Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Tiên Yên nỗ lực tạo việc làm để giảm nghèo


Năm 2011, huyện Tiên Yên là địa phương giảm được tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với trên 1.500 hộ thoát nghèo. Kết quả này có được là nhờ tác động tích cực từ số doanh nghiệp chế biến lâm sản của địa phương tăng mạnh và làm ăn thuận lợi, hơn nữa mô hình kinh tế vườn rừng đã đến kỳ thu hoạch do đã được trồng trước đó từ 5 đến 7 năm. Đây là cơ sở để các chủ doanh nghiệp, chủ rừng có nguồn thu lớn, tiếp tục tái sản xuất, ngoài ra còn tạo thêm nhiều việc làm mới với thu nhập ổn định cho người lao động trên địa bàn.

Theo thống kê của Phòng LĐ-TBXH huyện, những năm gần đây Tiên Yên thường xuyên có khoảng 80 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động ổn định, tạo việc làm với mức thu nhập khá cho trên 3.000 lao động địa phương. Ngoài ra các mô hình kinh tế gia đình như trồng, chăm sóc rừng; thu mua, chế biến lâm sản phụ; vận chuyển lâm sản… cũng tạo việc làm cho trên dưới 500 lao động mỗi năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nằm trong tình trạng kinh tế khó khăn chung, không ít doanh nghiệp nói trên của Tiên Yên cũng bị ảnh hưởng xấu. Do đó, mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực, song các doanh nghiệp cũng chỉ đảm bảo chính sách, chế độ cho số lao động hiện có, còn việc tuyển mới lao động lại diễn ra khá hạn chế. Đối với các mô hình kinh tế gia đình cũng không khả quan hơn, không tạo được thêm nhiều việc làm cho người lao động, hoặc có cũng không ổn định. Theo đó, việc duy trì ổn định, cũng như tiến tới mục tiêu tạo việc làm mới trên địa bàn huyện Tiên Yên gặp không ít khó khăn.

Ông Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên thăm hỏi, tặng quà gia đình mẹ liệt sĩ Đinh Thị Quý, thị trấn Tiên Yên. Ảnh: Tư Liệu
Ông Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên thăm hỏi, tặng quà gia đình mẹ liệt sĩ Đinh Thị Quý, thị trấn Tiên Yên. Ảnh: Tư Liệu

Trước tình hình này, ngoài việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, huyện Tiên Yên tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả, đến thời điểm này huyện đã hoàn thành kế hoạch mở 9 lớp nghề cho trên 300 lao động nông thôn, trong đó 4 lớp nghề đã được khai giảng. Điều đáng mừng là phần lớn các lớp nghề trên đều được mở tại các xã vùng núi khó khăn như Đồng Rui, Đại Dực, Hà Lâu với những nghề phù hợp trình độ, năng lực của bà con và sản phẩm sản xuất ra được thị trường tiêu thụ chấp nhận. Đơn cử như nghề trồng nấm rơm, nấm linh chi, chăn nuôi. Nhờ vậy, số lao động tìm được việc làm và có cơ hội tự tạo được việc làm và thu nhập ổn định đã tăng lên. Tính đến thời điểm hết tháng 8, toàn huyện đã giải quyết được trên 500 việc làm mới cho người lao động.

Để người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững, từ đầu năm đến nay huyện Tiên Yên đã tích cực vận động các xã, thị trấn lập phương án trợ giúp hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Các phương án chủ yếu tập trung huy động đoàn thể, doanh nghiệp trợ giúp hộ nghèo có địa chỉ; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế; giúp hộ nghèo được hưởng lợi từ những chương trình trợ giúp xã nghèo về con giống, kỹ thuật của tỉnh và Trung ương… Đến nay đã có gần 500 phương án trợ giúp hộ nghèo khả thi, trong đó có trên 100 phương án dành cho gia đình chính sách khó khăn. Huyện cũng tích cực đẩy mạnh việc rà soát, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ tiền điện chiếu sáng. Qua đó hiện toàn huyện còn đến 556 hộ có nhu cầu cấp thiết về nhà ở để đảm bảo an toàn và ổn định đời sống. Được biết đến thời điểm này 21 gia đình chính sách đã được hỗ trợ xây, sửa nhà ở, trong đó 7 nhà xây mới, 14 nhà sửa chữa trị giá gần 1 tỷ đồng. Đáng mừng là từ những hoạt động trợ giúp thiết thực trên, hiện trên 200 hộ nghèo của Tiên Yên (đạt trên 50% kế hoạch năm) đã được nâng cao về thu nhập, cải thiện cuộc sống, thoát khỏi mức nghèo theo chuẩn mới. Theo đồng chí Trịnh Kim Yến, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Tiên Yên, với những gì đã và đang triển khai, nhất là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ nay đến cuối năm, Tiên Yên sẽ còn đạt được những kết quả cao hơn nữa trong công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Thanh Bình



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét