Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn (LĐLĐ tỉnh): Hiệu quả, thiết thực


Trung tâm Tư vấn pháp luật (TVPL) Công đoàn (LĐLĐ tỉnh) có chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin pháp lý phục vụ công tác pháp luật của công đoàn; tư vấn, hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho tổ chức công đoàn, CNVC-LĐ; phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên công đoàn, CNVC-LĐ… Sau gần 2 năm đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc tư vấn, bảo vệ, nâng cao trình độ kiến thức cho CNLĐ.

Đồng chí Đỗ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh), phổ biến và tư vấn pháp luật cho CNVC-LĐ huyện Tiên Yên, tháng 6-2012.
Đồng chí Đỗ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh), phổ biến và tư vấn pháp luật cho CNVC-LĐ huyện Tiên Yên, tháng 6-2012.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn

Thực hiện Nghị quyết số 4 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới", trên cơ sở Văn phòng TVPL LĐLĐ tỉnh được thành lập và hoạt động từ năm 2004, BTV LĐLĐ tỉnh đã thành lập Trung tâm TVPL công đoàn vào tháng 6-2011. Trung tâm có sự tham gia của 7 thành viên là những người có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật, nhất là pháp luật lao động, đang làm việc trong các cơ quan tư pháp, Sở LĐ-TBXH, BHXH tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh… Thường trực LĐLĐ tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cho Trung tâm hoạt động, nhờ đó cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đến nay, Trung tâm đã thực hiện 526 cuộc tư vấn pháp luật kết hợp với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lưu động, tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho CNVC-LĐ tại các doanh nghiệp (DN), các tổ tự quản khu nhà trọ CNLĐ, khu công nghiệp vào giờ hành chính, ngày nghỉ và buổi tối; các hội nghị, lớp tập huấn… Qua đó đã tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hàng nghìn lượt chủ DN, cán bộ công đoàn các cấp; kiện toàn 21 tổ TVPL công đoàn ngành, LĐLĐ cấp huyện, 312 tổ TVPL cơ sở; 100% các tổ TVPL có tủ sách pháp luật. Mạng lưới TVPL tại các cấp công đoàn được tập huấn kỹ năng, phương pháp tư vấn. Năm qua, LĐLĐ tỉnh đã vận động các DN ủng hộ xây dựng được 110 tủ sách pháp luật đến tận CĐCS, bình quân mỗi tủ sách có gần 100 tài liệu pháp luật. Thông qua hoạt động tư vấn, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của CNVC-LĐ, giúp NLĐ hiểu được quyền lợi hợp pháp và trách nhiệm của mình trong cơ quan, DN.

Xây dựng mối quan hệ hài hoà trong doanh nghiệp

Việc Trung tâm TVPL công đoàn ra đời đã góp phần tích cực tư vấn và phổ biến pháp luật cho NLĐ, tư vấn giải quyết các vụ đình công, tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho CNVC-LĐ, xây dựng mối quan hệ hài hoà trong DN. Năm qua, Trung tâm đã tư vấn giải quyết thành công 7 vụ đình công, tranh chấp lao động. Điển hình là vụ ngừng việc tập thể một ngày của 87 công nhân Công ty TNHH MTV Thực phẩm cà phê Di Nhiên (Hạ Long), do lương thấp; vụ đình công nửa ngày của 120 lao động Công ty Đất Hiếm (100% vốn nước ngoài), KCN Việt Hưng, do chưa đảm bảo đúng chế độ tiền lương, định mức lao động, đơn giá sản phẩm, làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, ăn ca của NLĐ. Sau khi Trung tâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, chủ sử dụng lao động đã giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách cho NLĐ; đồng thời tư vấn cho chủ DN cách giải quyết, ổn định tinh thần, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Tuy nhiên, qua tư vấn lưu động, Trung tâm cũng phát hiện việc thực hiện pháp luật lao động, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị, DN vẫn còn hạn chế và hình thức, nhất là các DN ngoài khu vực nhà nước. Còn nhiều vụ việc NLĐ bị vi phạm về quyền lợi. Trong khi vai trò công đoàn tham gia với tư cách đại diện theo pháp luật tại Toà án Lao động ít, thậm chí còn chưa hiểu, ngại va chạm; hoạt động của tổ TVPL một số nơi chưa hiệu quả, không ai biết và không có người đến tư vấn; kiến thức về pháp luật của cán bộ tổ tư vấn còn nhiều hạn chế… Vì vậy, theo nhiều cán bộ làm công tác TVPL công đoàn, để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, tuyên truyền, bảo vệ NLĐ, đội ngũ này cần được chuyên sâu; các luật sư của tổ chức công đoàn thường xuyên được tập huấn trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia tố tụng tại toà cho NLĐ; tăng cường biên chế tại Trung tâm TVPL, nhất là có cơ chế cụ thể HĐLĐ với các luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ và tổ chức công đoàn tại toà án…

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục thí điểm mở rộng, thành lập các chi nhánh Trung tâm TVPL ở nơi có đông CNLĐ và nhiều CĐCS; chuẩn bị tốt lực lượng và sẵn sàng tham gia uỷ quyền hoặc tham gia đại diện theo pháp luật tại toà án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ và tập thể NLĐ; tăng cường tập huấn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến NLĐ và cán bộ CĐCS; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, chú trọng đội ngũ TVPL về kỹ năng tư vấn và tham gia tố tụng tại toà; phấn đấu đến hết năm 2015 có 100% cán bộ chuyên trách làm công tác TVPL…

Thanh Hằng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét