Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Người phụ nữ Dao hiếu học, giàu nghị lực


Đó là chị Lã Thị Phú, 47 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 tuổi, Trường Mầm non xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí).

Những ngày đầu khi luồng gió đổi mới thổi tới vùng quê miền núi này, chị Phú là một trong những nữ thanh niên hăng hái tham gia vào các hoạt động đổi mới của địa phương. Điều làm chị trăn trở nhiều nhất lúc bấy giờ là công tác giáo dục mầm non của xã. Ở Thượng Yên Công khi ấy thôn thì chưa có, thôn có thì tan rã, không duy trì được các lớp nhà trẻ, mầm non vì những khó khăn từ thời bao cấp. Ở thôn Tập Đoàn của chị cũng vậy, không có nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các bà mẹ đành bỏ việc đồng áng để ở nhà trông con. Các cháu thì chịu thiệt thòi vì không được chăm sóc, dạy dỗ theo phương pháp khoa học. Trước thực trạng này, chị mạnh dạn đề xuất mượn tạm 2 gian nhà bỏ trống của trạm xá thôn để mở lớp mẫu giáo. Được chính quyền, người dân ủng hộ, chị càng có thêm quyết tâm thực hiện. Hằng ngày, chị không quản ngại khó khăn, vất vả, cùng mấy người bạn lội suối, băng rừng đến từng nhà đồng bào vận động, quyên góp các vật dụng cho lớp mẫu giáo thôn. Nhà thì giúp cái xoong, cái nồi; nhà thì ủng hộ cái chậu nhựa, chiếc xô… Mấy bác cựu chiến binh thì hỗ trợ ngày công sửa sang lớp học và tận dụng thanh tre, miếng gỗ của gia đình đóng tặng lớp những chiếc bàn, ghế… Rồi chị tới từng nhà có trẻ em trong độ tuổi vận động cho các cháu đến lớp. Mấy ngày đầu, lớp chỉ có năm, bẩy cháu nhưng về sau, các bà mẹ, ông bố thấy trẻ đi mẫu giáo về, cháu nào cũng sạch sẽ, ngoan ngoãn nên người nọ rủ người kia cho con đi học. Cứ thế, lớp mẫu giáo của thôn ngày càng đông.

Cô giáo Lã Thị Phú và các học trò.
Cô giáo Lã Thị Phú và các học trò.

Khi lớp mẫu giáo của thôn Tập Đoàn được Phòng Giáo dục thị xã lúc đó (nay là TP Uông Bí) công nhận và có sự hỗ trợ về chính sách, chế độ, cũng như đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, thì cũng là lúc chị được cử đi học trung cấp sư phạm (hệ 7+1 chuyên ngành mẫu giáo). Học xong, chị về nhận công tác tại Trường Mầm non của xã. Chị luôn dành tâm huyết cho giáo dục mầm non của địa phương, cùng đồng nghiệp góp phần củng cố, xây dựng hệ thống nhà trẻ, lớp mẫu giáo từ xã đến các thôn bản. Là phụ nữ dân tộc thiểu số nhưng chị không tự ti mà luôn có ý thức cầu tiến bộ. Năm 2005, khắc phục khó khăn về gia đình, vừa công tác, chị vừa theo học cao đẳng sư phạm mầm non. Thời gian này, cả chị và 2 con chị  đều đi học. Các cháu học đại học ở Hà Nội, còn chị thì học tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh. Thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương công nhân mỏ của chồng và từ những đàn gà, lứa lợn chị cùng chồng tranh thủ tăng gia, sản xuất. Khó khăn, thiếu thốn có lúc tưởng phải bỏ dở việc học của bản thân nhưng với ý chí và nghị lực, chị đã vượt qua. Kết quả, mọi  nỗ lực của chị và chồng con đã được đền đáp. Chị tốt nghiệp cao đẳng sư phạm loại giỏi; hai con của chị cũng tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.

Với những thành tích của bản thân, chị Phú đã được UBND tỉnh, thành phố và ngành giáo dục tặng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua. Gia đình chị được TP Uông Bí tuyên dương gia đình hiếu học xuất sắc và gia đình văn hoá tiêu biểu. Hội Phụ nữ TP Uông Bí đã lấy gương điển hình hiếu học của chị và gia đình để cán bộ, hội viên phụ nữ noi theo khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh uỷ về xây dựng xã hội học tập.

Vũ Thế Hùng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét