Trong các biên bản ghi nhớ với ba tỉnh: Luông Pra Băng, Hủa Phăn, Xay Nhạ Bu Ly của nước CHDCND Lào, tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ hỗ trợ học bổng cho từ 25 đến 30 sinh viên của ba tỉnh theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Và ngày 11-10 vừa qua, tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh, lớp đào tạo tiếng Việt cho sinh viên Lào được khai giảng đã hiện thực hoá cam kết của Quảng Ninh với ba tỉnh nước bạn.
Giờ học của sinh viên Lào tại Trường CĐSP Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Tuấn (CTV)
Nếu nhìn bề ngoài, những sinh viên của Lào cũng giống như bao sinh viên khác của Trường CĐSP Quảng Ninh. Họ cũng trẻ trung, tự tin và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chỉ đến khi trò chuyện với họ mới thấy sự khác biệt bởi rất ít người trong số họ biết tiếng Việt, dù rằng chỉ là những câu đơn giản. Khăm Pheng, 18 tuổi, đến từ tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào cho biết. "Tuy đã học 6 tháng nhưng vốn tiếng Việt của em còn rất kém, đặc biệt là phát âm và thực hành ngữ pháp. Vì vậy em chưa thể học chuyên ngành mỏ mà mình yêu thích. Thực sự, em rất vui khi được sang học tập và sinh hoạt tại Quảng Ninh. Không chỉ được củng cố, nâng cao vốn tiếng Việt, em hy vọng mình sẽ hiểu thêm về văn hoá nơi đây". Khăm Pheng chia sẻ thêm khi mới tới Quảng Ninh, em và các bạn đều rất bỡ ngỡ vì chỉ nói được vài câu tiếng Việt đơn giản. Thế nhưng, được sự chỉ dẫn tận tình của giáo viên và sự giúp đỡ nhiệt tình của chính những học sinh tại trường, Khăm Pheng và các bạn đã thích nghi rất nhanh với môi trường sống, nội quy của lớp và nhà trường.
Được biết, khoá học này gồm có 30 học viên (độ tuổi từ 18-29) đến từ ba tỉnh phía Bắc nước Lào là Luông Pra Băng, Hủa Phăn, Xay Nhạ Bu Ly. Đây đều là những địa phương có mối quan hệ khăng khít, bền chặt với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Với thời gian 10 tháng (từ tháng 10-2012 đến hết tháng 6-2013), học viên Lào không chỉ được học tiếng Việt mà còn được sinh hoạt, tham gia vào các buổi hội thảo, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao tại trường. Thầy giáo Bùi Văn Tân, Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Ninh cho biết: Trường đã bố trí 1 phòng học rộng rãi với nhiều trang thiết bị hiện đại như (máy tính, máy chiếu…), thư viện và khu ký túc xá với 8 phòng ở khang trang, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi cho sinh viên Lào. Không chỉ vậy, nhà trường còn phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cử giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp xuống dạy và sinh hoạt với học sinh, đồng thời truyền đạt kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại trường.
Theo cô Đào Thị Khanh, giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái được cử dạy lớp đào tạo này thì trước khi tới Quảng Ninh, nhiều học viên Lào đã học trình độ cơ bản tiếng Việt 6 tháng nhưng hầu hết vẫn viết sai chính tả và chỉ nói được vài câu đơn giản. Với chương trình giảng dạy tại trường gồm 860 tiết do chính tập thể cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái và Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Ninh biên soạn, học viên Lào sau 10 tháng hoàn toàn có thể yên tâm nghe nói thông thạo, tiếp tục học chuyên ngành các lớp đại học, trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cô Khanh cho biết thêm: "Để củng cố kiến thức ngoài lề cho học viên, tôi gần như thường xuyên sinh hoạt cùng các bạn ngay cả lúc ăn uống, giải lao… Thêm vào đó, vào nhiều tiết học, trường sẽ bố trí các bạn sinh viên tại trường đến kèm cặp, giúp đỡ, bổ trợ, nói chuyện với các học viên Lào để các bạn tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, ứng xử. Thêm vào đó, các thầy, cô giáo tại trường sẽ thường xuyên dự giờ để chúng tôi có thể chia sẻ, truyền đạt các kỹ năng, phương pháp dạy với nhau". Đặc biệt, ngoài hình thức học chính khoá trên lớp (qua việc sử dụng máy tính, máy chiếu, viết bảng), nhà trường sẽ thường xuyên bố trí các buổi sinh hoạt ngoại khoá, tham quan thực tế các địa điểm, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tại Quảng Ninh để học viên Lào được tiếp xúc với những kiến thức bên lề chương trình giảng dạy, giúp các học viên tăng vốn sống, hiểu biết về văn hoá Việt Nam.
Có thể thấy rằng, việc mở lớp đào tạo tiếng Việt cho sinh viên Lào vào thời điểm này có một ý nghĩa rất quan trọng. Bởi năm 2012 là năm đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 5-9 (1962-2012) và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào 18-7 (1977-2012). Hy vọng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hai bên, các bạn sinh viên Lào sẽ củng cố vững chắc thêm cho mình vốn tiếng Việt, từ đó tự tin học tốt chuyên ngành ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Lan Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét