Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Hợp tác xã quản lý chợ Bình Dương (Đông Triều): Cách làm mới, hiệu quả cao


Là một mô hình điểm trong công tác quản lý chợ ở huyện nông nghiệp Đông Triều, sau một thời gian chưa dài trực tiếp làm công việc này, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Bình Dương đã cho thấy đây là cách làm mới, mang lại hiệu quả cao…

Là xã miền núi thuần nông của huyện Đông Triều giáp với TX Chí Linh (tỉnh Hải Dương), Bình Dương được xem là "xã cửa ngõ" của tỉnh. Do đó, chợ Bình Dương không chỉ phục vụ cho hơn 12.000 hộ nông dân thuộc 5 xã phía Tây Đông Triều, mà còn là nơi trao đổi hàng hoá với nhiều xã, phường thuộc TX Chí Linh. Từ năm 1990, xã Bình Dương đã tiến hành xây dựng quy mô chợ loại 2 tại thôn Bắc Mã với tổng diện tích 6.512m2. Tuy nhiên, chợ Bình Dương chỉ họp 12 phiên/tháng, với quy mô nhỏ; cả chợ chỉ có 4 ki-ốt, 30 quầy hàng (tổng giá trị hàng hoá khoảng 90 triệu đồng) và 20 lều hàng; chưa kể đường đi lối lại trong chợ chưa được kiên cố hoá nên việc giao thương của bà con nông dân còn nhiều hạn chế. Bà Lâm Thị Hoa, Chủ nhiệm HTX DVNN Bình Dương, cho biết: "Xã Bình Dương có trên 2.350 hộ dân, gần 8.000 nhân khẩu với ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, việc trao đổi nông sản, mua bán vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng hoá tiêu dùng v.v.. diễn ra thường ngày. Trong khi đó, chợ Bình Dương lại chỉ họp 12 phiên/tháng, nên những ngày còn lại, bà con nông dân thường họp chợ ngay trước cổng chợ, gây mất trật tự, lộn xộn, dễ gây ra tai nạn giao thông. Chính vì muốn lập lại trật tự, tạo điều kiện cho bà con trao đổi mua bán hàng hoá thuận lợi, sau khi được UBND huyện đồng ý, UBND xã đã chuyển giao công tác quản lý chợ cho HTX DVNN quản lý và kinh doanh…".

Chợ Bình Dương (Đông Triều).
Chợ Bình Dương (Đông Triều).

Ngay sau khi được bàn giao quản lý chợ, HTX DVNN đã thành lập Ban quản lý, gồm lãnh đạo, kế toán, đội thu phí chợ và tổ dọn vệ sinh, môi trường. BQL chợ đã đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng dãy ki-ốt với 490m2 lợp tôn, 1.500m2 lợp ngói prô xi măng, 1.500m2 chợ không có mái che, 1.265m2 đường trục đi lại trong chợ được bê tông hoá, 900m2 bãi gửi xe cùng với hệ thống nhà vệ sinh, rãnh thoát nước hợp quy chuẩn. Từ đó đã tạo được chỗ ngồi ổn định, chắc chắn, sạch sẽ cho gần 90 hộ kinh doanh cố định liên tục các ngày trong tháng và 200 hộ kinh doanh không cố định cùng hơn 50 hộ kinh doanh theo phiên. Ban đầu, hầu hết những người dân đã quen với việc buôn bán hàng hoá dọc hai bên đường quốc lộ 18A nên không muốn đăng ký vào chợ vì lí do không thuận tiện cho việc buôn bán và sợ mất khoản tiền thuê ki-ốt hàng tháng. Tuy nhiên, với quyết tâm của chính quyền xã cũng như công tác tuyên truyền, vận động tích cực của BQL chợ, dần dần bà con đã thay đổi nhận thức. Hiện nay, chợ đã ngày một sầm uất hơn, người mua kẻ bán đã đông hơn nhiều so với trước. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường, buôn bán nhếch nhác như trước đây cũng đã không còn xảy ra.

Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, phấn khởi cho biết: "Từ khó khăn trong những ngày đầu mới được bàn giao quản lý chợ, đến nay mô hình hợp tác xã quản lý chợ không những đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân buôn bán, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, mà còn mang lại hiệu quả cao trong việc tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Trước đây, mỗi năm nguồn thu từ chợ Bình Dương nộp vào ngân sách của xã chỉ 10 triệu đồng, nhưng từ khi có HTX DVNN quản lý chợ thì nguồn thu tăng lên 36 triệu đồng/năm…".

Mộc Hương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét