Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Nhiều kết quả đáng khích lệ


Hoành Bồ là vùng đất có bề dày văn hoá với nhiều thôn, làng, bản được hình thành từ lâu đời, là nơi bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo. Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hoành Bồ đã có bước phát triển rõ rệt… Đây là những yếu tố giúp cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) "Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" trên địa bàn có nhiều thuận lợi.

Lấy con người là trung tâm

Trước tiên, xác định nội dung xây dựng con người là nhiệm vụ hàng đầu, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các phong trào như: Xây dựng gương "Người tốt – việc tốt" và các điển hình tiên tiến"; "Thi đua học tập, lao động sáng tạo"; "Khuyến học, khuyến tài"; "Xây dựng nếp sống văn minh"; "Gia đình văn hoá"; "Giữ gìn gia phong dòng họ"; đoàn kết và tương trợ trong cộng đồng dân cư; phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", trong lĩnh vực giáo dục đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng con người mới ngay từ bậc tiểu học… Đến nay, đội ngũ cán bộ của huyện đã dần được trẻ hoá và đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ngày càng được nâng lên. Lao động nông thôn cơ bản đã tiếp thu được các kiến thức và khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thoát khỏi nếp nghĩ, tập quán lạc hậu trong canh tác; đã có hàng ngàn lượt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đến nay không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,6% năm 2001 xuống còn 6,93% năm 2012…

Hội Bằng Cả là nơi lưu giữ bản sắc văn hoá của người Dao Thanh Y được tổ chức thường xuyên hằng năm. Trong ảnh: Thi đẩy gậy tại Hội làng Bằng Cả năm 2012.
Hội Bằng Cả là nơi lưu giữ bản sắc văn hoá của người Dao Thanh Y được tổ chức thường xuyên hằng năm. Trong ảnh: Thi đẩy gậy tại Hội làng Bằng Cả năm 2012.

Thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở các phong trào thi đua từ trên phát động, huyện đã cụ thể hoá theo từng giai đoạn, đến nay, nhiều phong trào đã thực hiện xuyên suốt, ngày càng đi vào chiều sâu. Như việc xây dựng gia đình văn hoá ngày càng ổn định và đạt chất lượng cao; năm 2000, toàn huyện chỉ có 19,7% hộ đạt chuẩn gia đình văn hoá thì đến năm 2012, con số này đã nâng lên 79,2% (8.537/10.784 gia đình). Việc xây dựng làng, khu phố văn hoá được triển khai sớm ở huyện từ năm 1999, đến hết năm 2008, toàn huyện có 82/82 nhà văn hoá thôn, khu hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí xây dựng trên 4 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2012, toàn huyện có 57/82 (69,5 %) thôn khu được cấp bằng công nhận danh hiệu làng văn hoá, tăng 58,5% so với năm 2004; hoàn thành việc xây dựng lại 30 nhà văn hoá theo chương trình nông thôn mới… Phong trào xây dựng "Doanh nghiệp giỏi, cơ quan văn hoá" được triển khai tới 100% các đơn vị với những nội dung cụ thể; hàng năm có trên 98% đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc. Bình quân hàng năm huyện có 90-95% số thôn, khu đạt danh hiệu "Thôn, khu tiên tiến", trong đó từ 5-10% đạt tiên tiến xuất sắc; 60-80% số xã, thị trấn đạt danh hiệu "xã, phường tiên tiến" cấp huyện, trong đó có từ 3-4 đơn vị đạt cấp tỉnh. Riêng năm 2011, có 5/13 xã đạt cấp tỉnh.

15 năm qua, chất lượng giáo dục của huyện được nâng lên với tỷ lệ tốt nghiệp các cấp đạt khá với bình quân 98%; số em đạt giải học sinh giỏi các cấp, đỗ các trường chuyên nghiệp đều tăng; cơ sở vật chất trường học từng bước được chuẩn hoá. Năm 2012 đã có 5/13 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, thị trấn đạt PCGD bậc TH và THCS. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn gần 100%; năm 2012 đã có 8/36 trường đạt chuẩn. Cùng với đó, 15 năm qua đã có hàng nghìn sáng kiến, đề tài khoa học trên các lĩnh vực từ nông nghiệp, giáo dục, ứng dụng CNTT trong quản lý cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, văn hoá, y tế… được thực hiện, góp phần phát triển toàn diện trên địa bàn.

Đầu tư mạnh cho văn hoá

Những năm qua, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xa hoa lãng phí, vụ lợi trong việc cưới xin, ma chay, tế lễ trong nhân dân đã giảm hẳn như: Bỏ tục thách cưới cao, không để người chết quá lâu trong nhà… Cùng với đó, phong trào văn hoá văn nghệ – TDTT được đẩy mạnh, nâng lên cả về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu người dân. Các hội thi, hội diễn, liên hoan được tổ chức tập trung vào khai thác bản sắc văn hoá truyền thống của từng vùng, miền như: Thi trình diễn, thêu may trang phục dân tộc, chương trình "Làng vui chơi, làng ca hát"… Nhiều CLB, tổ, đội văn hoá, văn nghệ từ cấp huyện đến các thôn, khu phát triển rộng khắp và hoạt động có hiệu quả. Định kỳ 5 năm, huyện cũng tổ chức đại hội TDTT cấp huyện, tham gia đại hội TDTT cấp tỉnh đạt nhiều giải cao ở các môn thể thao mũi nhọn của huyện như: Thể thao dân tộc, bóng đá thiếu niên – nhi đồng, chạy việt dã, cờ tướng, bơi vượt sông. Ngoài ra, huyện còn có 3 câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, tennis, 13 CLB thể thao, dưỡng sinh tại các xã, thị trấn; 2 cụm thể thao dân tộc gồm 8 xã hàng năm đã duy trì tốt các hoạt động, trong đó tập trung vào các môn thể thao dân tộc, thế mạnh của huyện.

Hoành Bồ có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Những năm qua, cùng với nhà nước, người dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng để bảo vệ, đầu tư, tôn tạo các di tích như: Chùa Yên Mỹ, đền thờ vua Lê Thái Tổ, đình Trới, Khu căn cứ cách mạng xã Sơn Dương… Bên cạnh đó là hệ thống di sản văn hoá phi vật thể hết sức độc đáo như các lễ hội, các loại hình nghi lễ gắn với đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nghệ thuật thêu may trang phục và tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; một số món ẩm thực, bài thuốc nam… Những năm qua, các di sản này đã được huyện quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng con người mới đồng thời là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới, phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.

Nhằm củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hoá trên địa bàn, huyện đã có nhiều chương trình, kế hoạch tăng cường đầu tư nguồn lực, phương tiện và xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động. Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm nâng tỷ trọng ngân sách chi cho các hoạt động văn hoá – thể thao hàng năm tăng theo nguồn thu trên địa bàn; quan tâm quy hoạch sử dụng đất cho các công trình; tranh thủ sự đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia trang bị các phương tiện phục vụ hoạt động nhà văn hoá, thiết bị truyền thanh, mạng lưới điện quốc gia và xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em…

Phan Hằng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét