Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Hỗ trợ triển khai các dự án phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn


Sau một năm thực hiện hỗ trợ 15% nguồn vốn ngân sách thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) để phát triển sản xuất, tình hình sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn đã có bước chuyển biến mạnh mẽ được đông đảo người dân quan tâm, tìm hiểu. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh về việc tiếp tục triển khai nguồn vốn này trong thời gian tới.

- Để thúc đẩy sản xuất phát triển và đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM, năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định dành 15% nguồn vốn của chương trình để hỗ trợ triển khai các dự án phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, xin đồng chí cho biết việc triển khai nguồn vốn này trong thời gian qua như thế nào và đã đạt kết quả nổi bật gì trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển?


 

+ Do nhận thức nâng cao thu nhập là "gốc" nên hầu hết các địa phương rất coi trọng công tác này. Bước vào thực hiện năm kế hoạch 2012, Quảng Ninh đã có bước chuyển mạnh mẽ trong quan điểm, hướng chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM, đó là tập trung phát triển sản xuất, coi đó là trọng tâm trong công tác xây dựng NTM, là nền tảng để thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Theo đó, tỉnh đã dành 15% nguồn vốn ngân sách cho chương trình xây dựng NTM (75 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt 330/340 dự án với tổng mức đầu tư 229.257 triệu đồng, gồm vốn NSNN: 97.516 triệu đồng, bằng 42,5% (trong đó vốn chương trình NTM của tỉnh là 74.735 triệu đồng, TP Cẩm Phả, Uông Bí tự cân đối 1,4 tỷ đồng, Móng Cái 5,8 tỷ đồng); vốn đối ứng của dân, doanh nghiệp: 131.741 triệu đồng, bằng 57,5%. Ngoài các dự án hỗ trợ thuần tuý theo Nghị định 02/2010 về chính sách khuyến nông, có một số dự án mang tính điển hình thể hiện mối liên kết 4 nhà như dự án sản xuất rau an toàn xã Cộng Hoà, Quảng Yên do Công ty Việt Long làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 104 tỷ đồng, vốn NSNN 23,2 tỷ đồng (chiếm 22,3%). Dự án trồng mía đường, chè ở Hải Hà đã có sự chủ động từ các doanh nghiệp phối hợp với người dân để thực hiện. Nhiều dự án thực hiện sản xuất tập trung như trồng thanh long ruột đỏ, cam V2, nấm ăn, rau an toàn, hoa cao cấp, ba kích, nuôi cá điêu hồng, rô phi đơn tính, tôm thẻ chân trắng, cá song, ngao hoa, chăn nuôi trâu, lợn rừng sinh sản, nuôi lợn hướng nạc ở các địa phương cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 12,5 triệu đồng/năm lên 14 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,89% (năm 2011) xuống còn 3,68% (năm 2012).

- Trong quá trình triển khai có gặp những hạn chế, khó khăn gì, thưa đồng chí?

+ Mặc dù vậy, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất còn một số mặt hạn chế, tiến độ thực hiện nguồn vốn so với chương trình cả năm còn chậm, ảnh hưởng tới tính thời vụ của một số vật nuôi, cây trồng. Về loại hình hỗ trợ, cơ bản các địa phương triển khai mới chỉ tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trình độ đơn giản, chưa có các dự án lớn hàm lượng công nghệ cao; chưa có dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến công trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn. Một số mô hình mới chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ hiệu quả đầu ra như chim trĩ, chồn nhung đen. Kỹ thuật nuôi đối với vật nuôi mới chưa đảm bảo nên tỷ lệ sống ở các mô hình chồn nhung đen, cầy hương, chim trĩ đạt thấp. Về quy mô, cách thức hỗ trợ, cơ bản các địa phương thực hiện hỗ trợ mô hình qua hộ gia đình là chính, hỗ trợ qua tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) còn rất ít. Có địa phương hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp đó lại không có liên kết với hộ nông dân nên chưa tạo được tính xã hội cao trong hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân, trong khi nhiều hợp tác xã, tổ chức  kinh tế đóng vai trò cầu nối về kinh tế giữa Nhà nước với nông dân gần như chưa tiếp cận được với chương trình. Nguyên nhân của sự hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, song cơ bản là do còn thiếu quy hoạch sản xuất cụ thể, quy hoạch sản phẩm chủ lực của địa phương, các huyện chưa có sự chuẩn bị và bố trí danh mục các dự án sản xuất.

- Năm 2013, việc triển khai thực hiện nguồn vốn này sẽ được triển khai như thế nào và có điểm gì mới không, thưa đồng chí?

+ Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thì cần căn cứ quy hoạch tổng thể sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiệp của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở quy hoạch các sản phẩm chủ lực, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thu hút các tổ chức kinh tế vào đầu tư sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung, xoá bỏ dần hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khép kín trong từng hộ gia đình. Sở NNPTNT, Ban Xây dựng NTM thực hiện việc kiểm tra, giám sát ngay từ khi phân bổ kế hoạch vốn và có sự thống nhất với các địa phương về danh mục các dự án hỗ trợ sản xuất nhằm đạt mục tiêu của tỉnh về sản xuất hàng hoá tập trung theo vùng, khu vực và theo chương trình lớn của tỉnh. Đối với các dự án sản xuất nông nghiệp mang tính xã hội cao cần phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, xây dựng cơ chế liên kết 4 nhà, những dự án có mức đầu tư lớn thì cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp. Các huyện, thị xã, thành phố tập trung, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn phát triển sản xuất, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM. Tuỳ điều kiện, trình độ cán bộ của cấp xã, các địa phương tiếp tục thực hiện phân cấp cho cấp xã theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6-2010 để tăng cường tính sáng tạo và chủ động ở cấp xã. Tập trung củng cố và phát triển các hợp tác xã, tạo điều kiện và đưa HTX làm cơ quan trung gian, điều phối hoạt động sản xuất ở các xã để các dự án sản xuất đi vào diện rộng, nhiều hộ dân được hưởng lợi. Những mô hình, điển hình có hiệu quả, cần có sự đánh giá, triển khai mở rộng sản xuất đi liền với tính toán đầu ra cho sản phẩm. Thí điểm hình thức chuyển nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất vào Quỹ hỗ trợ nông dân cho các hộ vay, hạn chế hỗ trợ sản xuất mà không thu hồi lại vốn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Hữu Việt (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét