Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Pò Hèn còn mãi khúc ca


Pò Hèn còn mãi khúc ca

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979

Biên giới vững, đất nước sẽ ổn định

Giữ vững độc lập, chủ quyền là khát vọng ngàn đời của dân tộc

Địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Những ca khúc viết về mảnh đất này dành nhiều ngợi ca về Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Anh Hoàng Văn Lợi (trái), em trai liệt sĩ Hồng Chiêm, bên bức tượng của chị ở Trường THCS Bình - Ngọc Ảnh: NGỌC QUANG
Anh Hoàng Văn Lợi (trái), em trai liệt sĩ Hồng Chiêm, bên bức tượng của chị ở Trường THCS Bình – Ngọc Ảnh: NGỌC QUANG .

Căn nhà ấy nằm ngay trên đường từ Móng Cái ra Bình Ngọc. Cái rẻo đất ngay địa đầu biên giới nhô ra như một vành đai che chắn cho Móng Cái từ phía biển, phía bắc là địa bàn của phường Trà Cổ – nơi có mũi Sa Vĩ, nơi bắt đầu đặt nét bút để vẽ chữ S của bản đồ nước Việt, và phần còn lại phía nam là phường Bình Ngọc với mũi Ngọc cũng nổi tiếng không kém khi từ đây nối lên mũi Sa Vĩ làm thành bãi biển có chiều dài 17 cây số, được công nhận kỷ lục Guinness là bãi biển dài nhất nước!

Người con gái Bình Ngọc

Con đường từ Móng Cái ra Bình Ngọc đang được mở rộng còn ngổn ngang bùn đất, dễ nhận ra căn nhà có tấm biển kẻ sơn đỏ lên vách tường ghi "Nhà tình nghĩa – ngành thương mại Quảng Ninh và UBND huyện Hải Ninh tặng". Đấy là món quà tình nghĩa của quê hương và đồng đội dành tặng gia đình Hoàng Thị Hồng Chiêm sau sự hi sinh của chị.

Trên đường từ Móng Cái ra Bình Ngọc, anh Hoàng Như Lý (cựu binh Pò Hèn tháng 2-1979) cứ nhắc mãi với chúng tôi hình ảnh chị Chiêm ngày xưa, ấn tượng nhất là đôi giày bata màu xanh gần như bất ly thân của chị. Trận chiến sáng 17-2 chống lại quân Trung Quốc năm ấy, nhiều cán bộ chiến sĩ của đồn Pò Hèn cũng bất ngờ trước khả năng sử dụng vũ khí của cô gái mậu dịch viên. Hóa ra trước khi chuyển ngành về cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn, Hồng Chiêm từng có mấy năm đi bộ đội.

Trước khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra chừng một tuần, các khối lâm trường, thương nghiệp… đã được lệnh lùi về tuyến sau. Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn cũng thế, chỉ còn một ít hàng được giữ ở kho. Anh em thay nhau lên trông coi, bảo vệ. Chiều 16-2, Chiêm được lệnh lên cửa hàng cũ dọn dẹp một số hàng ở kho, tiện dịp cũng qua thăm Lượng, người yêu của chị, đang là cán bộ đội vận động quần chúng của đồn biên phòng Pò Hèn. Dọn dẹp, niêm phong kho xong, từ cửa hàng thị trấn Hồng Chiêm lên đồn xem trận bóng chuyền của anh em. Lượng cũng là một tay đập chủ công của đội bóng đồn.

Sáng hôm sau khi trận đánh bất ngờ diễn ra, từ cửa hàng Hồng Chiêm chạy về phía đồn, sát cánh chiến đấu cùng anh em chiến sĩ.

Và những nhân vật trong khoảnh khắc đó đều có trên tấm bia tưởng niệm. Trên bia, ngoài liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa đầu tiên, tên của liệt sĩ Bùi Văn Lượng, người yêu chị Chiêm, có thứ tự là 5, liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng xếp thứ 21, Nguyễn Văn Mừng xếp thứ 26 và Hoàng Thị Hồng Chiêm xếp thứ 59. Không chỉ có duy nhất chị Chiêm là nữ liệt sĩ hi sinh trong trận đánh bảo vệ biên giới ấy, trên bia chúng tôi còn thấy khá nhiều nữ liệt sĩ có tuổi đời chỉ mới 17-20 như liệt sĩ Nguyễn Thị Ruỗi sinh năm 1962, quê Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng hi sinh vào sáng 17-2-1979 ấy, hay liệt sĩ Vũ Thị Tới sinh 1961 (18 tuổi), rồi Đặng Thị Vượng, Đỗ Thị Mâu, Hoàng Thị Nết, Nguyễn Thị Lèn, Vũ Thị Mười, Cao Thị Lừng… Những cô gái tự vệ lâm trường Hải Ninh ấy, khi ngã xuống hình như chưa cô nào đã có người yêu như chị Chiêm…

Mai sau dù có bao giờ…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa của ngành thương mại xây tặng là anh Hoàng Văn Lợi, em trai của chị Chiêm. Trong gia đình, chị Chiêm là con thứ ba, cũng thật bất ngờ khi được biết người chị ruột của Hồng Chiêm, chị Hoàng Thị Liễm, là vợ của trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, tướng Hưởng cũng là người quê ở phường Bình Ngọc (Móng Cái) này.

Trên bàn thờ, tấm hình chị Chiêm được truyền thần từ một tấm hình chụp chị mặc quân phục bộ đội và mũ tai bèo sang áo dài truyền thống. Anh Lợi bảo: Chị Chiêm ngoài đời thật còn xinh hơn trong tấm hình đang thờ, nhất là đôi mắt như có lửa. Năm 1972 chị Chiêm đi bộ đội, đóng quân ở Quảng Yên thì Lợi còn rất nhỏ. Biên giới thuở ấy cũng đang bình yên. Ký ức của Lợi là lần chị Chiêm về phép, tranh thủ chủ nhật nghỉ đưa mấy em sang Đông Hưng (thành phố giáp biên Móng Cái của Trung Quốc) đi chơi, mua cho mấy chiếc kẹo. Sau năm 1975, xuất ngũ thì chị Chiêm chuyển sang ngành thương nghiệp và lên bán hàng ở Pò Hèn. Chặng đường từ Pò Hèn về Bình Ngọc chỉ hơn 50 cây số nhưng thuở ấy đường sá khó khăn lắm, không thể thường xuyên về nhà được, mấy năm về sau tình hình căng thẳng chị Chiêm lại càng ít về hơn.

Buổi sáng 17-2-1979 chị Chiêm hi sinh nhưng phải mấy ngày sau gia đình mới nhận được tin báo. Mộ chị cũng được an táng ở khu vực Tràng Vinh, sau đó khu vực này xây cất một công trình gì đó nên được quy tập về địa bàn khác, nhưng người được giao nhiệm vụ báo tin cho gia đình lên cất bốc lại quên mất. Mộ chị Chiêm được quy tập về xã Hải Hòa nhưng gia đình không hề biết. Mãi sau này một người bà con trong thôn khi đi viếng mộ người thân ở nghĩa trang Hải Hòa, thấy tên tuổi chị Chiêm trên bia mới vội vã chạy về báo cho biết và sau đó anh chị em mới đưa hài cốt chị Chiêm quy tập về nghĩa trang gia đình.

Sau khi Hoàng Thị Hồng Chiêm hi sinh, năm 1984 tên chị được đặt cho ngôi trường cấp II xã Bình Ngọc là Trường trung học cơ sở Hoàng Thị Hồng Chiêm. Sân trường có bức tượng chị Chiêm bằng ximăng đặt trên bệ đá, tay trái cầm khẩu AK, tay phải cầm thủ pháo, mắt nhìn thẳng kiên nghị về phía trước. Bao thế hệ học trò Bình Ngọc đã được học dưới mái trường mang tên chị, thấm đẫm niềm tự hào về người nữ liệt sĩ của quê hương và ngày ngày hát vang lớp học những bài ca ca ngợi tấm gương liệt nữ.

Theo chân người em ruột của chị Chiêm ra thắp nhang cho chị, chúng tôi chợt thấy se lòng. Nén nhang thắp như chực tắt trước cơn gió bấc buốt giá cứ thổi bạt đi, và khi nhang bén chợt bốc cháy rừng rực trong buổi chiều cuối năm ở cuối trời đông bắc địa đầu đất nước…

Theo Lê Đức Dục – Đức Bình (Tuổi Trẻ)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét