Những ngày đầu thu này chúng tôi hẹn cùng nhau ngược đường ra biên giới. Đoàn chúng tôi gồm mấy anh em thân thiết, đã từng cùng nhau đi những chuyến đi đầy ngẫu hứng với nguồn kinh phí mình đi thì mình lo. Lần này chúng tôi cũng ngẫu hứng mà đi theo nỗi niềm riêng của mỗi người nhưng tất cả đều có chung một ý nghĩ muốn được đến với vùng đất Đông Bắc Tổ quốc vào những ngày thu đầy sôi động này…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nay đang sống ở Hà Nội – tác giả hai bộ trường thiên tiểu thuyết về đời nhà Lý và đời nhà Trần – muốn tìm lại những "dấu xưa" ở vùng biên giới Đông Bắc Tổ quốc từ hơn năm chục năm về trước, khi ông còn là một phóng viên trẻ của Báo Vùng Mỏ (tiền thân của Báo Quảng Ninh ngày nay). Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đỗ Kha – đồng nghiệp một thời ở Báo Vùng Mỏ với nhà văn Hoàng Quốc Hải, người đã nhiều năm lăn lộn với vùng biên cương vào những năm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng – người bạn đời của nhà văn Hoàng Quốc Hải – một thi sĩ nặng nghĩa nặng tình với sắc màu của núi, của rừng và của những con người sống trọn kiếp người trong mây ngàn gió núi. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Thuyên – nhiếp ảnh gia Quảng Ninh đã giành giải Vàng tại Liên hoan ảnh Nghệ thuật Sông Hồng; bạn đồng hành còn có Hoàng Bích Nga, nguyên là cán bộ Bộ Văn hoá – Thông tin, đã nghỉ hưu và Đỗ Khánh Nam – người cầm lái, cựu lính biên phòng, con trai NSNA Đỗ Kha và tôi…
Ngược dòng Ba Chẽ.
Cửa dòng Ba Chẽ hôm nay trong xanh hơn, mây trắng bồng bềnh trôi phía thượng nguồn. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đứng lặng trước mũi thuyền, mắt ông nhìn đau đáu vào con sóng vỗ bờ. Phải chăng ông đang mơ màng thấy những con thuyền mỏng mảnh mấy trăm năm trước đã đưa vua tôi nhà Trần rẽ sóng ngược dòng Tam Trĩ để rồi luồn rừng tiến về cửa Lục Đầu Giang tìm kế sách phá giặc? Rừng vẫn một màu xanh của lá, nhưng bây giờ không còn là rừng nguyên sinh như xưa nữa, chỉ là những cánh rừng mới trồng chừng mươi năm tuổi, thế cũng là hạnh phúc lắm cho một vùng rừng đã nhiều phen khốn đốn vì lâm tặc hoành hành…
Lớp học ở điểm trường Nà Pò.
Cánh rừng ngập mặn mênh mang, đang con nước cường nên chúng tôi không được ngắm những bộ rễ của những cây sú, cây vẹt, cây đâng cắm sâu vào lòng đất tựa như những người dân nơi đây đã bao đời bám đất bám biển mà đi lên. Nếu cứ được bảo vệ và nuôi trồng tốt thì cánh rừng ngập mặn này vài chục năm nữa biết đâu lại trở thành khu dự trữ sinh quyển của vùng Đông Bắc Tổ quốc…
Bên cột mốc 1317 ở Hoành Mô (Bình Liêu).
Ngược quốc lộ mười tám C, chúng tôi lên Bình Liêu. Con đường đang được nâng cấp cho rộng hơn, bớt cua, bớt đèo hơn. Có những cây cầu bê tông cốt thép vượt sông đang hình thành. Công trường xây dựng ngổn ngang sắt thép, đất đá. Rồi đây thời gian đi từ cửa khẩu Hoành Mô về Hòn Gai sẽ chẳng còn đáng là bao! Tôi cố tìm những dấu vết, những hình hài quen thuộc của con đường trước đây mà chỉ còn thưa thớt lắm, bởi đã đổi thay nhiều quá.
Phiên chợ Đồng Văn.
Thị trấn Bình Liêu đang tưng bừng cờ hoa chuẩn bị cho Phiên chợ vùng cao Bình Liêu. Tôi bị cuốn hút bởi những dòng chữ vàng đậm nét: Đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi; Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; Dùng hàng Việt Nam là yêu nước… Ở mảnh đất giáp biên này hàng nước ngoài tràn sang lấn át hàng nội là điều không tránh khỏi. Những lời kêu gọi dùng hàng Việt làm tôi thấy lòng mình như ấm lại trước sự thức tỉnh về lòng tự chủ của dân tộc mình.
Với tôi, Bình Liêu nặng nhiều duyên nợ lắm. Tôi tìm đến những người bạn đã lâu rồi không gặp. Nhiều người giờ đã là những cán bộ chủ chốt của huyện. Kỹ sư Lý Văn Bình – chàng trai trẻ ngày nào lặn lội ngược đường Khe Mọi, Khe Tiền để thiết kế đập chắn và mương dẫn nước cho đồng bào làm ruộng, bây giờ đã là Trưởng phòng Kinh tế; Lô Văn Chắn đã là phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện. Thầy giáo Nguyễn Xuân Việt giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện… Còn nhiều anh chị em khác nữa vẫn mãi trong ký ức của tôi, các anh, các chị ấy nhiều người đã nghỉ hưu, nhiều người đã sang giữ những cương vị mới.
Chúng tôi ghé thăm đình Lục Nà – ngôi đình được đầu tư xây dựng lại trên nền đất cũ từ năm 2009 – Vị Thành hoàng làng là Hoàng Cần, người đã có công đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân nơi biên ải. Kiến trúc của đình hoàn toàn theo nguyên mẫu những ngôi đình làng ở đồng bằng Bắc bộ chứ không lai tạp văn hóa nước người… Tôi chợt nhớ về mái đình Trà Cổ ở Móng Cái đã có trên năm trăm năm tuổi mà vẫn giữ trọn bản sắc văn hóa Việt, tựa như một cột mốc văn hóa Việt nơi biên ải. Đứng dưới mái đao cong vút của mái đình Lục Nà tôi nghĩ về cái ý chí vươn lên, tự lập tự cường của bao đời con dân đất Việt.
Chúng tôi đến cửa khẩu Hoành Mô. Đứng bên cột mốc 1317 nhìn xuống dòng nước đang lững lờ trôi. Tôi hiểu mỗi người đều có những dòng suy nghĩ của riêng mình. Nhưng hình như ai cũng muốn nói: Non sông đây, bờ cõi đây, bao máu xương đã đổ xuống nơi này!? Tôi thấy vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải – Nguyễn Thị Hồng cùng lặng lẽ để bàn tay mình lên cột mốc biên giới. Có lẽ hiếm cặp vợ chồng nghệ sĩ nào có điều kiện cùng đi và có cùng cái cảm xúc về biên cương, đất nước như thế.
Lần này lên Đồng Văn tôi không còn phải đi bộ như hai chục năm trước nữa. Con đường vành đai biên giới uốn lượn trước mắt tôi như một dải lụa mềm. Tôi nhào xuống xe để chạy lên điểm trường Nà Pò, ngôi trường mà hai chục năm trước tôi đã gặp trên đường đi Khe Mọi, Khe Tiền. Tôi thật sự xúc động nhìn ngôi trường xây kiên cố có ba phòng học. Các cháu đang vào giờ học, thấy tôi đến, tất cả đứng dậy chào. Bàn chân các cháu đã có dép. Áo quần các cháu đã lành lặn hơn. Nền lớp được lát gạch hoa. Điện lưới quốc gia kéo vào tận lớp học. Trên tường có treo ảnh Bác, có đồng hồ điện tử và có dòng khẩu hiệu THI ĐUA DẠY TỐT, HỌC TỐT. Bàn ghế và các trang thiết bị cho một điểm trường miền núi như thế này là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trong tôi bỗng thấy bâng khuâng, có cái gì đó trào lên như nhắc lại điều tôi đã nói từ hai mươi năm trước: Thương lắm các cháu ơi!
Chợ Đồng Văn đã có nhà chứ không thưa thớt nghèo nàn với những lán tranh nứa như xưa nữa. Hôm nay bà con xuống chợ đông vui lắm bởi theo phong tục ngày bảy tháng bảy âm lịch là ngày của cỏ cây hoa lá, mọi việc cầy cấy, nương rẫy, rừng núi đều phải ngừng lại để cây cỏ sinh sôi. Phiên chợ Đồng Văn rực rỡ hơn dưới nắng. Chúng tôi choáng ngợp trước sắc màu trang phục của bà con người Dao. Hai chị trong đoàn mượn chiếc mũ của chị em người Dao đội thử, má các chị đỏ hồng. À thì ra cái sắc hồng của trang phục cũng làm người ta xinh đẹp lên nhiều. Tôi chụp ảnh tới tấp những người mẫu vùng sơn cước mà đã bao lâu rồi tôi vẫn ước ao được gặp đông như thế, nhiều như thế.
Chúng tôi thật bất ngờ trước sự vô tư của những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Các anh chăn nuôi, trồng cấy, hát hò vui như hội. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng mắt ngấn lệ khi đọc bài thơ "Biên giới" cho các chiến sĩ nghe, bài thơ này chị viết khi về thăm biên giới Tây Ninh:
…Ai đếm đong lịch sử
Chỉ cần biết đất này
Các anh đã nằm lại
Tuổi thanh xuân như cây
Trời biên giới thật trong
Mây biên giới thật trắng
Cây biên giới thật xanh
Người biên giới thật thẳng….
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha nhảy và hát với những người lính, ông hồn nhiên như đứa trẻ được trở về nhà mình, tôi chưa khi nào thấy ông vui như thế. Phải chăng trong ông sống lại kỷ niệm về mấy chục năm trước khi còn là phóng viên báo, ông đã từng lặn lội trên nẻo đất biên cương này. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cùng anh em chúng tôi chỉ còn biết đứng vây quanh mà vỗ tay cổ vũ. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng vội vã chép bài thơ "Biên giới" để tặng những người lính biên cương, bởi chị biết rằng cũng khó có dịp quay lại nơi này. Các chiến sĩ nói về công việc thường nhật của người lính, nghe đã biết là gian nan vất vả nhưng mà sao trong giọng nói của các anh cứ thấy vô tư như nói về củ khoai hạt lúa quê nhà. Ngoài vườn, những cây bưởi quả trĩu cành, những cây hồng đỏ rực vì trái đang chín rộ. Những bạt thanh long trồng thử nghiệm đang bám trụ mà vươn lên. Bầy dế được các anh mang tận vùng xuôi lên đang phát triển mạnh, mở ra một loại vật nuôi mới cho bà con nơi biên giới này. Các anh học tiếng của bà con để sống hòa đồng với đồng bào. Bà con sẽ cởi mở hơn, thân thiết hơn và hiểu hơn những gì về quê hương đất nước…
Tôi lặng đứng nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió. Phía xa kia là dòng suối ngăn cách lãnh thổ hai quốc gia. Có tiếng họa mi hót vang trong tán cây trước nhà. Nắng thu dát vàng một nẻo trời biên giới. Trong tôi bỗng vang ngân lời tuyên ngôn bất hủ của cha ông hơn ngàn năm trước: NAM QUỐC SƠN HÀ…
Hoài Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét