Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Trên công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2


Đến công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, nhà máy điện đốt than xây dựng theo hình thức BOT đầu tiên tại Việt Nam, ấn tượng đầu tiên đó là công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công. Anh Nguyễn Xuân Lập, kỹ sư an toàn cho biết: Công tác an toàn của dự án luôn được chủ đầu tư quan tâm số 1, tất cả công nhân khi mới vào làm việc đều phải học khoá huấn luyện an toàn, sau đó đều có công nhân cũ kèm cặp từ 3 ngày đến 1 tuần. Trên công trường cứ 75 công nhân có 1 giám sát an toàn theo đúng tiêu chuẩn của Mỹ. Sau đó anh Lập yêu cầu chúng tôi tham gia khoá học an toàn trong vòng 20 phút, đây là yêu cầu bắt buộc, bất cứ khách là ai khi vào công trường đều phải học lớp an toàn.

Các kết cấu thiết bị đều được làm sạch trước khi đưa vào lắp đặt.
Các kết cấu thiết bị đều được làm sạch trước khi đưa vào lắp đặt.

Chúng tôi cùng chị Phạm Thị Thuý Hà, cán bộ đối ngoại và quan hệ cộng đồng (Chủ đầu tư) đi thăm công trường Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, đây là một nhà máy nhiệt điện đốt than được đầu tư theo hình thức BOT đầu tiên và lớn nhất cho tới nay được thực hiện tại Việt Nam. Khó mà tưởng tượng được những đổi thay và sự cố gắng lớn lao của hàng nghìn công nhân lao động và cán bộ quản lý của nhà máy nếu bạn không đến đây hàng ngày. Hơn một năm trước, nơi này chỉ là bãi đất được san gạt nay đang mọc lên một nhà máy hiện đại gồm hai tổ máy có công suất mỗi tổ là 560MW với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Được đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn AES (Mỹ), Posco Power (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc) theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51, 30, 19%. Ở thời điểm chúng tôi đến bắt gặp một không khí lao động khẩn trương tích cực của những người thợ. Trên công trường là bản hợp ca âm thanh với tiếng xe vào ra, tiếng khoan bê tông, tiếng va chạm của các thiết bị được lắp đặt… Từng tốp thợ các đơn vị thi công cần mẫn với phần việc của mình. Hiện trên công trường, số người nước ngoài đang làm việc là 232 và người Việt Nam là 3.727 người. Đến nay việc thi công xây dựng đạt trên 7,3 triệu giờ công an toàn không xảy ra tai nạn.

Anh Nguyễn Duy Quảng, kỹ sư phụ trách thi công hệ thống điều khiển giám sát nhà máy nhiệt điện cho biết: Đây là dự án nhiệt điện lớn thứ 3 trên địa bàn tỉnh mà anh làm việc, nhưng đến dự án này anh thấy từ nhà đầu tư, đến nhà thầu chính đều rất coi trọng công tác an toàn, chuyên nghiệp cho đến những chi tiết nhỏ nhất, vì vậy chất lượng của dự án đạt rất cao. 2 mốc quan trọng của dự án là lắp đặt bao hơi tổ máy số 1 và 2 đến nay đã hoàn thành. Nồi hơi công nghệ cao được xem là trái tim của một nhà máy nhiệt điện, nồi hơi sẽ tạo ra hơi nước làm quay các tuabin để sản xuất ra điện. Đây là điểm nhấn quan trọng trên công trường nhiệt điện, bởi việc lắp đặt bao hơi là một trong những điểm mốc quan trọng quyết định tiến độ lắp đặt lò hơi nói riêng và tiến độ của cả dự án nói chung. Không những thế, 2 nồi hơi này được sản xuất tại Việt Nam. Đây là nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng có các thành phần chính, bao gồm cả nồi hơi "Made in Vietnam" do đội ngũ công nhân lành nghề của Việt Nam tại Doosan Vina thiết kế, chế tạo. Nồi hơi công nghệ cao do Doosan Vina thiết kế và chế tạo tại KKT Dung Quất. Hiện Tổng thầu EPC thuộc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam và các công ty thành viên đang thực hiện công đoạn lắp ráp hệ thống khử khí và ốp tường cho tuabin số 1; lắp đặt kết cấu thép của tuabin số 2;  lắp đặt lò lửa cho lò hơi số 1; lắp đặt kết cấu thép phụ cho lò hơi số 2; thi công phần cơ khí cho ống khói; đổ bê tông cho khu xưởng nhà kho; lắp đặt bể chứa amoniac; thi công phần móng và dựng kết cấu thép cho khu vực chứa than; đổ bê tông lót khu vực cửa vào kênh nước làm mát; thi công khu vực cảng nhập dầu nhiên liệu và đá vôi… Ông Eun-Hwan Bae giám đốc công trường quản lý dự án cho biết: Dự án này có đến 17 nhà thầu phụ với hơn 3.000 công nhân Việt Nam, lúc đầu mới làm việc họ gặp nhiều khó khăn do yêu cầu khắt khe về an toàn cũng như yêu cầu cao trong kỹ thuật của chủ đầu tư, nhưng đến thời điểm này họ đang trở nên rất chuyên nghiệp, điều này góp phần đáp ứng dự án về đích đúng tiến độ đặt ra.

Âm thanh rộn rã trên công trường nhiệt điện Mông Dương 2 những ngày này thể hiện quyết tâm của hàng ngàn cán bộ kỹ sư, công nhân lao động, tiến tới đích phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014. Và tổ máy số 2 theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động 6 tháng sau đó (tháng 6-2015). Khi nhà máy đi vào hoạt động vận hành thương mại ước tính sẽ tạo ra 7,6 tỉ kWh điện hàng năm.

Trung Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét