Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Tổ chức hợp lý mô hình chính quyền địa phương từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh


Trong chính thể Nhà nước ta, chính quyền nông thôn hay đô thị đều là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, do đặc điểm, đặc thù, tính chất và yêu cầu quản lý các lĩnh vực, các mặt của đời sống kinh tế – xã hội trên hai địa bàn dân cư lãnh thổ đó có sự khác nhau nên hệ quả của sự khác nhau đó là phải thiết kế mô hình quản lý khác nhau mới phù hợp.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thành lập nước, đã ký hai sắc lệnh riêng để quy định về hai mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn (xã, huyện, tỉnh theo sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945) và mô hình tổ chức chính quyền ở địa bàn đô thị (thành phố, khu phố theo sắc lệnh số 77/SL ngày 21-12-1945).

Nghị quyết Đại hội Đảng X trang 170 có ghi "tổ chức hợp lý chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị", Nghị quyết T.Ư 5 (khoá X) cho phép thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường.

Thế nhưng, trong thực tế hiện nay, các quy định pháp lý hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị được quy định giống nhau (Hiến pháp năm 1992, sửa đổi 2001), Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 không phân biệt mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo tính chất đặc thù các vùng khác nhau. Chính mô hình tổ chức quản lý giống nhau đó đã dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay chính là phải nhận thức rõ đặc điểm, đặc thù của đô thị và sự khác nhau về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trách nhiệm của chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để lựa chọn mô hình tổ chức và cách thức điều hành cho phù hợp.

Từ thực tế Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước có 4 thành phố trực thuộc tỉnh và đang đề xuất với Trung ương thành lập 2 đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt Móng Cái và Vân Đồn, tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong đó có TP Hạ Long. Tôi xin tham gia ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị.

Nói đến đô thị là nói đến các đặc điểm cơ bản:

- Mỗi đô thị dù nhỏ hay lớn đều chỉ là một đơn vị hành chính lãnh thổ thống nhất, không thể chia cắt về lãnh thổ, kết cấu hạ tầng và các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn mỗi đô thị. Đặc điểm này quy định nội dung, phương thức quản lý Nhà nước ở đô thị và chi phối trực tiếp mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo hướng tập trung, thống nhất không được phân cắt thành nhiều tầng, cấp khác nhau; quản lý điều hành ở các hoạt động kinh tế – xã hội phải thống nhất, xuyên suốt, nhanh nhạy và có hiệu lực cao.

- Dân cư đô thị được hợp thành từ nhiều vùng, miền khác nhau, không có sự gắn kết chặt chẽ theo dòng tộc, cộng đồng tự quản như ở nông thôn; sinh hoạt và làm ăn hàng ngày họ không bị giới hạn khép kín theo phạm vi hành chính phường, quận; trình độ dân trí, tác phong, nếp sống công nghiệp, yêu cầu nâng cao chất lượng cả về đời sống vật chất và tinh thần cũng như môi trường điều kiện sống cao hơn, nhịp độ cuộc sống đô thị năng động phát triển, yêu cầu đảm bảo trật tự công cộng, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội cao. Đặc điểm này đòi hỏi chính quyền đô thị phải có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm quyết định các vấn đề kinh tế – văn hoá – xã hội và các yêu cầu của người dân đô thị.

- Mỗi đô thị đều là một trung tâm, đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế – xã hội của một địa phương hoặc một vùng, khu vực nhất định. Các đô thị có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh, năng động đi đôi với phức tạp hơn trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Điều đó đặt ra các thách thức và yêu cầu cao đối với chính quyền đô thị trong quản lý nhà nước cũng như cung ứng dịch vụ công.

Chính quyền đô thị phải hết sức tập trung, thống nhất, điều hành giải quyết công việc và các đòi hỏi bức xúc của người dân năng động, nhanh nhạy.

Tại Quảng Ninh, các đô thị có những đặc thù như TP Móng Cái có cửa khẩu Quốc tế và 132,8km đường biên giới đất liền với nước CHND Trung Hoa, đối diện với thị xã Đông Hưng (thuộc tỉnh Quảng Tây) là một trong 3 điểm khai phát của đất nước Trung Hoa rộng lớn; Cẩm Phả là thành phố công nghiệp giàu than, điện, xi măng; TP Uông Bí với các cơ sở công nghiệp cùng di tích cấp Quốc gia đặc biệt Yên Tử – Trung tâm phật giáo lớn nhất nước; TP Hạ Long có Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới…

Từ những đặc điểm, đặc thù đó, yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị cần: Trước hết xác định việc tổ chức các đơn vị hành chính – lãnh thổ ở đô thị phải đảm bảo tính thống nhất, liên thông, không phải chia cắt về mặt lãnh thổ của một đô thị, kết cấu hạ tầng (như điện, đường, cấp thoát nước, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường), kiến trúc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo trật tự trị an. Các đơn vị hành chính thuần tuý trong nội bộ đô thị (phường, quận) không thể tự đề ra và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển riêng. Điều đó có nghĩa là nội dung, nhiệm vụ và phương thức quản lý nhà nước cũng như tổ chức mạng lưới cung ứng dịch vụ công phải được thực hiện một cách tập trung, thống nhất trên quy mô toàn đô thị. Do đó ở đô thị chủ yếu áp dụng phương thức tản quyền, tổ chức theo khu vực dân cư và uỷ quyền cho các cơ quan hành chính cấp dưới trong việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức cung ứng dịch vụ công.

Về cơ cấu tổ chức: Không nhất thiết phải tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính mà chỉ có ở cấp toàn đô thị (cấp thành phố), có nơi chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính đại diện – cấp có chức năng, thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, điều hành theo chế độ thủ trưởng với chức năng chủ yếu là thực thi một số nhiệm vụ được uỷ quyền và giám sát việc chấp hành luật pháp, chính sách trên địa bàn, đóng vai trò như cánh tay nối dài của cơ quan hành chính cấp trên.

Hoạt động của Chính quyền đô thị: Phải áp dụng chế độ thủ trưởng hành chính để quản lý, điều hành thông suốt, nhanh nhạy, thống nhất với hiệu lực, hiệu quả cao; thiết lập cơ chế điều hành, phối hợp thực sự khoa học, nhịp nhàng giữa các cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp việc, áp dụng có hiệu quả các phương pháp quản lý hiện đại và cung ứng dịch vụ công tiên tiến.

Phân biệt sự khác nhau về chức năng nhiệm vụ quản lý của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn là để xác định mô hình tổ chức thích hợp tôi xin kiến nghị:

Một là, cần đưa vào Hiến pháp khái niệm chính quyền địa phương để có cơ sở pháp lý ở tầm hiến định mô hình tổ chức chính quyền đô thị và mô hình tổ chức chính quyền trên địa bàn nông thôn trong chương của Hiến pháp nói về chính quyền địa phương.

Hai là, cho phép Quảng Ninh thực hiện thí điểm hai đặc khu hành chính Móng Cái và Vân Đồn với việc tự chủ xây dựng thiết kế cấu trúc, quy mô hành chính phù hợp.

Ba là, tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tỉnh được thực hiện tự chủ tài chính, có cơ chế đặc thù tuyển dụng và đào tạo cán bộ và bổ nhiệm nhân sự hành chính, thực hiện các chế độ tài chính phù hợp trên địa bàn tỉnh. Vận dụng cơ chế tự đào thải trong bộ máy hành chính khi các cơ quan,  đơn vị, đội ngũ nhân sự không đáp ứng yêu cầu hành chính.

Bốn là, thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương như các địa phương khác nhưng có cơ chế đặc thù xử phạt vi phạm hành chính.

Năm là, thực hiện mô hình hành chính khi thay đổi lãnh đạo, người đứng đầu theo cơ chế "thị trưởng" có quyền quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ nguồn nhân lực hành chính, đặc biệt là bộ phận giúp việc trực tiếp, có như vậy mới đảm bảo tính thông suốt, thống nhất khi lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý hành chính nhà nước, tính ê kíp hoàn chỉnh theo hướng tích cực khi triển khai các chiến lược công, các kế hoạch, chính sách công trên địa bàn đặc thù.

Nguyễn Thị Hồng Oanh, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét