Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Khó, vì sao?


Theo thông tin từ Sở GD-ĐT, tính đến hết tháng 12-2012, toàn tỉnh có 142/186 (đạt tỷ lệ 76,3%) số xã, phường, thị trấn với 7/14 (đạt 50%) số huyện, thị xã, thành phố đạt các điều kiện về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trong đó có 6 đơn vị cấp huyện duy trì kết quả vững chắc là: Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà. Riêng huyện Ba Chẽ, mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, song đến nay do tỷ lệ suy dinh dưỡng quá cao so với quy định nên duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập vào năm 2013 là rất khó khăn.

Huyện Hoành Bồ là 1 trong 4 địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn trong việc phấn đấu để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013. Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường Mầm non Kỳ Thượng (Hoành Bồ).
Huyện Hoành Bồ là 1 trong 4 địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn trong việc phấn đấu để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013. Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường Mầm non Kỳ Thượng (Hoành Bồ).

7 địa phương còn lại chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi gồm: Quảng Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà. Trong đó, 4 địa phương là Quảng Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Móng Cái vẫn được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn trong việc phấn đấu để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn tới việc những địa phương này khó có thể được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013 chủ yếu là do điều kiện về cơ sở vật chất. Hiện một số lớp mẫu giáo 5 tuổi tại đây vẫn phải đang học nhờ nhà văn hoá, trường tiểu học. Một số lớp có số trẻ vượt quá quy định dẫn tới thiếu diện tích lớp học, thiếu đồ dùng, thiết bị, đồ chơi. Hơn nữa, một số xã thuộc khu vực miền núi, hải đảo ở đây có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng quá cao so với quy định. Mặt khác, một số xã tại những địa phương này đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp căn bản hoặc đã tìm được giải pháp nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, chưa toàn diện như các xã Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ) hay như xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà). Đặc biệt, ở TP Móng Cái, nhiều nơi vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi…

Theo đồng chí Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc các địa phương còn lại chưa đạt chủ yếu là do chưa đạt chuẩn về tiêu chí cơ sở vật chất. Đa số cơ sở vật chất các trường mầm non thuộc 44 xã, phường, thị trấn còn lại đã xuống cấp; có lớp học không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ phòng học phải đi học nhờ nhà văn hoá… nên không đủ diện tích theo quy định. Mặt khác, đa số các cơ sở mầm non tư thục thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ GD-ĐT. Quảng Ninh là địa phương có địa bàn rộng, địa hình tương đối phức tạp, nhiều xã thuộc các huyện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, mức sống còn thấp, chưa ổn định nên các bậc phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc đưa trẻ ra trường mầm non và cho trẻ ăn bán trú tại trường. Đặc biệt, nhiều nơi có làng chài sống quanh năm trên biển như Quảng Yên, Vân Đồn… nên công tác đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc điều tra phổ cập cũng rất khó khăn, vất vả. Ngoài giờ học chính, giáo viên khối 5 tuổi tại các trường mầm non phải đi đến từng hộ dân để điều tra. Rất nhiều giáo viên cho rằng cần thiết phải có một cơ chế đãi ngộ cho một số người làm công tác này, mà cụ thể là hỗ trợ chi phí đi lại. Thực tế, vẫn còn tình trạng nhiều hộ gia đình có 2 hộ khẩu hoặc 1 trẻ có 2 giấy khai sinh; thông tin trong sổ hộ khẩu và giấy khai sinh không chính xác về ngày, tháng, năm sinh; một số trẻ em chưa có giấy khai sinh… Mặt khác, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành giáo dục tại một số địa phương còn gặp nhiều hạn chế. Thậm chí, một số nơi đã gần như phó mặc hoàn toàn cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, trong năm 2012, Quảng Ninh đã thực hiện rất tích cực công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cùng với ngân sách Nhà nước, các Phòng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, ngân sách tỉnh đã dành gần 440 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non. Trong đó, tỉnh đã xây mới 774 phòng học, 101 phòng công vụ, 255 công trình nước sạch, 642 nhà vệ sinh… Để có thể hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013, Sở GD-ĐT cũng đã đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Cụ thể như: Trước mắt ưu tiên phòng học, phương tiện dạy học, giáo viên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, sau đó mới dành cho nhóm trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí đủ giáo viên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Hy vọng, với những giải pháp này, Quảng Ninh sẽ có thể từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu phổ cập trong năm 2013.

Lan Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét