Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Nỗi lòng bà Mận


Ngày giỗ chồng bà Mận, tôi là chỗ hàng xóm thân thiết nên được mẹ con bà mời sang. Ngoài tôi, còn có thêm ba người nữa, cùng với bà và anh Thuận (con trai bà) là ngồi vừa mâm. Còn cô con dâu đang bận con nhỏ nên ăn sau, bà đã để phần đâu vào đấy.

Khi mọi người đang vui vẻ thì có tiếng gọi từ trong buồng: "Này anh ơi, con nó ị, lấy cho cái chậu mau lên!". Anh Thuận đặt vội chai rượu xuống mâm, chạy ngay vào buồng. Bà Mận ngượng nghịu, phân bua với mọi người: "Chả là cháu nó ấm đầu, quấy quá! Thôi, xin mời các bác uống rượu!". Lát sau, anh Thuận trở ra, ngồi xuống cạnh tôi. Bà Mận liền bảo với con trai: "Con tiếp rượu các bác hộ mẹ nhé!". Nói xong, bà nhanh nhẹn gắp thức ăn vào bát cho mọi người. Nhưng chưa ai kịp ăn hết miếng thịt gà luộc đã lại nghe cái giọng gắt gỏng từ trong buồng vọng ra: "Này, đến giờ con nó ăn rồi đấy! Anh đi quấy bột nhanh lên, kề cà mãi". Bà Mận liền quay sang bảo với con trai: "Con cứ ngồi tiếp rượu các bác để mẹ làm cho". Nói xong, bà định buông đũa đứng lên thì tôi vội bảo: "Thôi, bà cứ ngồi đây tiếp khách, để tôi vào bế cháu cho mẹ nó đi quấy bột".

Tôi vào buồng, thấy con dâu bà Mận đang nằm đắp chăn. Đứa con gái 6 tháng tuổi đang bò giữa đống tã lót bề bộn trên giường, mùi nước giải khai nồng, bốc lên. Dưới gầm giường lủng củng nào chậu tã, nào bô… "Nào cún con ra đây với bà để mẹ cháu đi quấy bột cho mà ăn" – Tôi vừa nói, vừa ngồi xuống, giang tay về phía cháu bé. Cô con dâu bà Mận vội nói: "Bà cứ kệ cháu! Để bố nó quấy bột, bà ra mà xơi cơm đi!" – "Kìa, cháu! Sao lại làm thế? Để cho chồng mày nó tiếp khách chứ. Đưa con đây cho tao" – Tôi nói và bế thốc đứa bé ra khỏi giường. Tưởng mẹ nó sẽ dậy nấu bột cho con nhưng nó đã kéo chăn trùm kín đầu, nằm lì trong đó. Thấy vậy, anh Thuận đành phải buông đũa đứng lên. Cô vợ nói gióng từ trong chăn: "Nấu cho chín kỹ, kẻo nó lại đi lỏng đấy!" – "Nấu bột với đường hay với gì?" – giọng anh chồng gắt lên, hỏi. "Muối! Bảo mua cho nó ít sườn cũng quên!" – Tiếng cô vợ đáp cộc lốc. Thế rồi anh Thuận hậm hực đi làm, loay hoay chắt nước từ nồi khoai tây hầm để quấy bột. Nấu xong đổ ra đĩa, bật quạt lên cho chóng nguội rồi bế con vào để vợ cho ăn. Anh chồng trở lại mâm rượu, vừa kề được chén rượu lên môi thì lại nghe thấy tiếng vợ: "Pha sữa đi! Bột đặc thế này con bé nuốt làm sao được. Mà làm nhanh lên không nó sắp ngủ đấy!" – "Ai lại thế bao giờ! Trời đánh còn tránh miếng ăn. Anh cứ ngồi ăn cho xong bữa đi" – Mọi người đều phản ứng lại thái độ quá đáng của cô con dâu bà Mận. Bực quá, anh Thuận chạy vào buồng, lớn tiếng: "Này, vừa vừa chứ! Quá quắt lắm không ai chịu nổi đâu!". Không thấy vợ nói gì, anh nén giận đi pha sữa cho con.

Bữa cỗ bỗng trở nên nặng nề, không ai còn muốn ăn nữa và mọi người đều buông đũa bát, lục tục đứng lên. Mâm cỗ gần như còn nguyên. Lấy cớ trời sắp mưa to, mọi người vội vã ra về, không kịp uống nước. Tiễn khách ra cửa, bà Mận nói, giọng như nghẹn: "Cho tôi xin lỗi các bác. Xin các bác thương tôi mà tha thứ cho cháu!". Rồi bà quay lại tôi, thì thào: "Bà ở lại với tôi một lát đã!".

Tôi ngồi lại an ủi bà Mận. Còn bà lại được dịp kể lể về gia cảnh, cái điều mà tôi đã biết rất rõ. Bà Mận goá chồng sớm, ở vậy nuôi người con trai duy nhất là anh Thuận rồi dựng vợ cho anh. Không ngờ, số bà vất vả đến hết đời vì có người con dâu như vậy. Tôi lựa lời an ủi bà: "Bà cũng đừng buồn làm gì nữa! Lúc nào thư thả bà nhẹ nhàng khuyên bảo, kiên trì uốn nắn nó xem sao. Bà bây giờ phải là chỗ dựa cho con trai bà!". Nghe tôi nói vậy, bà Mận cũng thấy nguôi ngoai và tự trách mình và con trai vì đã quá nuông chiều cô con dâu, nuông chiều vợ mà ra nông nỗi này. Tôi hiểu nỗi lòng của bà Mận và chợt nghĩ: Liệu cô con dâu bà có thấy được cái sai của mình trong cách cư xử với chồng và nhất là cách cư xử cho có văn hoá khi nhà có khách, có việc trọng? Và tôi cũng nhận thấy một điều rằng, không chỉ với cô con dâu bà Mận mà nhiều cô vợ trẻ, cô con dâu trẻ hiện nay rất thiếu kĩ năng sống nên mới cư xử như vậy. Đây rõ ràng là vấn đề không thể xem nhẹ!

Hạnh Chi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét