Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Đầu xuân đi lễ hội...


Mùa xuân là mùa của lễ hội, trong đó nhiều nhất là đi lễ tại các đền, chùa. Người ta đi lễ hội vừa để du xuân vãng cảnh, vừa là hành hương, lễ phật, lễ thần thánh cầu sức khoẻ, cầu tài, cầu lộc trong dịp năm mới. Tôi cũng hoà vào dòng người rộn ràng đi hội ấy để cảm nhận muôn mặt của lễ hội với nhiều nét đẹp và cả chưa đẹp đang hiện hữu…

Chùa Long Tiên (TP Hạ Long) là nơi thu hút đông đảo người dân đi lễ đầu năm.
Chùa Long Tiên (TP Hạ Long) là nơi thu hút đông đảo người dân đi lễ đầu năm.

Những điều trông thấy

Đã thành một thói quen, hầu như năm nào cũng vậy, qua giao thừa là mấy anh chị em đằng nội nhà tôi í ới gọi nhau đi chùa Long Tiên (TP Hạ Long) lễ Phật; lúc về thường cầm theo cành lộc hái bên đường và đôi quả bóng bay cho con trẻ… Tôi là dân "ngụ cư" ở đây, lại vốn không mấy sính lễ lạt chùa chiền nên thường đứng ngoài những chuyến đi của mọi người; nhưng năm nay, đám trẻ đã lớn hơn, ông xã lại chưa đi chùa như thường lệ, đồng thời để có thực tế cho bài viết này nên chiều mùng Một Tết, chúng tôi đưa cả gia đình cùng đi. Không biết có phải vì tiết trời trong sáng, thoáng gió rất đẹp hay không mà trời ơi, ngàn ngạt người là người, già có, trẻ có, nam thanh, nữ tú có; không kịp rẽ đám đông hỏi thăm nhưng cứ nhìn qua tôi cũng nhận ra đến hàng chục người quen đang đi lễ chùa cùng gia đình. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bà nội đám trẻ chép miệng: "Sáng nay còn không chen được mà vào thắp hương ấy, đông lắm!". Còn ông xã vốn có "thâm niên" đi chùa Long Tiên thì bảo đó là thói quen của rất nhiều người, giao thừa và những ngày đầu năm có khi tới 90% người dân Hạ Long đến đây ấy chứ!

Quả là đông thật, tôi nhìn các ghế đá xếp quanh sân chùa đều chật người ngồi, hình như cũng giống tôi, các gia đình đều phải chia ra, người đi thắp hương, đặt lễ, người quản trẻ con. May thay, sân chùa không khí ngột ngạt mùi khói hương nhưng vào hẳn bên trong nơi thờ tự thì thoáng sạch hơn hẳn bởi hầu hết người đi lễ đã làm đúng quy định không thắp hương trong chùa. Trong lúc chờ đợi ông xã thắp hương và để tránh đường cho người đi lễ, tôi đứng sát vào một góc tường ngắm những bức tượng lớn của chùa. Các khay đựng tiền giọt dầu đặt bên dưới các ngài liên tục có khách đi lễ thả tiền vào. Chợt một bà già đang ngồi ngơi bên cạnh tôi lên tiếng: "Lần sau đi chùa không được ăn mặc như thế này cháu nhé?". Tôi quay ra, thấy cô gái trẻ mặc váy xoè ngắn vừa bị nhắc nhở tròn xoe mắt nhìn bà cụ vẻ không vừa ý; chẳng nói chẳng rằng cô nguây nguẩy đi tiếp vào sâu trong chùa… Len ra ngoài chỗ gần bàn ghi công đức và đặt bảng sao chiếu mệnh cũng đông nghẹt người, gặp người bạn cũ tôi tranh thủ hỏi dăm câu ba điều nhưng tàn tro từ lò đốt vàng hương tận góc cuối đang cháy rừng rực cứ bay mù mịt, khắp cả đầu tóc, quần áo, tôi đành chào vội bạn rồi quay ra.

Đi chùa Long Tiên được nhiều người dân Hạ Long "tín", lại vừa gần vừa tiện, nhưng không thể thiếu trong hành trình du xuân, đi lễ của nhiều người còn có đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Mùng 3 Tết, tôi hẹn chị gái ở Cẩm Phả đi đền Cửa Ông nhưng chị khước từ: "Chưa, nhà chị phải đi từ chùa Phả Thiên chỗ bà nội là phật tử ở đấy rồi mới đến đền Cửa Ông, sau đó thì xuôi luôn sang Vân Đồn đi chùa Cái Bầu. Năm nào cũng thế, mấy anh chị em rủ nhau đi, thường mất cả ngày trời cơ chứ không đi chốc lát rồi về đâu… Mà dì đi thì cẩn thận túi xách, điện thoại đấy nhé". Đành vậy! Hôm nay thời tiết lắc rắc mưa xuân chứ không khô ráo như lần trước, vậy mà dòng người đi đền vẫn tốp nọ nối tốp kia, lư hương đặt ở sân chính điện nghi ngút khói, mặc dù người cắm vào vừa xong đã có người quơ một vòng gạt ra đem hoá. Tôi dắt con qua khu bên cạnh dưới gốc đa lâu năm tránh mùi khói cay xè vẫn không thoát. Một lát, cậu con trai nhỏ của tôi đã kêu: "Mẹ ơi, con cay mắt quá, con không thở được…". Đi lễ đền, chùa lẽ thường là phải thắp hương; gần đây việc cấm thắp hương ở nội tự đã đem lại hiệu quả tốt để người người đi lễ không còn mắt nhắm, mắt mở chui vào thắp xong nén hương, khấn xong chui ra thì cứ như vừa khóc xong. Vậy nhưng, cứ thắp ở ngoài sân như những ngày cao điểm người đi lễ thế này có vẻ cũng đem lại không ít phiền toái…

Rộn ràng lễ hội Tiên công ở Hà Nam (TX Quảng Yên).
Rộn ràng lễ hội Tiên công ở Hà Nam (TX Quảng Yên).

Cần hơn ý thức khách đi hội

Quảng Ninh những năm gần đây được biểu dương trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Điều đó là đúng khi đến nhiều lễ hội, hẳn ai cũng dễ dàng nhận thấy là hàng quán dù dày đặc nhưng khá trật tự, có mời chào nhưng không chèo kéo, giá cả có cao hơn ngày thường nhưng cũng không quá "chặt chém". Như giá vé gửi xe máy là 10.000 đồng, ô tô là 30.000 đồng, có người "xi nhan" cẩn thận; một thẻ hương là 5.000 đồng; hai chiếc xúc xích là 20.000 đồng; bóng bay thì 15.000 đồng/quả v.v.. Mức giá này nhiều người cho là "được" vì "ngày lễ, tết mà!". Khâu tổ chức khá bài bản, chu đáo mà thể hiện rõ nhất là việc đảm bảo vệ sinh môi trường khá sạch sẽ cũng như giữ gìn an ninh trật tự vốn phức tạp ở những nơi đông đúc thế này. Nói về cách làm của ban tổ chức lễ hội đền Cửa Ông, chị Nguyễn Thị Bích Thương, Phó Chủ tịch UBND phường cho hay: "Những ngày đầu năm nay trung bình có 8 đến 10 nghìn khách/ngày đi lễ ở đền. Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường đặc biệt được quan tâm. Nhóm làm vệ sinh ở đây có 10 người thường xuyên thu gom rác trên này rồi chuyển xuống dưới; chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Tuấn Đạt đảm bảo đưa toàn bộ số rác đó chuyển đi. Cùng với đó là việc tuyên truyền trên loa đài thường xuyên để nâng cao ý thức của người đi hội. Đảm bảo an ninh trật tự thì có công an thành phố, công an phường, đội bảo vệ trật tự đền, lực lượng trật tự viên rồi đoàn thanh niên phường phối hợp trong vòng khoảng 2 tháng hội…".

Quản lý tốt là cần thiết rồi nhưng rõ ràng, ý thức của người đi hội vẫn là quan trọng nhất. Thắp hương bao nhiêu là đủ, vất rác đúng nơi, đúng chỗ, không quá câu nệ việc lễ lạt, sử dụng dịch vụ gì… chỉ có khách đi hội mới làm được, nhất là ở chốn phố xá đô hội dễ phát sinh nhiều phức tạp. Những điều ấy thường được giảm thiểu ở các hội làng, tôi cảm nhận rõ điều ấy khi về Quảng Yên, vùng đất vốn dày đặc các lễ hội mùa xuân, nhất là khu vực Hà Nam để tìm tư liệu cho bài viết này. Theo chân mẹ chồng (bà sống ở Hạ Long hơn chục năm nay nhưng gốc ở Hà Nam), tôi về chùa Hưng Linh (phường Nam Hoà) vào ngày hội chùa mùng 4 Tết, cũng là chùa mở hội sớm nhất ở đây. Không khí thanh bình, gần như không hàng quán, cũng không quá đông nhưng vẫn ra chất hội hè. Trận bóng đá thiếu niên tổ chức trên sân đất có lẽ là điểm nhấn sôi động nhất trong ngày hội chùa. Còn các bà, các chị sau khi làm lễ thì người xa, kẻ gần gặp nhau chuyện chùa, chuyện nhà, chuyện làng nước như không dứt được ra. Ngôi chùa đang được xã hội hoá xây dựng lại; nhiều người dịp này về làng thong thả đi thăm chùa cứ tấm tắc khen đẹp, khen bề thế, quy mô…

Sau chùa Hưng Linh, mùng 5 là hội chùa làng Đông, mùng 6 hội chùa La, mùng 7 hội miếu Tiên Công, mùng 9 hội chùa Giữa Đồng, mùng 10 hội đình Cốc v.v.. Hàng loạt các chùa, đền, miếu ở vùng đất lễ hội này nô nức vào hội xuân. Dù giản dị như các hội chùa làng hay ở quy mô cả làng đảo, đông đúc nhất như hội miếu Tiên Công thì tính chất hội làng vẫn rất rõ nét, mộc mạc, thuần phác. Còn hôm nay, mùng 9 tháng Giêng là khai hội xuân Yên Tử sẽ mở đầu cho một hội xuân lớn và kéo dài nhất trong các lễ hội ở Quảng Ninh. Còn nhiều, nhiều lễ hội đền, chùa, đình miếu khác nữa đã, đang và sẽ diễn ra trong 3 tháng mùa xuân…

Mùa xuân là mùa của lễ hội, tâm lý thường thấy của con người xuân đến là đi hội chùa, hội đình, gặp chùa là vào thắp hương, lễ Phật cầu mong những điều tốt đẹp cho cả một năm… Đó là nét đẹp văn hoá, cũng thuận với lẽ thường khi đất trời mùa xuân phơi phới, lòng người cũng cởi mở hơn, hoan hỉ du xuân, tham gia lễ hội. Vậy nhưng mong rằng, bên cạnh sự nỗ lực của những người quản lý, tổ chức lễ hội, mỗi khách đi hội hãy có ý thức hơn trong việc thắp hương, giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như tham gia các hoạt động lễ hội khác cho một mùa hội xuân vui tươi, thật sự lành mạnh.

Ngọc Mai



1 nhận xét:

  1. Có nhiều phương pháp tìm việc làm thêm ở nhà đến cho dân công nghệ đã sử dụng ngày nay như qua sự quan hệ xung quanh, tìm đến thông qua báo đài, trực tuyến online,.. trong này cách tìm việc làm trực tuyến đã dùng đến cao nhất đó là tìm việc làm trực tuyến online, phương án này đã mang tới việc làm đến cho không nhỏ người, vì vậy tìm việc làm thêm trực tuyến đã được nhật xét hơn hẳn trong số các cách tìm việc làm hiện nay
    https://timviec365.vn/
    https://timviec365.vn/viec-lam-tai-dak-lak-c0v32

    Trả lờiXóa