1.001 kiểu buôn lậu
Càng những ngày cuối năm, cuộc chiến chống buôn lậu của lực lượng Hải quan Quảng Ninh nói riêng, ngành Hải quan cả nước nói chung đều đi vào giai đoạn căng thẳng và quyết liệt.
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Hải quan Móng Cái, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các tuyến đường biên thuộc địa bàn TP trong năm qua diễn biến rất phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn không theo bất cứ quy luật nào. Mặc dù các lực lượng chức năng cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên, nhưng do lợi nhuận cao nên bọn buôn lậu tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn để đưa các mặt hàng như: Mỹ phẩm, dầu nhờn, thuốc lá điếu, đồ chơi bạo lực, đồ điện tử, điện thoại di động, rồi đến cả linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, gia súc gia cầm… vào nội địa. Điều đáng nói là, các mặt hàng thẩm lậu, đặc biệt là mỹ phẩm, điện thoại di động thật và… giả, nhái nhãn mác các hãng, thương hiệu nổi tiếng, thời thượng rất đa dạng về chủng loại, bắt mắt về mẫu mã; giá cả lại rất rẻ, trên bao bì còn có cả tem phụ và tem… chống hàng giả, nên hầu hết được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Càng gần Tết, mặt hàng nhập lậu nóng nhất phải kể đến là gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, chủ yếu là gà loại thải, siêu trứng từ Trung Quốc, mang theo rất nhiều mầm bệnh, vì trong thời gian đẻ trứng, gà được tiêm rất nhiều loại thuốc để kích thích đẻ, lượng tồn dư độc tố tìm thấy trong gà thải khá cao. Tuy nhiên, do chênh lệch giá quá "khủng" (từ 8 – 10 lần) nên các chủ hàng bất chấp mọi thủ đoạn để nhập lậu loại gà này.
Theo chân lực lượng hải quan len lỏi qua các khe núi, lách mình qua những khe hẹp giữa các hòn đá dọc 2 bên cánh gà của Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 thuộc Hải quan Quảng Ninh, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm của những người được thuê vận chuyển hàng lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam, cùng với đó là sự vất vả và cũng nguy hiểm không kém của cán bộ hải quan. Có những chỗ chỉ vừa 1 người đi, nhưng ai vác thuận vai trái mới đi qua được, còn vác bằng vai bên phải thông thường thì bị ngã nhào, bỏ xác dưới vực ngay lập tức.
Vậy mà, dân vác hàng thuê vẫn ngày đêm "miệt mài" qua nơi này mỗi khi vắng bóng lực lượng hải quan. Đối tượng lợi dụng các đường mòi lối mở, dùng người rồi dùng xe máy vận chuyển trốn qua 2 cánh gà của Trạm Kiểm soát liên hợp Km15, rồi sau đó tập kết lên xe tải, xe khách chạy tuyến Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Cẩm Phả rồi tỏa ra Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định…
Nghề nguy hiểm
Muốn vận chuyển hàng lậu từ Móng Cái vào sâu trong nội địa phải qua ít nhất 3 chốt chặn, đó là Chi cục Hải quan Móng Cái, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 và Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 – Bến Tàu Dân Tiến.
Công việc của các cán bộ, chiến sĩ hải quan nơi tiền tiêu Tổ quốc thực sự vất vả và nguy hiểm. Do các chuyến hàng lậu có giá trị kinh tế lớn, nên chủ hàng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để cướp lại hàng, để trốn trách nhiệm và để phi tang vật chứng, thậm chí sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng nhằm đạt được mục đích.
Anh Phạm Văn Tính, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát liên hợp Km15, cho biết: "Chủ hàng lậu thường xuyên dùng các thành phần bất hảo từ các địa phương khác, hay đối tượng nghiện hút, HIV đến gây cản trở việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Là lãnh đạo của Trạm nên tôi thường xuyên nhận được những tin nhắn, những cuộc điện thoại đe dọa có; xin xỏ, hối lộ có; tung tin nhảm không đúng sự thật cũng có… Trước những thủ đoạn như vậy, anh em chúng tôi không hề nao núng, dao động, mà luôn phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khác như công an, biên phòng, quản lý thị trường… để cùng giải quyết triệt để từng vụ việc…".
Anh Lý Trần Tuấn, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 1 – một "gạo cội" trong ngành, chia sẻ: "Mùa sương mù, đi tàu tuần tiễu, chống lậu ban đêm trên đường sông, đường biển là khổ nhất, nhìn thấy vệt đèn pin của tàu mình nhưng chỉ trong tích tắc là không xác định được phương hướng tàu mình đâu. Có những lúc, chạy xuồng máy quanh quẩn xung quanh tàu mà không biết tàu đâu để cập vào. Bản thân tôi bị 1 lần như thế, phải mất 45 phút mới tìm vào được với tàu của mình…".
Nhớ lại lần "hút chết" cách đây vài năm, anh Lý Trần Tuấn cho biết, khi đó đi biển chưa có thiết bị ra đa, trên thuyền chỉ có bản đồ và la bàn. Trên 1 chuyến tàu tuần tra từ Hòn Gai lên Cẩm Phả vào đêm trời mù, lúc đó, theo trí nhớ của anh, khu tiếp bờ có 1 vạt núi đá nhô ra mà sao thuyền trưởng cứ cho tàu chạy thẳng. Anh cam đoan và quả quyết phía trước có núi đá. Và, khi dừng được tàu thì chỉ cách vách núi vỏn vẹn khoảng… 20m, mọi người vã mồ hôi hột…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét