Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Chăm lo cho các đối tượng chính sách


Thành phố hiện đang quản lý và thực hiện chính sách đối với 14.750 đối tượng người có công, trong đó có trên 1.250 gia đình liệt sĩ, hơn 1.170 thương, bệnh binh, hàng trăm cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng, người có công giúp đỡ cách mạng; cùng hàng vạn người tham gia kháng chiến được hưởng các chế độ của Nhà nước… Thời gian qua, bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, của tỉnh, những đối tượng người có công trên địa bàn còn được quan tâm và thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi riêng.

Cán bộ y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương, bệnh binh trên địa bàn.
Cán bộ y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương, bệnh binh trên địa bàn.

Thành phố đã dành riêng một quỹ đất để cấp cho các gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở; đồng thời xét miễn giảm tiền sử dụng đất cho các đối tượng. Trong gần 2 năm trở lại đây, thành phố đã cấp đất cho gần 50 đối tượng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hàng chục hộ với số tiền hàng trăm triệu đồng; chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng chính sách. Thành phố thường xuyên rà soát mức sống các đối tượng hưởng chính sách để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các hình thức hỗ trợ. Từ đầu năm 2011 đến nay, thành phố đã đề nghị tỉnh cho gần 800 đối tượng có công với cách mạng đi nghỉ điều dưỡng; xem xét, giải quyết 5 hồ sơ thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 2 hồ sơ cựu chiến binh; hỗ trợ phí mai táng trên 50 thân nhân người có công với cách mạng… Cùng với nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ 495 triệu đồng, thành phố còn đầu tư 374 triệu đồng để tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, Việt Hưng. Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, thành phố đã tổ chức thăm, tặng quà cho 4.962 đối tượng chính sách, trị giá gần 700 triệu đồng; vận động các doanh nghiệp, đoàn thể, đơn vị tặng 5.671 suất quà, trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh thực hiện các chế độ trợ cấp ưu đãi đảm bảo đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng chính sách, mọi chế độ chính sách ưu đãi khác cũng được địa phương quan tâm thực hiện chu đáo. Nhờ đó đời sống gia đình người có công với cách mạng ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn thành phố có 99,7% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân địa phương, nhiều gia đình có mức sống khá, giàu.

Để đạt được những kết quả này, Hạ Long đã có nhiều cách làm thiết thực. Trong đó phải kể đến là thành phố đã huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng chung tay giúp đỡ những người có công, đưa việc làm này trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá của nhân dân trên địa bàn, tạo thành những phong trào thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu và mang nhiều ý nghĩa nhất là phong trào "Toàn dân chăm sóc đời sống cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ" do Phòng LĐ-TBXH thành phố triển khai. Từ phong trào này, các con thương binh, con liệt sĩ, con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học còn đang đi học, bên cạnh được hưởng trợ cấp hàng tháng, còn được hưởng chính sách ưu đãi trong GD-ĐT. Chỉ tính gần 2 năm trở lại đây, thành phố đã hỗ trợ cho gần 400 cháu với số tiền trên 1,2 tỷ đồng.

Từ năm 2005 đến nay, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo nhân dân và các tổ chức kinh tế trên địa bàn, đã quyên góp được gần 1,3 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã góp phần quan trọng hỗ trợ các gia đình chính sách gặp khó khăn, xoá nhà ở dột nát, xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách. Nhiều phường trên địa bàn còn có những cách làm riêng để vận động gây dựng nhiều loại quỹ giúp đỡ những đối tượng có công trên địa bàn, như các phường Hồng Hải, Hồng Hà, Bạch Đằng, Bãi Cháy… Nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn như Công ty Đầu tư Thương mại Hạ Long, một số đơn vị thuộc Vinacomin và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác đã có nhiều hình thức đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng có công. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Hội CCB, Hội Nông dân… đã phát động hội viên tích cực hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực, như giúp đỡ ngày công; tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ; chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ già yếu neo đơn; xây nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; nhận đỡ đầu, giúp đỡ con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ cây, con giống… Tiêu biểu như Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam – dioxin thành phố đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn hỗ trợ trên 200 triệu đồng để xây mới 5 nhà tình nghĩa cho thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Vào các dịp lễ, tết, từ thành phố đến các phường, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà với số tiền hằng trăm triệu đồng.

Hoài Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét