Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Giữ ấm cho học sinh vùng cao Ba Chẽ


Không được may mắn như đa phần học sinh vùng xuôi, trong mùa đông này, vẫn còn biết bao học sinh vùng cao không đủ áo ấm để mặc, không đủ chăn ấm để chống lại những cơn giá rét đến "cắt da, cắt thịt". Thế nhưng, riêng với huyện Ba Chẽ, nhờ sự quan tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh nơi đây đã được đảm bảo đủ ấm khi đến trường.

Từ nguồn xã hội hoá và tận dụng những nguồn chi khác, Trường PTDTBT - THCS Đồn Đạc (Ba Chẽ) mua áo ấm và chăn len cho học sinh.
Từ nguồn xã hội hoá và tận dụng những nguồn chi khác, Trường PTDTBT – THCS Đồn Đạc (Ba Chẽ) mua áo ấm và chăn len cho học sinh.

Liên tục theo dõi thời tiết

Trước khi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) – THCS Đồn Đạc (Ba Chẽ), hình ảnh về những cô, cậu bé học sinh vùng cao bắt chuột ăn trong ngày giá rét hay những thân hình bé xíu mặc phong phanh một hai chiếc áo mỏng, chân đi đôi dép lê được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cứ ám ảnh mãi trong chúng tôi. Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại trường, mặc dù thời tiết ngoài trời lúc này đã gần 15 độ C nhưng vì độ ẩm cao cộng với sương mù dày đặc lan toả xung quanh lớp học nên chúng tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh ê buốt của những cơn rét đậm trước đó. Đón chúng tôi, Thầy giáo Nguyễn Sỹ Đoàn, Hiệu phó nhà trường nói: "Những ngày này, nhà trường luôn theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh để quyết định cho học sinh nghỉ học. Chúng tôi luôn bố trí lực lượng trực để quản lý những học sinh (không thuộc diện bán trú, đi về trong ngày) không nắm được thông tin do nhà trường thông báo mà vẫn đến trường, để đảm bảo mọi hoạt động hành chính của nhà trường diễn ra bình thường trong những ngày rét đậm, rét hại".

Tìm hiểu về nhà trường, chúng tôi được biết, Trường PTDTBT – THCS Đồn Đạc hiện có 179 học sinh, trong đó có tới 111 học sinh bán trú. Vì thế, công tác chăm lo, giữ ấm đảm bảo sức khoẻ cho học sinh bán trú là một trong những nhiệm vụ được nhà trường ưu tiên hàng đầu trong những ngày giá rét. Dạo quanh khu nhà bán trú và bếp ăn của nhà trường, chúng tôi bắt gặp những cô cậu bé đang cần mẫn phụ giúp cô nấu ăn bê củi để đốt bếp và nấu nước tắm. Nhìn những thân hình nhỏ xíu (của những cô cậu bé học sinh lớp 8, lớp 9 nhưng chỉ như học sinh tiểu học) vác đống củi nặng trĩu trên vai, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Em Đặng Thị Hồi, lớp 9A nói: "Những ngày này thời tiết lạnh hơn nên cũng tốn nhiều củi hơn để nấu nước tắm. Trước đây thì 2 tuần một lần, chúng em mới mang củi thêm để đốt bếp nhưng những đợt rét đậm, nước lâu sôi nên cứ mỗi tuần chúng em mang củi đến trường một lần để có đủ củi dự trữ đun nước tắm". Hỏi thăm một số thầy cô giáo trong nhà trường chúng tôi biết rằng, do lượng củi đun không đủ, vào những ngày cuối tuần, các thầy, cô giáo trong trường đã phải huy động một số em học sinh gần trường gánh thêm củi là những đầu gỗ thừa ở một số công trình xây dựng còn dang dở…

Chung tay giữ ấm cho học sinh

Một điều khó khăn mà hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Ba Chẽ nói chung đang phải đối mặt đó là địa bàn có học sinh cư trú trên địa bàn khá rộng. Đơn cử như các trường: PTDTBT – THCS Đồn Đạc, PTCS Nam Sơn (Ba Chẽ), không ít học sinh có nhà cách trường tới hơn 20 cây số. Trong khi đó, đời sống của người dân ở khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Đồn Đạc trên 60%, trong đó có thôn Lang Kang, Nước Đừng, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn là 100%; còn xã Nam Sơn có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 trong toàn huyện. Do vậy, việc huy động phụ huynh đóng góp, hỗ trợ cho việc ăn, ở của học sinh nội trú là điều rất khó.

Xác định khó khăn này, ngay từ đầu mùa đông, các trường trên địa bàn huyện đã chủ động huy động nguồn xã hội hoá từ các cá nhân, doanh nghiệp và tận dụng những nguồn chi khác của trường để dự trữ gạo, mì tôm, góp phần tăng khẩu phần ăn, mua áo ấm và chăn len cho học sinh. Đơn cử như ở Trường PTDTBT – THCS Đồn Đạc, đối với học sinh bán trú, nhà trường hỗ trợ mỗi em 1 chiếc áo khoác (tổng số là 111 chiếc với trị giá khoảng 200.000 đồng/chiếc), mua thêm hơn 40 chiếc chăn lông (trị giá 250.000 đến 350.000 đồng/chiếc). Với số chăn mua thêm và có sẵn, nhà trường vẫn bố trí đủ cho mỗi giường (gồm 2 học sinh) có đủ 2 chăn ấm (một chăn lót dưới và một chăn đắp). Và để hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo chỗ ở cho học sinh bán trú, hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu nhà bán trú 2 tầng cho học sinh (với 8 phòng ngủ). Hay như Trường PTCS Nam Sơn, cách đây hơn nửa tháng, Báo Quảng Ninh và các nhà tài trợ đã ủng hộ số tiền 115 triệu đồng để giúp cho học bán trú dân nuôi của trường được cải thiện bữa ăn. Gần đây nhất, Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long cũng trao tặng 30 suất quà gồm chăn ấm và học bổng cho học sinh nhà trường, trị giá khoảng 13 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Huệ, Phó Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Ba Chẽ cho biết: "Ngay từ đầu mùa đông, chúng tôi đã ra công văn chỉ đạo nhà trường đã chủ động đối phó với những cơn rét đậm, rét hại. Các trường phải rà soát toàn bộ cơ sở vật chất và tuyệt đối không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời khi rét đậm. Nếu học sinh đi học muộn do điều kiện bất khả kháng vì thời tiết thì thầy cô giáo trong các nhà trường vẫn phải thu xếp để các em được vào lớp học. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh huy động xã hội hoá để việc chống rét, giữ ấm cho học sinh trên địa bàn huyện được triển khai hiệu quả hơn".

Có thể thấy, việc giữ ấm cho học sinh vùng cao trong những ngày giá rét là rất quan trọng, điều này giúp cho các em có đủ sức khoẻ sinh hoạt, học tập theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Thời gian tới, theo dự báo sẽ còn nhiều đợt rét khác, vì thế các trường học vùng cao cần tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, phối hợp với địa phương, các bậc phụ huynh để công tác chống rét cho học sinh đạt hiệu quả.

Lan Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét