên luyện tập. Nhiệt tình tham gia giải thi đấu thể thao người khuyết tật toàn quốc, Quảng Ninh có hàng chục lượt hội viên tham gia và đoạt 41 huy chương, trong đó có 16HCV.

Với nhiều thành tích xuất sắc, 5 năm qua, các đơn vị, cá nhân trong Hội đã được tặng nhiều Huân chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen, giấy khen của Nhà nước, Chính phủ, UBND tỉnh và các sở, ngành Trung ương và địa phương…

Phan Hằng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét