Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Giải “bài toán” chuyển cột điện hạ thế


Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt là một trong số 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Song ở Đông Triều hiện có 12/19 xã đang đứng trước tình trạng thiếu kinh phí để di chuyển các cột điện để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Và việc cột điện nằm giữa đường đang gây không ít bức xúc và khó khăn cho người dân.

Cột điện nằm giữa đường như thế này gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. (Ảnh chụp tại xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều).
Cột điện nằm giữa đường như thế này gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. (Ảnh chụp tại xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều).

Có thể thấy, thời gian qua phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông tại Đông Triều được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều hộ gia đình dù khó khăn vẫn tích cực tham gia vì diện mạo chung của xã. Thế nhưng, sau khi đường được mở rộng theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn mới thì lại xuất hiện tình trạng các cột điện đứng sừng sững, hiên ngang giữa lòng đường. Việc tồn tại rất "vô duyên" của nó đã gây không ít khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông và luôn là mối nguy hiểm rình rập. Chính quyền xã và người dân thừa nhận bất lực trong việc thiếu kinh phí để di chuyển cột điện. Theo báo cáo UBND huyện Đông Triều tại 12/19 xã, có 967 cột nằm trong đường giao thông nông thôn cần di chuyển. Trong đó, những xã có số lượng cột điện cần di chuyển khá lớn như: Bình Dương (206 cột); Xuân Sơn (227 cột); Bình Khê (214 cột); Yên Đức (99 cột). Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đông, Trưởng Phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương cho biết: "Ngay sau khi nhận được báo cáo và đề xuất của UBND huyện Đông Triều, Sở Công Thương đã báo cáo UBND tỉnh, đồng thời phối hợp cùng với UBND huyện Đông Triều và Điện lực Đông Triều tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tại hiện trường trên địa bàn các xã. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra chỉ có 3/12 xã là Bình Khê, Nguyễn Huệ và Tân Việt có quy hoạch đường giao thông nông thôn. Do vậy, bước đầu mới xác định được chính xác vị trí cột, tuyến đường dây cần di chuyển tại 3 xã với quy mô và tổng mức đầu tư như sau: Xây dựng mới 130 cột; 5.323m đường dây hạ áp; 2.076m đường dây sau công tơ và 136 hòm công tơ với tổng mức đầu tư là 3,1 tỷ đồng. Để có thể di chuyển, thay mới toàn bộ gần 1.000 cột điện thì huyện Đông Triều cần lập quy hoạch chi tiết đường giao thông nông thôn tại các xã còn lại và huyện cũng cần chủ động dự trù, bố trí nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới trong việc di dời cột điện".

Theo tính toán như trên của ngành Điện, với 130 cột, chi phí đã trên 3 tỷ đồng. Như vậy, ngoài chi phí mở rộng đường thì chi phí để di dời cột điện cũng không hề nhỏ. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đông Triều cho biết: Khó khăn lớn nhất từ huyện đến xã là vấn đề kinh phí để thực hiện, năm 2013 nguồn vốn huyện được phân bổ để xây dựng nông thôn mới là 43 tỷ đồng (giảm 32 tỷ đồng so với năm 2012). Trong đó, huyện sử dụng gần 50% cho hỗ trợ sản xuất và 50% cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Mà kinh phí để di dời gần 1.000 cột điện ít nhất cũng mất hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi rất mong muốn, thời gian tới huyện tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành để địa phương sớm khắc phục những khó khăn, bất cập trên cho người dân".

Như vậy, để bảo đảm tiêu chí điện nông thôn trên diện rộng, theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Thiết nghĩ, không chỉ riêng huyện Đông Triều mà những địa phương khác cũng cần tính toán dự trù nguồn kinh phí và chỉ đạo các xã sớm hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết đường giao thông nông thôn. Để từ đó, ngành Điện có cơ sở lập khảo sát thiết kế lên phương án di dời để bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Hoàng Nga



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét