Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Thương mại dịch vụ: Ổn định để "vượt sóng"


Theo đánh giá từ Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt khoảng 27.973 tỷ đồng, tăng 23,9% so cùng kỳ và đạt 74,6% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 thực hiện 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này không phải do nhu cầu tiêu dùng cao mà chủ yếu là do giá xăng dầu, gas và một số mặt hàng thiết yếu tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI 9 tháng đầu năm tăng 6,67% so cùng kỳ năm 2011 là một lý giải cụ thể cho việc này. Trong bối cảnh chung các doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, sức mua yếu, giá cả mất ổn định, ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Quảng Ninh lâu nay có thị trường xuất khẩu ổn định đều phải cắt giảm sản xuất hoặc làm việc cầm chừng do thiếu việc làm. Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp đã phải xem xét lại để tạm dừng, cắt giảm hoặc thay đổi các khoản mục đầu tư.

Do đó, hoạt động thương mại dịch vụ đặc biệt là hoạt động dịch vụ thương mại thu ngoại tệ trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động kinh doanh tại các Trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ truyền thống đều suy giảm.

Hàng hoá phong phú, đảm bảo chất lượng nhưng... vắng khách do sức mua giảm mạnh. (Ảnh chụp tại quầy hàng tiêu dùng siêu thị Quảng Long, TP Cẩm Phả).
Hàng hoá phong phú, đảm bảo chất lượng nhưng… vắng khách do sức mua giảm mạnh. (Ảnh chụp tại quầy hàng tiêu dùng siêu thị Quảng Long, TP Cẩm Phả).

Dự báo những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức: giá nguyên nhiên vật liệu vẫn ở mức cao, sức mua giảm, hàng tồn kho cao, chưa giảm; lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh những khó khăn chung thì hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hoá nhập ngoại. Hội nhập sâu nền kinh tế quốc tế, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các cam kết song phương, đa phương có nhiều nhóm mặt hàng đều được cắt giảm thuế suất xuống 0% và 87 dòng hàng cắt giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 1-2% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc cũng điều chỉnh nhiều dòng hàng giảm thuế suất từ 3-5%, dẫn đến giá thành các dòng sản phẩm nhập ngoại không cao hơn nhiều so với sản phẩm nội địa.  

Do vậy, để các hoạt động dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định đạt được kế hoạch đề ra thì các cấp chính quyền và các ngành chức năng sẽ phải tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Được biết, hiện nay ngành Công Thương đang tích cực xây dựng các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn đối với tình hình hoạt động dịch vụ thương mại thu ngoại tệ tại các Khu kinh tế cửa khẩu… Khuyến khích và kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhất là tại các thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa với các hình thức kinh doanh đa dạng và quy mô phù hợp với từng vùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối và lưu thông hàng hoá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngăn ngừa lạm phát cao.

Thanh Phong



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét